Thứ Bảy, 08/02/2020, 09:48 (GMT+7)
.

ĐỒNG CHÍ DƯƠNG KHUY: Trọn đời giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản

 

Đồng chí Dương Khuy sinh năm 1910, tại làng An Thạnh Thủy, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Từ thuở thiếu niên, được các nhà yêu nước tiền bối: Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn; Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Vĩnh Hoài (Hương trưởng Hoài) ở tỉnh Mỹ Tho… hết lòng giáo dục và giác ngộ cách mạng, nên đồng chí sớm có ý thức đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giành độc lập, tự do cho đất nước và đồng bào. Đồng chí đã từng tham gia tổ chức Thanh niên Cao vọng do nhà yêu nước Nguyễn An Ninh sáng lập.

3 LẦN VƯỢT QUA TÙ NGỤC TRỞ VỀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Tháng 4-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1933, đồng chí bị địch bắt trên đường công tác.

Tòa án thực dân Pháp kết án đồng chí 4 năm tù giam và 10 năm biệt xứ. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí vẫn một lòng một dạ trung thành với lý tưởng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp của Đảng.

Cuối năm 1936, mãn hạn tù, đồng chí đến cư trú và hoạt động tại làng Long Hưng, nơi có phong trào cách mạng phát triển rất mạnh ở quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; nhưng chỉ 1 năm sau đồng chí bị địch bắt trở lại và kết án 2 năm tù.

Ở trong tù, mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn dũng cảm chịu đựng, quyết không khai báo, giữ bí mật tuyệt đối cơ sở cách mạng. Không khuất phục được ý chí kiên cường của đồng chí, đến cuối năm 1939 địch buộc phải thả đồng chí ra tù. Ngay sau đó, đồng chí tìm cách móc nối với các cơ sở cách mạng, hoạt động trở lại.

Năm 1940, để chuẩn bị cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí  được Tỉnh ủy Mỹ Tho phân công làm Trưởng ban Khởi nghĩa huyện Chợ Gạo. Trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, đồng chí bị địch bắt lần thứ 3; và lần này, chính quyền thực dân đày đồng chí  lên Tà Lài, chốn rừng thiêng nước độc thuộc vùng Đồng Nai Thượng, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai).

Tại đây, đồng chí sinh hoạt trong chi bộ đảng của nhà tù, cùng với các nhà cách mạng nổi tiếng: Trần Văn Giàu, Dương Quang Đông, Tô Ký…

Cuối năm 1941, để gầy dựng lại cơ sở cách mạng ở các địa phương sau Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man, đồng chí cùng với đồng chí Khước (huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) và đồng chí Minh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được chi bộ nhà tù tổ chức vượt ngục thành công. Sau đó đồng chí Dương Khuy lại trở về Mỹ Tho, bám dân và bắt tay vào việc xây dựng lực lượng cách mạng.

LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TỈNH MỸ THO

Đầu năm 1943, đồng chí được cấp trên chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho; đến tháng 5-1943, làm Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ (gồm các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long). Tháng 10-1943, theo đề nghị của đồng chí, hội nghị bầu Ban Cán sự Xứ ủy Nam kỳ được tổ chức tại làng Tân Thuận Bình, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho.

Hội nghị đề ra phương hướng hành động trước mắt và chuẩn bị sẵn sàng để khi nhận được nghị quyết và tài liệu của Trung ương thì có hành động nhất quán. Tại hội nghị, đồng chí được bầu làm Xứ ủy viên.

Với cương vị là Xứ ủy viên, Bí thư Liên Tỉnh ủy và trực tiếp phụ trách tỉnh Mỹ Tho, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở các tỉnh thuộc vùng mình phụ trách, nhất là các cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho.

Ngày 15-5-1945, tại Hội nghị Tỉnh ủy Mỹ Tho được tổ chức ở xã Trung An (nay thuộc TP. Mỹ Tho), đồng chí tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tại hội nghị, Tỉnh ủy chủ trương tập trung khôi phục nhanh các cơ sở đảng, tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đón thời cơ và chớp thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 16 và 17-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng vào tối ngày 16 và sáng 17-8-1945, Xứ ủy Nam kỳ họp hội nghị khẩn cấp tại Chợ Đệm (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).

Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí tham dự hội nghị. Trước tình hình phong trào cách mạng cả nước có những chuyển biến nhanh chóng, hội nghị xác định: Thời cơ khởi nghĩa đã đến, các địa phương tùy theo tình hình mà lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.

Lúc bấy giờ, tại tỉnh Mỹ Tho, tình hình diễn ra ngày càng có lợi cho phong trào cách mạng: Quân phát xít Nhật đóng ở Mỹ Tho hoang mang, dao động; chính quyền tay sai phát xít Nhật thì ngừng việc… Đó là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân tỉnh nhà tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay trong đêm 17-8-1945, ngay sau khi dự hội nghị ở Chợ Đệm trở về, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Tỉnh ủy về việc phát động nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm nơi nào ta có lực lượng mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau, quyết phải giành cho được chính quyền về tay nhân dân.

Ở TX. Mỹ Tho, các điều kiện khởi nghĩa có nhiều thuận lợi hơn các nơi khác, lại là nơi đầu não chính trị của địch trong toàn tỉnh, nên Tỉnh ủy quyết định chọn khởi nghĩa trước để lấy đà và tạo điều kiện thuận lợi cho các quận khởi nghĩa.

Đúng 4 giờ ngày 18-8-1945, lực lượng chủ công tiến vào thị xã, nhanh chóng làm chủ các mục tiêu đã định. Đến trưa cùng ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở TX. Mỹ Tho đã toàn thắng. Ngay sau khởi nghĩa thắng lợi tại TX. Mỹ Tho, các huyện trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền.

Đêm 24-8-1945, đồng chí chủ trì cuộc họp Tỉnh ủy được tổ chức tại Tòa Bố Mỹ Tho để xác định cơ cấu chính quyền nhân dân của tỉnh, triển khai ngay việc tổ chức mít tinh lớn để chào mừng thắng lợi của cách mạng và ra mắt chính quyền của nhân dân.

Sáng 25-8, một cuộc mít tinh lớn với hàng chục ngàn người từ các địa phương đổ về sân vận động Mỹ Tho (nay là Vincom Shophouse Mỹ Tho - Tiền Giang) để chào mừng cách mạng thắng lợi và chứng kiến lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đầu tháng 10-1945, quân Pháp đánh chiếm Mỹ Tho, đồng chí rút vào hoạt động bí mật và cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân tỉnh Mỹ Tho tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

HY SINH OANH LIỆT

Tháng 9-1946, quân Pháp hành quân càn quét vào xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, do có mật thám chỉ điểm nên bọn chúng đã bắt được đồng chí trong lúc đồng chí đang triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy tại đây. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhà cầm quyền Pháp vừa bày trò mua chuộc, dụ dỗ, vừa tra tấn dã man hòng làm đồng chí nhụt chí đầu hàng.

Thế nhưng, đồng chí vẫn giữ vững ý chí kiên cường, bất khuất của một chiến sĩ cộng sản chân chính. Trước sau, đồng chí chỉ nhận mình là nhà báo với tên là Trần Văn Khá như trong giấy tờ.

Tỉnh ủy Mỹ Tho đã nhiều lần tổ chức giải thoát cho đồng chí nhưng đều không thành. Nhận thấy không thể khuất phục được đồng chí, chúng đã hèn hạ xử bắn đồng chí tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Lúc ấy đồng chí mới 36 tuổi, để lại bao niềm tiếc thương của đồng bào, đồng chí.

Ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Dương Khuy luôn tỏ rõ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trọn đời giữ vững khí tiết vì Đảng, vì dân, để lại tấm gương sáng ngời về ý chí, đạo đức và bản lĩnh cách mạng để cho hậu thế noi theo. Hiện tại, ở TP. Mỹ Tho có một con đường mang tên Dương Khuy.

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.