.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2020)

Quá trình vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Tiền Giang

Cập nhật: 20:55, 01/01/2020 (GMT+7)

Ngày 1-5-1929, Đại hội toàn quốc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc). Tại Đại hội, một số đại biểu đề nghị giải tán Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng không được Đại hội chấp nhận. Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập ở số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sự ra đời và phát triển của Đông Dương Cộng sản Đảng có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng cả nước.

Trong tháng 8-1929, các đồng chí tiên tiến trong Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Nam kỳ triệu tập hội nghị, gồm đại biểu các tỉnh, để bàn việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng (1). Các đại biểu dự hội nghị đều trở thành đảng viên, trở về các tỉnh chọn lựa trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên những người nòng cốt kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

THỐNG NHẤT CÁC CƠ SỞ ĐẢNG

Các đồng chí của 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công về địa phương tuyên truyền, vận động kết nạp đảng viên và xây dựng cơ sở đảng. Giữa tháng 8-1929, Tỉnh ủy An Nam Cộng sản Đảng Mỹ Tho thành lập, do đồng chí Nguyễn Ngọc Ba làm Bí thư. Cơ quan Tỉnh ủy đóng tại thị xã Mỹ Tho. Tháng 8-1929, đồng chí Nguyễn Ngọc Ba xuống tỉnh Gò Công kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Côn vào An Nam Cộng sản Đảng cùng với các đồng chí khác và thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở tỉnh Gò Công tại xã Vĩnh Hựu, do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư.

Cuối tháng 8-1929, các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng trên địa bàn tỉnh lần lượt ra đời. Ở thị xã Mỹ Tho, ngoài cơ quan của Tỉnh ủy Mỹ Tho, còn xây dựng một chi bộ của thị xã. Ở quận An Hóa có chi bộ ghép 3 xã: Lộc Thuận, Phú Vang, Vang Quới. Ở quận Châu Thành có các chi bộ xã Vĩnh Kim, Long Hưng, Thạnh Phú. Ở các quận Chợ Gạo, Cai Lậy, những người nòng cốt trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đều được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng.

Ngoài hệ thống tổ chức của An Nam Cộng sản Đảng, ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn có tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng. Đầu tháng 12-1929, đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng đến xã Vĩnh Kim (quận Châu Thành) xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở tỉnh Mỹ Tho tại xã Vĩnh Kim, rồi phát triển ra các xã của quận Châu Thành: Bình Trưng, Nhị Bình, Song Thuận, Đông Hòa, Bàn Long, Thới Sơn, Hữu Đạo ghép Dưỡng Điềm, Thạnh Phú ghép Phước Thạnh, Long Hưng ghép Long Định, Phú Phong ghép Kim Sơn... Trước tình hình cơ sở đảng phát triển mạnh, Ban Tổng ủy Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập để có một cơ quan thống nhất lãnh đạo.

Thực dân Pháp và bọn tay sai ra sức khủng bố. Nhiều đồng chí bị giặc bắt, như đồng chí Nguyễn Ngọc Ba, đồng chí Nguyễn Văn Côn (2) và nhiều đồng chí khác. Mặc dù vậy, cơ sở Đảng Cộng sản ở tỉnh Mỹ Tho vẫn phát triển rộng rãi trong xã hội. Các tổ chức cộng sản ra đời ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đáp ứng yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển. Đầu tháng 1-1930, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Lênin, Lípnếch, Lúcxămbua, nhiều truyền đơn, tài liệu phổ biến tại thị xã Mỹ Tho. Tuy nhiên, trong một địa phương mà có 2 hệ thống tổ chức Đảng: An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng sẽ dẫn đến sự chưa thống nhất trong tư tưởng và hành động. Phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng Cộng sản duy nhất để thống nhất lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là yêu cầu chung của phong trào cách mạng trong cả nước (3).

Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị họp từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 và quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10-1930 đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương) (4).

Sau hội nghị thành lập Đảng, 2 đồng chí đại biểu ở Nam kỳ (5) trở về Sài Gòn vào trung tuần tháng 2-1930. 2 đồng chí liên lạc với Ban lâm thời chỉ đạo của An Nam Cộng sản Đảng và đồng chí Ngô Gia Tự, đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam kỳ, thành lập “Ban lâm thời chấp ủy” Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam kỳ gồm 4 đồng chí, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Ban lâm thời chấp ủy có nhiệm vụ hợp nhất các tổ chức cộng sản ở các tỉnh cho đến tận chi bộ cơ sở.

Các nhóm cộng sản đều giới thiệu đảng viên và tổ chức của mình cho Ban lâm thời chấp ủy và chịu sự chỉ đạo của Ban lâm thời chấp ủy. Ban lâm thời chấp ủy phân công một số cán bộ về  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tiến hành thống nhất các cơ sở đảng. Từ tháng 2 đến tháng 4-1930, các chi bộ Đảng Cộng sản ở tỉnh Mỹ Tho được thống nhất và xây dựng thêm, như ở thị xã Mỹ Tho có Chi bộ Xóm Dầu (nay thuộc phường 3), Chi bộ Collège de Mytho, Chi bộ Hãng Xáng. Ở quận Châu Thành có các chi bộ: Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Bình Trưng, Đông Hòa, Long Hưng, Nhị Bình, Phước Thạnh, Thạnh Phú, Long Định, Tam Hiệp. Ở quận Chợ Gạo có Chi bộ Ông Văn. Ở quận Cai Lậy, An Hóa cũng có chi bộ. Vào giữa tháng 4-1930, Ban lâm thời chấp ủy Nam kỳ phân công đồng chí Nguyễn Thiệu về phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Cuối tháng 4-1930, Tỉnh ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho thành lập, do đồng chí Nguyễn Thiệu làm Bí thư (6).

Riêng ở tỉnh Gò Công, sau khi đồng chí Nguyễn Văn Côn bị bắt, chi bộ còn 2 đồng chí nhưng phải phân tán đến các tỉnh khác hoạt động, nên khi thống nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì tỉnh Gò Công chưa có cơ sở đảng. Tình hình này kéo dài suốt từ năm 1930 đến năm 1936.

Đảng bộ Đảng Cộng sản ở tỉnh Mỹ Tho ra đời là một sự kiện chính trị quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân tỉnh Mỹ Tho, đánh dấu sự chấm dứt quá trình khủng hoảng về đường lối chính trị, giai cấp lãnh đạo, phương pháp đấu tranh cách mạng trong thời gian dài từ khi thực dân Pháp xâm lược; có ý nghĩa quyết định đến quá trình phát triển và sự chuẩn bị điều kiện cơ bản về mọi mặt, góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.

Đảng bộ  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công ra đời là biểu hiện sự xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Đó là giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của thời đại và quyết định nội dung, phương hướng phát triển chính của cách mạng 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nói riêng, xã hội nước ta nói chung.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT

Trong quá trình vận động thành lập Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công có các đặc điểm nổi bật sau:

Phong trào cách mạng ở 2 tỉnh không tách rời, mà là một bộ phận của phong trào cách mạng cả nước. Từ khi chủ nghĩa Mác-Lênin truyền bá vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước và trở thành hệ tư tưởng lãnh đạo, thì phong trào công nhân, phong trào yêu nước tác động và chi phối mạnh đến phong trào cách mạng ở 2 tỉnh.

Đó là nhân tố quan trọng dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công. Mặt khác, chủ nghĩa Mác-Lênin đưa vào 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, nơi có phong trào đấu tranh mạnh mẽ, liên tục, đều khắp, đang khao khát có một tổ chức cách mạng sáng suốt, kiên quyết và triệt để cách mạng.

Những người cộng sản đầu tiên trong tỉnh khéo léo tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với giác ngộ, giáo dục và hướng dẫn quần chúng đấu tranh theo đường lối và phương pháp mácxít-lêninnít; biết thông qua tầng lớp trí thức yêu nước chân chính với phong trào “vô sản hóa” kết hợp rèn luyện đội ngũ trí thức này trở thành những người cách mạng chân chính; biết tập hợp quần chúng rộng rãi với xây dựng hạt nhân cộng sản làm nòng cốt lãnh đạo. Chính phong trào yêu nước ở tỉnh Mỹ Tho được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin là nhân tố quyết định dẫn đến sự ra đời của Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.

Trong quá trình vận động thành lập Đảng bộ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các học trò ưu tú của Người, những người cộng sản đầu tiên ở  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công kết hợp tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin với phổ biến những vấn đề cơ bản về đường lối chính trị và phương pháp cách mạng.

Đó là cơ sở cho Đảng bộ vừa ra đời đã nhanh chóng, nhạy bén tiếp thu đường lối chính trị và phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng. Nhờ vậy, Đảng bộ tạo được sự đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong các lực lượng cách mạng. Đây là một trong những nhân tố cơ bản đưa phong trào cách mạng ở  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong quá trình vận động thành lập Đảng bộ ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, có 2 tổ chức Đảng (An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng) ra đời và song song lãnh đạo cách mạng. Điều đó làm cho Đảng bộ có sự phân tán về tổ chức và làm hạn chế phong trào cách mạng ở địa phương.

Những người cộng sản ở  2 tỉnh sớm nhận thức được vấn đề chia rẽ nêu trên, nên sau 2 tháng hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, Đảng bộ An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng ở tỉnh Mỹ Tho được hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Trong quá trình đó làm cho Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho sớm có sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đảng bộ ngay từ đầu là một Đảng bộ vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng ở địa phương.

Do vị trí địa lý của địa phương, Đảng bộ và phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã góp phần tích cực, tác động mạnh mẽ và có mối quan hệ mật thiết với phong trào cách mạng các tỉnh lân cận, trong vùng và cả nước.

LÊ VĂN TÝ

(1) Hội nghị tổ chức tại “Phong cảnh khách lầu” góc đường Bonard Filipini (nay là góc đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, TP. Hồ Chí Minh, trong căn phòng số 1, lầu 1). Đây chưa phải là Hội nghị thành lập An Nam Cộng sản Đảng, nhưng theo tinh thần Hội nghị này, các đại biểu trở về địa phương tiến hành kết nạp đảng viên, gây dựng cơ sở đảng. Ngay trong tháng 8-1929, nhiều chi bộ An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở các tỉnh thuộc Nam kỳ. (Thạch Phương và Lê Trung Hoa (chủ biên): Tự điển Sài Gòn, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2001).

(2) Hai đồng chí bị bắt ngày 28-10-1929.

(3) Vào đầu năm 1930, trong phạm vi cả nước, có đến 3 tổ chức Đảng: Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời tại Bắc kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ra đời ở Nam kỳ và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời tại Trung kỳ. Trước tình hình một nước mà có đến 3 tổ chức đảng, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư yêu cầu các tổ chức thống nhất lại thành một đảng duy nhất, đồng thời ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị thống nhất 3 Đảng.

(4) Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) ra Nghị quyết lấy ngày 3-2 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

(5) 2 đại biểu là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu.

(6) Theo tư liệu của đồng chí Nguyễn Thiệu, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho còn có chức năng là Đặc ủy Hậu Giang chịu trách nhiệm chỉ đạo các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Cà Mau, Rạch Giá... Tỉnh ủy lâm thời có các đồng chí: Nguyễn Thiệu, Nguyễn Hanh (tức Nhuận), đồng chí Lưu. Sau bổ sung nhiều đồng chí nữa.

.
.
.