Chủ Nhật, 12/01/2020, 14:41 (GMT+7)
.

Bản chất vụ việc Đồng Tâm

Vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm làm 3 chiến sĩ công an hy sinh không chỉ là mất mát riêng của gia đình, mà còn là nỗi đau của toàn lực lượng. Tuy nhiên, lợi dụng vụ việc, nhiều kẻ xấu đã xuyên tạc, đưa thông tin nhiễu loạn gây hoang mang xã hội, trong lúc này, cần tỉnh táo để nhìn nhận bản chất sự việc, để hiểu đúng và hành động đúng.

Như đã đưa, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, thành phố Hà Nội theo kế hoạch.

Trong quá trình xây dựng, sáng ngày 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.

Các đơn vị chức năng đã khống chế và bắt giữ các đối tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật

Sáu vấn đề cần hiểu đúng

Vụ việc tại Đồng Tâm đang gây nhiễu loạn thông tin trên mạng internet, trong đó rất nhiều thông tin thất thiệt, giả mạo được tung ra nhằm gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Đây chính là mảnh đất để kẻ xấu lợi dụng, nhắm vào chỉ trích, miệt thị chính quyền, đả phá chế độ.

Những thông tin từ mạng hải ngoại, mạng trong nước, facebooker có số lượng theo dõi lớn nhỏ, tất thảy đều cuốn vào dòng xoáy thông tin Đồng Tâm. Đó là những con số thiệt hại, những hình ảnh đau thương, những nỗi niềm chan chứa và chia sẻ sâu lắng tình người. Nhưng cũng xuất hiện tràn lan những bài viết, bình luận rất lệch lạc, không phân biệt đúng sai, phải trái hoặc cố tình đánh lận, tạo ra luồng thông tin hỗn độn đẩy trạng thái người xem vào rối ren, hoang mang rồi bức xúc, phẫn nộ, mặc sức chửi bới, miệt thị…

Lúc này đây, sự tỉnh táo là cần thiết, để nhìn nhận bản chất sự việc, để hiểu đúng và  hành động đúng. Nếu chúng ta để mình rơi tự do trong mớ thông tin rối ren đó, rất có thể tự mình đánh gục chính mình, hoang mang không phân định phải trái rồi trở thành con rối để kẻ xấu tiêu khiển, lợi dụng mà không hay biết. Do đó, cần xác định rõ ràng các vấn đề sau:

Thứ nhất, bản chất vấn đề đất đai ở Đồng Tâm: Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết quy chụp “chính quyền cướp đất của dân”, cho rằng người dân bị lấy đất canh tác vô cớ, kiện cáo không được giải quyết, từ đó họ bị… đẩy đến đường cùng! Đây là kiểu thông tin đánh lận bản chất, sai lệch hoàn toàn. Ở mọi quốc gia, đất đai dành cho lợi ích quốc gia, cho quốc phòng, an ninh là ưu tiên số một. Mọi dự án đất đai đều phải đặt lợi ích này lên trên và người dân, các tổ chức có nghĩa vụ phải chấp hành khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. 

Các hồ sơ, giấy tờ hiện có chứng minh rõ hiện trạng đất quốc phòng, không có sự mập mờ, khuất tất nào. Hiện trạng đất sân bay Miếu Môn không có thay đổi, không chuyển dịch mốc giới theo đo đạc của cơ quan chuyên môn, không có việc tăng hay giảm diện tích đất sân bay Miếu Môn và xã Đồng Tâm.

Thứ hai, việc giải quyết khiếu kiện của người dân và những tồn tại đặt ra. Nhiều thông tin nói rằng, chính quyền đã không chọn giải pháp đối thoại, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân mà lại “đối đầu”, từ đó chỉ trích cách hành xử của chính quyền, của công an. Đây là kiểu suy diễn, bỏ qua thực tế. Vụ việc tại Đồng Tâm, đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền từ huyện, thành phố đến Trung ương đã vào cuộc giải quyết, trong đó có rất nhiều cuộc thanh tra của Hà Nội, rồi Thanh tra Chính phủ.

Sau việc người dân Đồng Tâm bắt, giam giữ trái phép cán bộ và Công an vào năm 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp xuống đối thoại và cho thanh tra toàn diện. Khi người dân không đồng ý với kết luận thanh tra của Hà Nội thì Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, làm rõ tất cả các vấn đề có liên quan. Thanh tra Chính phủ kết luận, theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội giao cho các đơn vị quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Tháng 8 và tháng 11/2019, Thanh tra Chính phủ và thành phố Hà Nội lần lượt có các cuộc họp để thông tin, đối thoại với nhiều người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn. Cùng với đó, nhiều ban ngành Trung ương và Hà Nội cũng vào cuộc, đối thoại, giải thích và các biện pháp ổn định địa bàn.

Như vậy, không thể nói chính quyền “phớt lờ đối thoại” hay không giải quyết khiếu kiện của người dân.  

Ở đây cần thấy, liên quan việc sử dụng đất quốc phòng tại địa bàn, do chính quyền tại đây buông lỏng nên xảy ra tình trạng thời gian dài, nhiều khu đất bị lấn chiếm trái phép, kể cả xây dựng nhà cửa. Người dân đã đầu tư tiền bạc vào đây để xây dựng. Khi giải quyết những tồn tại này, chính quyền Hà Nội đã có các mức tính toán đền bù phù hợp. Thanh tra Chính phủ kết luận nội dung về việc TP Hà Nội ban hành các quyết định giao đất tại các xã Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) và xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cho đơn vị Quân chủng Phòng không Không quân để tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân là đúng thẩm quyền, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đối với việc giải phóng mặt bằng một số hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng, Thanh tra TP Hà Nội đã kết luận những sai phạm trong việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 14 hộ dân. Đồng thời, những cán bộ để xảy ra sai phạm cũng đã bị xử lý. Cụ thể, Bí thư xã Đồng Tâm bị khai trừ Đảng, 3 lãnh đạo khác bị cảnh cáo và một bị khiển trách. Điều đó cho thấy, không có việc bao che cho cán bộ sai phạm như một số thông tin.

Trong giải quyết vấn đề khiếu kiện liên quan đất đai, chúng ta thấy rõ những phức tạp, khó khăn, nhất là việc đền bù thế nào cho hợp lý. Với Đồng Tâm, các cấp từ địa phương đến Trung ương dành thời gian giải quyết suốt thời gian dài, bằng nhiều biện pháp khác nhau cho thấy sự quan tâm, lắng nghe, cầu thị, hoàn toàn không phải “thờ ơ, vô cảm” như một số thông tin rêu rao. Việc đưa ra những câu từ như “cướp đấtcủa dân”, “chèn ép”… là luận điệu mang tính xảo trá, kích động.  

Thứ ba, cần phân biệt rõ ranh giới giữa kiến nghị của người dân với hành vi lợi dụng, cố tình phạm tội.

Trong việc thực hiện chính sách đất đai tại đây cũng cần thấy rằng, cùng tính chất như nhau nhưng 3 xã bên cạnh là Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc đã thực hiện nghiêm chỉnh, vậy mà tại Đồng Tâm nhiều hộ lại cố tình không thực hiện. Số này bất chấp việc đối thoại, giải thích của cơ quan chức năng, đã hô hào, kích động người khác chống đối, bắt giữ cán bộ, gây sức ép. Cơ quan điều tra thu giữ được các tài liệu chứng minh rằng, ông Lê Đình Kình giữ vai trò “đầu tàu”, tập hợp những người khác, trong đó có các thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập về Đồng Tâm, phân chia ra các bè mảng để “thề ăn đủ”! Số này đã kêu gọi việc đóng góp từ nhiều nơi, trong đó có nguồn tài trợ từ tổ chức phản động hải ngoại, biến việc đòi đất ở Đồng Tâm thành cái cớ để gây sức ép với chính quyền, chống phá Nhà nước.

Có chống phá là có tiền từ bên ngoài rót về, vì thế những đối tượng này đã kiếm sống bằng nguồn tiền phi pháp dựa trên vỏ bọc khiếu kiện đất đai. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn, kiếm những đồng tiền nhơ bẩn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ phạm tội, gây tội ác. Mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, rồi thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Không thể bao biện, không thể ngụy trang dưới hình thức đòi đất, khiếu kiện để gây tội ác như vậy. Nhẫn tâm ra tay với cán bộ, với công an, cái đó phải thấy rõ để lên án và nghiêm trị trước luật pháp.

Thứ tư, về việc trấn áp của lực lượng Công an. Trong các biện pháp thì trấn áp là biện pháp cuối cùng, khi không còn biện pháp nào khác. Mấy năm nay, các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách để giải quyết, để đối thoại nhưng những đối tượng chống đối bất chấp, bỏ ngoài tai, cố tình phá hoại. Kỷ cương luật pháp phải được giữ nghiêm, không thể vì những đòi hỏi vô lý mà tạo ra những việc làm như “rào làng”, bắt giữ cán bộ, tra tấn...

Cơ quan Công an đã nhiều lần gọi hỏi, răn đe song các đối tượng vẫn cố tình thực hiện đến cùng và gần đây gia tăng các hành vi gây rối, tấn công cán bộ. Chính những kẻ quá khích ở đây đã chuẩn bị rất nhiều vũ khí với mục đích sát hại cán bộ, cho thấy sự manh động, nguy hiểm, phạm tội có tổ chức chứ không còn là sự đối phó nhất thời. 

Việc cơ quan Công an áp dụng biện pháp khống chế, bắt giữ các đối tượng phạm tội là biện pháp tuân theo tố tụng hình sự nhằm điều tra, làm rõ vụ án, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật. Do đó, không thể nói “công an đàn áp dân” mà phải thấy rõ yêu cầu tấn công, trấn áp tội phạm, không thể đánh lận khái niệm dân nói chung với những kẻ phạm tội, gây trọng tội; không thể để các đối tượng nhởn nhơ, chống phá, gây tội ác mà không áp dụng biện pháp mạnh theo luật định.  

Thứ năm, tình cảm tiếc thương, chia sẻ trước những tổn thất về con người khi 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh. Những cán bộ, chiến sĩ công an thực thi công vụ, trấn áp tội phạm, đối mặt hiểm nguy nhưng họ đã không nề hà, không quản ngại hy sinh, dấn thân thực thi nhiệm vụ để bảo vệ trị an, bảo vệ luật pháp. Chúng ta thấy rõ tính chất hung hãn, mất nhân tính, giết hại cán bộ của những đối tượng chống đối, các đối tượng phải trả giá cho hành vi tội ác của mình và dư luận cần nhận diện rõ điều đó để lên án, không thể ngụy biện với bất cứ lý do gì.  

Thứ sáu, cần cách nhìn đúng đắn về sở hữu đất đai. Vụ việc ở Đồng Tâm cũng như các vụ phức tạp về đất đai hiện nay, chúng ta cần cách nhìn toàn diện, tránh bị giật dây, cuốn theo sự suy diễn sai lệch, trái với tính chất sở hữu đất đai. Hiến pháp nước ta quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ.

Khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể, nhưng “toàn dân” không thể đứng ra thực hiện quyền năng cụ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt...) mà nhà nước thực hiện quyền năng này. Những tồn tại, mâu thuẫn, tranh chấp đất đai phần lớn do quá trình quản lý và sử dụng đất đai, đặc biệt do chế độ công hữu hóa đất đai trước đây, từ đất tập thể hợp tác xã đất đai được giao về cho các hộ dân nhiều hơn để sản xuất. Quá trình lịch sử đó để lại những khó khăn trong việc phân bổ lại, tái cơ cấu các chính sách sở hữu và sử dụng đất đai tại Việt Nam. 

Một mặt, những bất cập trong bản thân chính sách pháp luật hiện tại và quá trình thực thi pháp luật tại địa phương, có khoảng cách giữa các quy định của pháp luật và thực tiễn dẫn tới những tồn tại chưa được tháo gỡ. Do đó, không phải vì những vụ việc này mà cổ súy tư hữu đất đai. 

Vụ việc ở Đồng Tâm một lần nữa cho thấy ý đồ, hành vi của những con rối dưới tay các thế lực xấu tìm cách lợi dụng kích động người dân gia tăng sức ép, chống đối Nhà nước, tác động vào tâm lý gây bất ổn xã hội. Bởi vậy, sự tỉnh táo nhận diện và hành động đúng trong vấn đề này là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, động viên gia đình đồng chí Nguyễn Huy Thịnh.

Các đồng chí đã làm tròn trách nhiệm người Công an nhân dân

Ngày 11/1, Đoàn công tác Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn với gia đình 3 đồng chí cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh trong lúc đảm bảo an ninh, trật tự ở Đồng Tâm gồm: Đồng chí Nguyễn Huy Thịnh (sinh năm 1972), Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; đồng chí Dương Đức Hoàng Quân (sinh năm 1992), chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 22, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và đồng chí Phạm Công Huy (sinh năm 1993), chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội. 

Gửi lời chia buồn và chia sẻ với gia đình các cán bộ, chiến sĩ về sự mất mát đau xót này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây không chỉ là mất mát riêng của gia đình các đồng chí, mà còn là nỗi đau, sự mất mát của toàn lực lượng Công an nhân dân. Những chiến sĩ Công an, giữa thời bình vẫn chịu nhiều hy sinh, gia đình các anh cũng vậy, họ cũng phải gánh nỗi đau mất mát quá lớn vì cuộc sống bình yên cho nhân dân. Các đồng chí đã làm tròn trách nhiệm của người Công an nhân dân, tất cả vì sự bình yên cuộc sống. Sự dũng cảm hy sinh của các anh mãi mãi được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biết ơn. Bộ Công an và các cơ quan chức năng, địa phương sẽ luôn đứng bên gia đình, quan tâm, hỗ trợ hết sức để gia đình vơi bớt khó khăn.

 

Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi động viên gia đình đồng chí Dương Đức Hoàng Quân.

Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn, thân nhân gia đình các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cố gắng nén đau thương, sớm vượt qua nỗi đau, lấy niềm tự hào về sự hy sinh của người chồng, người cha, người anh, người em, người con của mình để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội, các Cục chức năng của Bộ Công an, chính quyền địa phương quan tâm, động viên gia đình các đồng chí hy sinh để vượt qua nỗi đau của sự mất mát to lớn này, hỗ trợ gia đình và thân nhân ổn định tinh thần và cuộc sống.

Sự dũng cảm hy sinh của các anh mãi mãi được ghi nhận, biết ơn

Cùng ngày, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dẫn đầu đoàn công tác thành phố đã đến thăm hỏi, động viên gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh khi thực thi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Ân cần sẻ chia nỗi đau mất mát với các gia đình, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, sự dũng cảm hy sinh của các đồng là không gì bù đắp được, mãi mãi được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biết ơn.

Đồng chí Đào Đức Toàn mong thân nhân của các liệt sĩ sẽ sớm vượt qua nỗi đau này, lấy niềm tự hào về sự hy sinh của người cha, người anh, người em, người con của mình để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Đào Đức Toàn khẳng định, thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng địa phương sẽ luôn đứng bên gia đình, quan tâm, hỗ trợ hết sức để gia đình vơi bớt khó khăn. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương nơi gia đình các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh đang sinh sống có trách nhiệm thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ; tạo điều kiện cho gia đình về công ăn việc làm, sinh hoạt và học tập. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị công an và gia đình chuẩn bị chu đáo, tổ chức lo hậu sự bảo đảm trang trọng và xứng đáng với sự hy sinh của các đồng chí.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm hỏi động viên gia đình đồng chí Phạm Công Huy

Thăng cấp bậc hàm, công nhận liệt sĩ, truytặng Huân chương cho 3 đồng chí

Ngày 11/1, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm cho ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Theo quyết định, đồng chí Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm từ Thượng tá lên Đại tá

Đồng chí Phạm Công Huy, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP Hà Nội được thăng cấp bậc hàm từ Trung úy lên Thượng úy.

Đồng chí Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động thủ đô được thăng cấp bậc hàm từ Trung úy lên Thượng úy.

Được biết, ngày 10/1, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 chiến sĩ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm.

Ngày 11/1, xét đề nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 70/QĐ-TTg, cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 3 liệt sĩ công an đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô (E22), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, cán bộ Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô (E22), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3, Công an thành phố Hà Nội./.

(Theo Chinhphu.vn)

.
.
.