.
KHI ĐẢNG Ở TRONG TIM

Bài 1: Xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng

Cập nhật: 23:32, 21/02/2020 (GMT+7)
Chú Nguyễn Văn Hinh xúc động kể lại câu chuyện của Liệt sĩ Giang Thọ Kim xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng tại buổi Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009), do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 6-5-2009.
Chú Nguyễn Văn Hinh xúc động kể lại câu chuyện của Liệt sĩ Giang Thọ Kim xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng tại buổi Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009), do Tỉnh đoàn tổ chức ngày 6-5-2009.

Suốt chặng đường lãnh đạo 90 năm qua, Đảng vẫn luôn là niềm tự hào của dân tộc, được nhân dân tin cậy. Thế nên, được đứng chân vào hàng ngũ của Đảng không chỉ là bước ngoặt quan trọng, mà còn là niềm khát khao phấn đấu vì lý tưởng, là niềm tự hào, là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm mỗi người. Nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập, lao động, chiến đấu… không chỉ là phương châm, mà còn là lẽ sống, là cách thể hiện niềm tin vào lý tưởng cao đẹp.

Dù đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng câu chuyện kể của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hinh về một chiến sĩ Tiểu đoàn 309 Anh hùng, xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng vẫn còn day dứt mãi không nguôi. Câu chuyện ấy đã được chúng tôi kể lại trong số báo đặc biệt chào mừng kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010). Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), chúng tôi xin được kể lại câu chuyện trên một lần nữa, nhằm đưa câu chuyện cảm động này đến với nhiều bạn đọc hơn, qua đó giúp thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của Đảng…

Ngày 6-5-2009, Tỉnh đoàn Tiền Giang tổ chức Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 -7-5-2009). Câu chuyện về Liệt sĩ Giang Thọ Kim được chú Nguyễn Văn Hinh (ấp Long Hưng, xã Long Chánh, TX. Gò Công) kể trong nỗi bồi hồi, xúc động. Có lúc giọng chú Hinh tắc nghẹn lại trong cổ. Đôi mắt của người CCB đã bước vào tuổi 80 ngấn nước, nhạt nhòa, vì những giọt nước mắt hiếm hoi như được vắt ra từ thẳm sâu trong ký ức được dồn nén bởi những hình ảnh về một giai đoạn lịch sử “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ máu trộn bùn non” đầy khốc liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc. Cả hội trường lặng im phăng phắc. Tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về phía những lời kể nấc nghẹn… 

Chú Nguyễn Văn Hinh (sinh năm 1930) thoát ly tham gia cách mạng năm 1947, ở các Tiểu đoàn 305 và 309. Năm 1954, chú Hinh tập kết ra Bắc, đến năm 1970 chú về Nam, vào chiến trường, với vai trò là Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quyền Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 15 - bộ đội Trường Sơn. Đến năm 1976, chú Hinh làm Phó Chính ủy Trường Công nhân kỹ thuật thuộc Tổng cục Kỹ thuật, Quân đội nhân dân Việt Nam… Năm 1989, chú Hinh nghỉ hưu và tiếp tục tham gia công tác ở quê nhà, giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Long Chánh, Chủ tịch Hội CCB xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Chánh, Phó Chủ tịch Hội CCB TX. Gò Công.

“CHO… TÔI… XIN… VÀO… ĐẢNG”

Sáng 24-2-1954, địch từ Tân An (tỉnh Long An) tiến vào Hiệp Thạnh (miễu Bà Cố, Vàm Cỏ, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An) theo lộ 12, với ý đồ phản kích vì thất bại trong trận đánh ở Vĩnh Công hôm trước (ngày 23-2-1954). Đối phó với địch, ta chủ động bố trí Đại đội 939 phục kích địch chính diện. Đại đội 941 phục kích đánh xuyên hông. Trung đội Vàm Cỏ có nhiệm vụ khóa đuôi chặn đường rút lui của địch. Lúc ấy, chú Hinh là Tiểu đội phó, Tiểu đoàn 309, Tỉnh đội Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Tiểu đội của chú Hinh nằm trong đội hình của Đại đội 941. Đợi địch tiến sâu vào địa hình của ta phục kích, đến khoảng 9 giờ ngày 24-2-1954, các đội hình đồng loạt nổ súng tấn công. Các anh em trong tiểu đội của chú Hinh đang xung phong mạnh mẽ, hào hứng thì Tiểu đội trưởng Tư Đường ngoắt tay kêu chú Hinh lại. Khi chú Hinh chạy đến thì Tiểu đội trưởng ra lệnh: “Đồng chí đưa Giang Thọ Kim về trạm cấp cứu!”. Chú Hinh cùng anh em trong tổ tải thương đưa Giang Thọ Kim về trạm cấp cứu, cách trận địa khoảng 100 m.

Lúc ấy chú Hinh không kịp quan sát vết thương của Kim, chỉ cố làm sao đưa anh về đến trạm cấp cứu thật nhanh để đội ngũ y tá sơ cứu vết thương, còn mình thì kịp trở lại trận địa. Đến khi giao cho trạm cấp cứu, chú Hinh mới nhìn thấy vết thương của Kim. Một viên đạn đã ghim thẳng vào trán của anh. Do vết thương quá nặng, Kim đã dần hôn mê khi về đến trạm cấp cứu. Là người lính, nhìn vết thương của đồng đội, chú Hinh biết Kim không thể tiếp tục chiến đấu với anh em được nữa. Chú Hinh chợt nghĩ, là chiến sĩ cách mạng thì chuyện hy sinh là điều khó tránh khỏi. Nhưng có lẽ, tâm nguyện cuối cùng của anh bộ đội trước khi ngã xuống, chắc ai cũng muốn nhắn gửi đôi lời về cho cha mẹ của mình - những người đang ngày đêm mong đợi tin con từ nơi chiến trường ác liệt. Nghĩ vậy, tranh thủ lúc Kim còn chút hơi sức cuối cùng, chú Hinh lay anh thật mạnh hỏi:

- Kim ơi! Kim có nhắn gì về cho cha mẹ không? Có muốn nói với chúng tôi điều gì không!?

Chú thầm nhủ, nếu Kim có nhắn gửi gì với gia đình thì trong số anh em đồng đội, ai còn sống thì sẽ có nhiệm vụ chuyển lời nhắn ấy cho gia đình của anh. Nhưng Kim không nói gì, mắt nhắm nghiền, nước bọt từ trong khóe miệng trào ra. Chú Hinh tiếp tục lay anh thật mạnh và lặp lại:

- Kim ơi! Kim có nhắn gì về cho cha mẹ không? Có muốn nói với chúng tôi điều gì không!?

Anh vẫn không nói lời nào. Mặt trận vẫn còn đang ác liệt ở phía trước. Không thể chờ được nữa, không thể bỏ mặc đồng đội ở phía trước, chú Hinh khoác súng đứng lên để trở lại địa hình chiến đấu cùng đồng đội. Ngay trong khoảnh khắc ấy, Kim đột ngột gồng người, máu từ trong miệng phún ra, tay, chân anh quều quào như tìm kiếm… Chú Hinh dừng lại bên người đồng đội đang cận kề bên lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết. Anh dốc hết hơi sức cuối cùng để nói với chú Hinh, giọng đứt quãng nhưng rõ ràng từng tiếng một:

- Anh… Hinh…, cho… tôi… xin… vào… Đảng!

Phút cuối cùng, anh dành cho Đảng. Chú Hinh lặng người, xúc động. Bởi trong hơi thở cuối cùng người chiến sĩ cách mạng kiên cường ấy đã gác tình riêng, dành tình cảm thiêng liêng cho Đảng, cho khát khao lý tưởng cao đẹp. Lúc ấy chú Hinh đã là đảng viên, nên chú hứa sẽ đề đạt ý nguyện của Kim trước Đảng. Sau lời cuối cùng ấy, anh hôn mê sâu rồi mãi mãi nằm lại trên quê hương Vàm Cỏ ở tuổi đôi mươi.
Chú Hinh trở lại trận địa, gặp Tiểu đội trưởng nói lại nguyện vọng xin vào Đảng của Kim. Dù chưa phải là một đảng viên, nhưng sự kiên trung, tình cảm thiêng liêng của Kim dành cho Đảng thật cao quý, đẹp đẽ và đáng trân trọng biết bao. Với chú Hinh, Kim là người đồng đội, người đồng chí, người đảng viên rất đáng để tự hào và học tập. Kết thúc câu chuyện kể, chú Hinh bùi ngùi, giọng nấc nghẹn: “Kim ơi, tôi mãi mãi nợ Kim một lời hứa…!”. Cả hội trường trong buổi họp mặt như vỡ òa cùng với những lời nấc nghẹn ấy của chú, nhiều ánh mắt rưng rưng…

KHẮC GHI LÝ TƯỞNG CAO CẢ

Hàng trăm CCB và đoàn viên, thanh niên có mặt trong buổi Họp mặt giao lưu kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2009) dâng trào cảm xúc, có cảm giác như bị nén lại, thật chặt. Những bàn tay khô gầy, nhăn nheo kéo khăn lên lau mắt. Chú Hinh cho biết, chú đã kể câu chuyện này nhiều lần cho đoàn viên, thanh niên nghe, nhưng lần nào cũng không kềm được xúc động, không kềm được nước mắt.

Cuộc kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ đã kết thúc. Chiến tranh đã lùi xa 35 năm (1975 - 2010), nhưng câu chuyện về người đồng đội Giang Thọ Kim trước lúc hy sinh còn gắng gượng nói lên lý tưởng của mình trong hơi thở cuối cùng thì vẫn không thể phai mờ trong tâm khảm của người CCB 58 năm tuổi Đảng, mang quân hàm Trung tá: Nguyễn Văn Hinh. Chiến công oanh liệt của bộ đội trong trận đánh Hiệp Thạnh đã được dựng bia chiến tích. Đã vài lần chú Hinh và đồng đội trở lại thăm Hiệp Thạnh. Trong chiến tích oai hùng của Tiểu đoàn 309, người Tiểu đội phó tham gia trận đánh năm nào đã bước vào tuổi 80 (thời điểm năm 2010 khi chúng tôi tìm về TX. Gò Công để gặp chú) ước nguyện có một ngày sẽ quay lại Hiệp Thạnh, đặt chân lên nơi Kim đã nằm xuống. Chú Hinh bùi ngùi: “Nơi Giang Thọ Kim hy sinh có thể dựng bia và ghi lại lời nói cuối cùng của anh để khắc ghi lý tưởng cao cả của người chiến sĩ cộng sản trẻ; đồng thời, để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Dù chiếc ví đan bằng bàng là kỷ vật của Giang Thọ Kim tặng, chú Hinh không giữ được do phải thường xuyên di chuyển trong kháng chiến, nhưng chú vẫn mong tìm được người thân, họ hàng của Kim để kể cho họ nghe về câu chuyện trước lúc hy sinh của anh. Chú Hinh còn nhớ rõ, Giang Thọ Kim khai quê quán ở thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), nhưng vì tuổi cao, sức yếu nên chú không thể về Cai Lậy để tìm kiếm người thân, họ hàng của anh.

Để thực hiện tâm nguyện của chú Hinh, năm 2010 chúng tôi đã 2 lần tìm gặp cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH của thị trấn và huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), rồi đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cai Lậy (nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Cai Lậy) nhưng đều không có kết quả. Vì thời gian gấp rút để kịp giới thiệu bài viết trên số báo đặc biệt kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010), nên chúng tôi không kịp mở rộng địa bàn tìm kiếm họ hàng của Liệt sĩ Giang Thọ Kim. Và 10 năm qua kể từ ngày bài báo được giới thiệu đến độc giả, chúng tôi vẫn luôn hy vọng có một ngày thân nhân của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, chiến đấu đến cùng cho lý tưởng cách mạng sẽ liên hệ để chúng tôi làm cầu nối cho họ gặp chú Hinh (nay đã bước sang tuổi 90), người đã chứng kiến giây phút cuối cùng của Liệt sĩ Giang Thọ Kim, nhưng…

Nay xin được phép kể lại câu chuyện này một lần nữa, không chỉ để giúp cho thế hệ trẻ hôm nay nuôi dưỡng khát khao về lý tưởng cao đẹp của Đảng, của cách mạng, mà chúng tôi còn mong người thân của Liệt sĩ Giang Thọ Kim sẽ nối tiếp thông tin, tự hào và vun đắp thêm để câu chuyện về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng đến hơi thở cuối cùng được trọn vẹn hơn.  

NGUYÊN CHƯƠNG (Còn tiếp)

.
.
.