Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Quy hoạch báo chí không lừng chừng được nữa
Cập nhật: 21:09, 28/12/2019 (GMT+7)
Ngày 28-12, tại Hải Phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên Giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.
Đồng chí: Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự hội nghị |
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và hơn 600 đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành ở trung ương, lãnh đạo các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí cả nước.
Tổng kết công tác báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, năm 2019 là năm công tác báo chí có nhiều dấu ấn quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc tới năm 2025. Báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng đổi mới cải tiến nội dung, hình thức nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái.
Đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. |
Đáng chú ý, thực hiện Quy hoạch báo chí, trong 11 tháng của năm 2019, cả nước giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Đến ngày 30-11-2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình. Cùng với đó, cả nước có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó 20.407 người đã được cấp Thẻ Nhà báo.
Tuy nhiên hoạt động báo chí năm 2019 còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm. Nổi lên là thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấp phép, tập trung chủ yếu ở các tạp chí điện tử. Thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân, cùng với đó là việc giật gân, câu view gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận xã hội.
Đặc biệt tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử vẫn diễn biến phức tạp. Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền hơn 675 triệu đồng, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của báo chí trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Báo chí không chỉ phản ánh kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn nói lên ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, qua đó đóng góp cho Chính phủ có những điều chính kịp thời chính sách phát triển kinh tế xã hội để có được sự đồng thuận của nhân dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác báo chí trong năm qua, nhất là việc có không ít cơ quan chủ quản báo chí chưa chủ động cung cấp thông tin, chưa thực sự quan tâm đầu tư về nguồn lực để cơ quan báo chí phát triển trước áp lực cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chủ quản và đơn vị báo chí cần chú trọng tập trung thực hiện quy hoạch báo chí để tinh gọn hiệu quả trong hoạt động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, chính quyền và khơi dậy khát vọng của nhân dân.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao vai trò, hoạt động của báo chí nhưng cũng thắng thắn chỉ rõ những hạn chế còn chậm được khắc phục, xử lý. Trong đó nổi lên là việc cung cấp thông tin cho báo chí vẫn chưa chủ động ở một số lĩnh vực (vụ việc ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cháy nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông); Có biểu hiện buông lỏng trong quản lý báo chí điện tử, báo chí chạy theo mạng xã hội, việc xử lý “báo hóa” tạp chí chưa nghiêm; Một số cơ quan báo chí, nhất là thuộc tổ chức xã hội nghề nghiệp thông tin thiếu khách quan, sai sự thật, xa rời tiêu chí, tôn chỉ mục đích. Đặc biệt việc thực hiện quy hoạch báo chí đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng chưa đảm bảo tiến độ.
Về những nhiệm vụ của báo chí trong năm 2020, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, với nhiều sự kiện lớn của đất nước, đòi hỏi cần tăng cường sự lãnh đạo, phối hợp chỉ đạo quản lý nhằm tạo sự thống nhất trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát cơ quan báo chí, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí có vi phạm Luật Báo chí và quy định của pháp luật về hoạt động báo chí.
Đối với các cơ quan báo chí cần tích cực chủ động truyền tải các thông tin tuyên truyền đầy đủ các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị đất nước. Đồng thời đẩy mạnh tin bài liên quan tới công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Bên cạnh đó, báo chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước nêu bật các thành tựu trong nhiệm kỳ XII của Đảng; Phải coi trọng thông tin tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, đồng thời tỉnh táo trước các luận điệu lợi dụng báo chí để gây mất đoàn kết, hạ thấp uy tín cá nhân, tổ chức.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí phải khẩn trương thực hiện nghiêm quy hoạch báo chí tới năm 2025 và rà soát, sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tiễn.
“Chúng ta không chậm được nữa, không lừng chừng được nữa trong thực hiện quy hoạch báo chí, đến giờ là rất chậm rồi…”- đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh đồng thời yêu cầu đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí nhằm chống lại tự suy thoái, tự chuyển hóa trong lĩnh vực báo chí; Tiến hành xử nghiêm tình trạng “báo hóa” tạp chí để tạp chí phải trở về đúng bản chất là cơ quan thông tin chuyên sâu định kỳ, qua đó làm tăng niềm tin của người dân vào báo chí và những người làm báo chân chính.
Cũng tại hội nghị đại diện nhiều cơ quan báo chí đã trình bày một số tham luận về kinh nghiệm nâng cao chất lượng thông tin tới bạn đọc, công tác quản lý báo chí. Trong đó, lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trình bày tham luận “Đổi mới chất lượng nội dung và mô hình hoạt động của báo Đảng địa phương”.
Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã tặng Bằng khen cho một số cơ quan báo chí có nhiều thành tích nổi bật trong công tác báo chí tuyên truyền năm 2019, định hướng dư luận tốt, trong đó có báo Sài Gòn Giải Phóng.
(Theo sggp.org.vn)