.
Thành tựu 90 năm lãnh đạo của đảng bộ tỉnh Tiền Giang:

Hành trình vì nước vì dân

Cập nhật: 20:35, 15/01/2020 (GMT+7)

Giữa thế kỷ XIX, nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) cùng cả nước vùng lên đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp. Tuy nhiên, do hạn chế về nhiều mặt, nên các cuộc đấu tranh của nhân dân 2 tỉnh bị địch đàn áp dã man, cuộc sống của nhân dân khốn khổ bởi ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Trải qua 90 năm với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua bao gian lao, thử thách, giành lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân...

Đình Long Hưng - Trụ sở của Ban Khởi Nghĩa tỉnh Mỹ Tho - nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 (xã Long Hưng, huyện Châu Thành).
Đình Long Hưng - Trụ sở của Ban Khởi Nghĩa tỉnh Mỹ Tho - nơi treo lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940 (xã Long Hưng, huyện Châu Thành).

Bài 1: Lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930 - 1945

Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công tiếp nhận tài liệu sách báo tiến bộ, trong đó có nhiều tài liệu quý của Nguyễn Ái Quốc. Các nhân sĩ, trí thức tiến bộ tiếp nhận, học hỏi, thảo luận và tuyên truyền cho nhân dân. Sau đó là quá trình những người tiến bộ tuyển chọn người, quyên góp tiền bạc đưa thanh niên ưu tú sang tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Những “hạt giống đỏ” đó khi trở về tiếp tục nhân thêm nhiều “hạt giống đỏ” khác trên mảnh đất vốn có truyền thống yêu nước, chống mọi áp bức, bất công và các thế lực xâm lược.

Cuối năm 1927, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên) thành lập ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công. Từ năm 1928 đến đầu năm 1930, hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tạo nên những tiền đề quan trọng để thành lập tổ chức Đảng.

ƯƠM MẦM “HẠT GIỐNG ĐỎ”

Từ khi thành lập đến năm 1945, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo nhân dân trải qua nhiều giai đoạn như: Cao trào ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931); đấu tranh bảo vệ Đảng (1932 - 1935); đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (1936 - 1939); cuộc khởi nghĩa tháng 11-1940; Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (1941 - 1945). Hơn 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công diễn ra liên tục, sôi nổi, song cũng có lúc bị khủng bố nặng nề. Những lúc khó khăn, Đảng bộ càng đoàn kết và kiên quyết lãnh đạo nhân dân đấu tranh bền bỉ, quyết liệt chống địch khủng bố, giữ vững cơ sở và phong trào.

Giai đoạn 1932 - 1935, thực dân Pháp khủng bố trắng, cơ sở đảng ở Nam kỳ bị thiệt hại nặng nề, trong đó có tỉnh Gò Công. Riêng ở Mỹ Tho, Tỉnh ủy vẫn tồn tại. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) ở tỉnh Mỹ Tho diễn ra mạnh mẽ; trong đó nổi bật nhất là phong trào Đông Dương Đại hội, hầu hết các làng đều thành lập Ủy ban vận động Đông Dương Đại hội, hàng ngàn đơn thỉnh nguyện, đơn tố cáo tội ác của các tên gian ác gửi đến Đông Dương Đại hội bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp lên Sài Gòn gửi cho các cơ quan chức năng của địch hoặc thông qua các nhà báo tiến bộ đang tác nghiệp ở Sài Gòn đăng báo, tổ chức mít tinh, biểu tình, diễn thuyết. Đây là đợt hoạt động công khai, hiệu quả và có tiếng vang lớn của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho quy tụ hầu hết nhân dân tham gia. Để cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập ban chỉ huy quân sự từ tỉnh đến cơ sở. Ngày 12-8-1940, tại xã Long Hưng, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Mỹ Tho được thành lập, là tỉnh thành lập lực lượng vũ trang và ban chỉ huy quân sự các cấp sớm nhất trong cả nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công là thắng lợi của Đảng bộ 2 tỉnh trong việc vận dụng sáng tạo đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp đúng đắn 2 nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân với tầng lớp trí thức.

Đó là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị, vũ trang, sự kết hợp giữa hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp nông thôn với thành thị, chọn đúng thời cơ, phân hóa kẻ thù, làm tê liệt hoạt động của quân địch…, làm cho nhân dân ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng - con đường tất yếu để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
 

Thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho thiết kế lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh, lúc ấy là lá cờ để Mặt trận hiệu triệu toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Lá cờ đỏ sao vàng được thông qua tại Hội nghị Tân Hương và lần đầu tiên treo trên ngọn cây bàng ở đình Long Hưng (quận Châu Thành) khi chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho thành lập và chọn đình Long Hưng làm trụ sở. Trước cổng đình Long Hưng lần đầu tiên xuất hiện Quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc. Chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho lần đầu tiên thực hiện thiết chế của một chính quyền dân chủ cộng hòa, như: Chia ruộng cho nhân dân, tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, lập tòa án để xử những tên ác ôn... Sau khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho bị đàn áp đẫm máu, thực dân Pháp bắt hơn 6.000 người lưu đày, trong đó tỉnh Mỹ Tho chiếm 50%, nhiều cơ sở đảng bị phá vỡ, phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho lắng xuống.

CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN

Thành tựu mà Cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại cho dân tộc ta là vô giá. Đó là, tỉnh Mỹ Tho là nơi lực lượng vũ trang nhân dân ra đời đầu tiên của cả nước; là nơi Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng tung bay đầu tiên của cả nước; là nơi Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; là nơi Ủy ban Nhân dân cách mạng cấp tỉnh ra đời đầu tiên của cả nước; là nơi Tòa án Nhân dân cách mạng cấp tỉnh ra đời đầu tiên của cả nước.

Phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho khôi phục nhanh nên các đồng chí thoát khỏi nhà tù đã chọn nơi đây làm nơi liên lạc để khôi phục lại tổ chức và phong trào. Ngày 25-10-1943, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tổ chức tại xã Tân Thuận Bình, quận Chợ Gạo khôi phục lại Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong). Đầu năm 1945, một số đồng chí khác trốn khỏi nhà tù thực dân về quận Châu Thành hoạt động và thành lập Xứ ủy Nam kỳ (Xứ ủy Giải Phóng).

Như vậy, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho tồn tại 2 Xứ ủy, 2 Tỉnh ủy. Mục đích của 2 Xứ ủy giống nhau nhưng khác nhau về phương pháp tiến hành cách mạng, do đó nảy sinh mâu thuẫn, gây khó khăn cho phong trào cách mạng. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương về việc các Đảng bộ ở Nam kỳ phải đoàn kết lại, các đồng chí trong 2 Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công đồng ý thống nhất và có nhiều đóng góp cho việc thống nhất 2 Xứ ủy. Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo củng cố tổ chức, phát triển lực lượng, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.