Đồng chí Phạm Hùng với phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho năm 1930 - 1931
Năm 1927, Collège de Mytho (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là trường trung học được thành lập đầu tiên ở Việt Nam, tiếp nhận một cậu học sinh 15 tuổi quê ở huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) tên là Phạm Văn Thiện. Phải nói rằng, vào học được trường này phải là học sinh giỏi, bởi việc thi tuyển có yêu cầu rất cao.
Đồng chí Phạm Hùng về làm việc với Tỉnh ủy Tiền Giang những năm đầu sau giải phóng miền Nam. Ảnh: TRẦN BIỂU |
Trong thời gian theo học, học sinh Phạm Văn Thiện được gia đình ông Út Lân ở làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) nhận làm giám hộ.
SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG
Vốn học giỏi, có lòng yêu nước và tinh thần chống áp bức, bất công; lại chịu sự tác động tích cực bởi dư âm của các cuộc đấu tranh trong những năm 1925 - 1926 của học sinh Collège de Mytho; đặc biệt là, chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi sách báo của Nguyễn Ái Quốc từ Pháp được bí mật chuyển về Việt Nam, nên học sinh Phạm Văn Thiện sớm giác ngộ cách mạng và đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức “Nam kỳ học sinh Liên hiệp Hội”, “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, “Thanh niên Cộng sản Đoàn” và vào năm 1930 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này, người học sinh Phạm Văn Thiện có bí danh là Phạm Hùng (1).
THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG TRƯỜNG HỌC ĐẦU TIÊN
Tháng 4-1930, chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Phạm Hùng thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Collège de Mytho, do đồng chí làm Bí thư. Đây là trường trung học đầu tiên ở nước ta có chi bộ Đảng Cộng sản và cũng là một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho.
Từ đây, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trực tiếp là đồng chí Phạm Hùng, phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh Trường Collège de Mytho dâng lên rất mạnh mẽ. Tiêu biểu là cuộc “làm reo” (grève: bãi công) ngày 6-10-1930 của toàn thể học sinh trong đợt phối hợp với các cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân tỉnh Mỹ Tho và nhân dân cả nước trong Cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Sau sự kiện gây chấn động này, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp buộc thôi học. Sau khi rời khỏi Trường Collège de Mytho, đồng chí Phạm Hùng vẫn ở lại Mỹ Tho và dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
BÍ THƯ TỈNH ỦY MỸ THO
Đầu năm 1931, khi mới 19 tuổi, đồng chí được Xứ ủy Nam kỳ phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Với tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh Mỹ Tho tiếp tục đứng lên đấu tranh mạnh mẽ với kẻ thù. Sau cuộc biểu tình ngày 1-8-1931 nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc, hàng ngàn quần chúng từ Nhơn Huề (Chợ Bưng, Tam Hiệp, Châu Thành) do đồng chí chỉ huy tiến ra lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1 A), đồng chí đã bị bọn mật thám ở Mỹ Tho bắt được tại Chợ Bưng.
KIÊN CƯỜNG, BẤT KHUẤT TRONG CHỐN LAO TÙ
Sau đó, trải qua các nhà tù Mỹ Tho, khám lớn Sài Gòn, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng trung kiên tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, đồng chí Phạm Hùng kiên quyết không khai báo, làm thất bại mọi mưu đồ khai thác của chúng. Khoảng cuối năm 1932, đồng chí Phạm Hùng bị Tòa đại hình của thực dân Pháp ở Sài Gòn kết án tử hình.
Tuy vậy, đồng chí vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Tại xà lim án chém, có lần trong lúc trò chuyện với một giám thị người Pháp, đồng chí Phạm Hùng đã khẳng định niềm tin tất thắng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam: “Chắc chắn, các anh không còn, mà chúng tôi thì độc lập, chủ nghĩa cộng sản sẽ thành công ở đất nước tôi… ”.
Sau đó, đồng chí Phạm Hùng lại bị giải đến phiên tòa xử “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Đây là phiên tòa đại hình đặc biệt ở tại Sài Gòn kéo dài 7 ngày liền (từ ngày 2 đến 9-5-1933), xử 120 người là đảng viên cộng sản. Thực dân Pháp tập trung một số lớn tù nhân cộng sản để xét xử nhằm khủng bố tinh thần đảng viên và quần chúng cách mạng.
Vì đây là một vụ án lớn có liên quan đến các chiến sĩ cộng sản nên tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ và Đảng Cộng sản Pháp đã thuê một luật sư người Pháp tên là Xăngxienlơri (Cancielleri) có tư tưởng tiến bộ ở Sài Gòn đến biện hộ, bênh vực cho những người tù cộng sản.
Để bôi nhọ thanh danh Đảng ta, đánh lạc hướng dư luận tiến bộ, Chưởng lý phiên tòa đọc bản cáo trạng, vu khống những người cộng sản “cướp của”, “giết người”, “phá rối trật tự trị an”, “bài ngoại”, “phân biệt màu da”, “kích động thù hằn dân tộc”...
Với lý lẽ sắc bén, các đồng chí đã phản bác lại mọi lời vu khống của tòa án thực dân, bảo vệ và nêu cao mục tiêu chính nghĩa của Đảng là hoạt động để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, mang lại tự do, cơm no, áo ấm, hòa bình cho nhân dân, người cộng sản không thù hằn dân tộc, chỉ chống thực dân Pháp phản động, nhưng là bạn của nhân dân lao động Pháp.
Chính quyền thực dân vẫn cố tình buộc tội với những bản án đã sắp đặt sẵn. 3 giờ sáng ngày 9-5-1933, tòa án thực dân tuyên án tử hình đồng chí Phạm Hùng (bị kết án tử hình lần thứ hai). Sau khi bọn quan tòa tuyên án, đồng chí Phạm Hùng đã cùng với các đồng chí khác hô to các khẩu hiệu “Phản đối án tử hình”, “Đả đảo tòa án đế quốc”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”.
Dư luận trong nước và ở Pháp rất quan tâm theo dõi và phản đối vụ xét xử của nhà cầm quyền thực dân Pháp. Nhân dân tiến bộ Pháp đã tổ chức 98 cuộc biểu tình phản đối vụ xử án, đòi ân xá 10.000 tù chính trị Đông Dương.
Thời kỳ này, Đảng Cộng sản Pháp mở cuộc vận động rầm rộ đòi trả tự do các chính trị phạm ở Đông Dương, đặc biệt đòi bỏ các án tử hình. Nhiều nghị sĩ là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã đấu tranh ở Nghị viện và nhân dân, công nhân Pháp đấu tranh không mệt mỏi đòi giảm án cho các bị cáo trong “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Ở trong nước, quần chúng ở khắp nơi tiến hành biểu tình rất quyết liệt, đòi chính quyền thực dân phải trả tự do cho các đảng viên cộng sản. Riêng ở tỉnh Mỹ Tho, được sự lãnh đạo của Xứ ủy, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho chủ trương vận động quần chúng và báo chí phản đối án tử hình.
Trước sức ép trong và ngoài nước, thực dân Pháp phải giảm một số án tử hình xuống khổ sai chung thân, trong đó có đồng chí Phạm Hùng. Sau hơn 7 tháng tiếp tục ở xà lim án chém, đồng chí Phạm Hùng bị đày đi Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, cùng với rất nhiều đồng chí khác trên con tàu Ac măng Rut xô (Harmand Rousseau) vào đầu tháng 1-1934.
Đến đây, cuộc chiến đấu của đồng chí Phạm Hùng chuyển sang một giai đoạn mới hết sức cam go, gian khổ nhưng cũng đầy kỳ tích, huyền thoại anh hùng của một chiến sĩ cộng sản, suốt đời trung thành và tận tụy phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng Tổ quốc sau ngày đất nước được hòa bình, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
NGUYỄN PHÚC NGHIỆP
(1) Đồng chí Phạm Hùng (1912 - 1988), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.