Thứ Bảy, 28/12/2019, 11:03 (GMT+7)
.

Từ Mỹ Tho đại phố đến đô thị văn minh

Theo nhiều tài liệu khoa học, từ năm 1623, một bộ phận người Việt từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp ở vùng tả ngạn sông Bảo Định (các phường 2, 3, 8 và các xã Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh và Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang ngày nay).

Đến năm 1679, một nhóm khoảng 3.000 người Minh Hương được chúa Nguyễn cho định cư ở vùng đất này. Từ đây Mỹ Tho là Chợ phố lớn được lập ra ở làng Mỹ Chánh, huyện Kiến Hòa, mà theo cách gọi lúc bấy giờ là Mỹ Tho đại phố.

Công viên  tại phường 1  (gần cầu Quay)  vừa hoàn thành Ảnh:  HỒNG  LÊ
Công viên tại phường 1 (gần cầu Quay) vừa hoàn thành Ảnh: HỒNG LÊ

LỊCH SỬ HÀO HÙNG

Dấu ấn của đô thị Mỹ Tho trong lịch sử hình thành và phát triển 340 năm qua là phố thị, là những công trình kiến trúc, công trình quân sự...

Những dấu ấn này nói lên sự phồn thịnh và vai trò của Mỹ Tho trong mối tương quan với những vùng đất mới (tức khu vực Tây - Nam bộ bây giờ). Vào năm 1808, trấn Định Tường được thành lập, Mỹ Tho vẫn là lỵ sở của trấn Định Tường.

Năm 1826, vua Minh Mạng lại cho dời lỵ sở trấn Định Tường sang phía Tây sông Bảo Định thuộc 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng (nay thuộc các phường 1, 4, 7), phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Trong thời kỳ Pháp thuộc, tại Mỹ Tho có đường xe lửa dài 70 km Sài Gòn - Mỹ Tho, đây là tuyến đường sắt sớm nhất ở Đông Dương. 

Năm 1976, TP. Mỹ Tho được Chính phủ công nhận là đô thị loại III. Năm 2005, thành phố được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Vào tháng 4-2016, thành phố được Chính phủ công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đến nay, Mỹ Tho đạt chuẩn Văn minh đô thị, hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thành phố hiện có 17 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 11 phường và 6 xã, diện tích trên 8.154 ha, với dân số trên 228 ngàn người.
 

Với vai trò là trung tâm của tỉnh, các phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân TP. Mỹ Tho chống đế quốc xâm lược liên tục nối tiếp nhau kết lại thành dòng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử đấu tranh của địa phương.

2 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), tại Mỹ Tho một số chi bộ đảng cũng được ra đời như: Chi bộ Hảng Xáng, Chi bộ Collège de My Tho (Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hiện nay), Chi bộ Xóm Dầu (phường 3), Chi bộ Hóc Đùn (xã Đạo Thạnh)…

Do vị trí và địa thế thuận lợi về đường sông cũng như đường bộ, Mỹ Tho trở thành trạm dừng chân đi về của nhiều cán bộ trong tỉnh. Đồng thời, đây là trạm trung chuyển thư, tài liệu, báo chí bí mật của Xứ ủy và Trung ương từ Sài Gòn, liên tỉnh miền Đông về các tỉnh miền Trung và Tây Nam bộ.

Đặc biệt trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa năm 1940, Mỹ Tho được chọn là nơi đặt các trạm liên lạc của Xứ ủy Nam kỳ, của Tỉnh ủy và của liên tỉnh tại chùa Vĩnh Tràng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, TP. Mỹ Tho đóng góp rất lớn sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng chung. Toàn thành phố có 1.942 hộ liệt sĩ, 954 hộ thương binh và thành phố được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của Mỹ Tho phải kể đến là tinh thần hiếu học. Ở Mỹ Tho có ngôi trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (tiền thân là Collège de My Tho được thực dân Pháp thành lập vào năm 1879 - là trường trung học đầu tiên ở đất Nam kỳ). Bao thế hệ học sinh ưu tú kiệt xuất của dân tộc đã trưởng thành từ mái trường: Phạm Hùng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn An Ninh, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thành Châu…

THÀNH PHỐ NĂNG ĐỘNG, HIỀN HÒA

Mỹ Tho hôm nay là thành phố năng động về phát triển kinh tế. Hằng năm, tăng trưởng kinh tế duy trì với tốc độ trên 12,4%; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng; cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Trên địa bàn thành phố hiện có Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An và Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Tân Mỹ Chánh; trên 1.500 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...

Du lịch là loại hình dịch vụ mà TP. Mỹ Tho tập trung đầu tư phát triển những năm gần đây. Du lịch sinh thái, miệt vườn là lợi thế của thành phố. Thành phố có nhiều di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia, trong đó chùa Bửu Lâm, chùa Vĩnh Tràng, đình Điều Hòa.

Thành phố còn có 13 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh. Đó là những điểm thu hút khách du lịch, du khảo. Để đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách, thành phố có 124 cơ sở lưu trú du lịch gồm: 1 khách sạn đạt chuẩn 4 sao (Mekong Mỹ Tho), 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 8 khách sạn đạt chuẩn 2 sao, 32 khách sạn đạt chuẩn 1 sao...

Thực hiện Đề án Xây dựng TP. Mỹ Tho thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, bước đầu thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Trải qua bao thăng trầm, Mỹ Tho vẫn luôn là thành phố năng động và hiền hòa bên sông Tiền, là đô thị trung tâm của tỉnh, của vùng.

Bí thư Thành đoàn Mỹ Tho Dương Thị Hương bộc bạch: “Tôi rất tự hào, vinh dự khi được sinh ra, lớn lên và làm việc tại vùng đất Mỹ Tho anh hùng. Là thế hệ trẻ của thành phố được sống trong thời kỳ đất nước thống nhất, tôi luôn trân trọng những gì ông cha ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ được. Bản thân luôn tự hứa cố gắng cống hiến sức trẻ cho quê hương Mỹ Tho anh hùng để góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Mỹ Tho - một thành phố hiền hòa bên sông Tiền, năng động nhưng không quá ồn ào theo cách riêng của nó. Vì lẽ đó, Mỹ Tho đã làm lưu luyến biết bao con tim.

NHẤT THI

.
.
Liên kết hữu ích
.