Bài 3: Hoàn thành nhiệm vụ đối với Đảng
Bài 1: Xin vào Đảng trong hơi thở cuối cùng
Đã 53 năm trôi qua, nhưng buổi lễ kết nạp Đảng chỉ vỏn vẹn có 3 người (gồm 2 đoàn viên thanh niên được kết nạp Đảng và 1 Bí thư Chi bộ) vẫn luôn in đậm trong tâm tưởng Đại tá Lê Dũng, nguyên
Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh. Và hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chú vẫn giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ với Đảng, đó là chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng.
Đại tá Lê Dũng dẫn đầu đoàn CCB tỉnh Tiền Giang đến thăm và làm việc tại tỉnh Pusat, Campuchia vào tháng 7-2010. |
Tôi biết Đại tá Lê Dũng từ những ngày mới chập chững bước vào nghề báo. Tôi quý chú không phải vì chú công tác cùng đơn vị với người thân của tôi, mà vì sự điềm đạm, gần gũi và bao dung của chú. Mười mấy năm biết chú, nhiều lần được trò chuyện và đi công tác cùng chú, cứ nghĩ mình hiểu nhiều, biết nhiều về chú. Nhưng không, vẫn còn nhiều câu chuyện cảm động về chú mà tôi chưa biết…
VÀO ĐẢNG VÀ CHIẾN ĐẤU ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG
Đó là buổi sáng ngày 13-9-1967, Đại tá Lê Dũng lúc ấy vừa bước sang tuổi 19, là học trò lớp đệ nhất A1 (nay là lớp 12) của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu, là Tiểu đội trưởng của đơn vị Biệt động Thành đội Mỹ Tho.
Sáng hôm ấy, chú mặc trang phục học sinh, cùng Tiểu đội phó Phạm Bình giả như học sinh về quê, qua phà Rạch Miễu, đạp xe thẳng tiến về hướng xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre theo hướng dẫn của tổ chức. Đón chú là đồng chí Đội trưởng, Bí thư Chi bộ của đơn vị Biệt động nội thành. Đồng chí Bí thư dẫn chú vào căn nhà dân bỏ trống, rồi nhanh chóng kê chiếc bàn để đặt ảnh Bác, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc…
Đó là buổi Lễ kết nạp Đảng cho 2 cậu học trò Lê Dũng và Phạm Bình, 2 chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nhưng dũng cảm và gan dạ, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Để rồi sau này, 2 chiến sĩ cách mạng khi kết nạp Đảng còn khoác áo học trò ấy đã trở thành 2 đảng viên trung kiên, một đồng chí đã anh dũng hy sinh, còn một đồng chí sau này trở thành Đại tá, không chỉ có nhiều đóng góp cho Quân đội, mà còn có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực khác trong xã hội.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người học trò năm ấy nay đã bước sang tuổi 72 với nhiều bệnh tật do hậu quả của chiến tranh, vì vậy chuyện đời có cái nhớ cái quên, nhưng buổi Lễ kết nạp Đảng ấy vẫn còn in đậm trong tâm khảm, trở thành một phần ký ức tươi đẹp, mãi mãi không thể phai mờ. Năm 1965, khi mới 17 tuổi, Đại tá Lê Dũng đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động nội thành.
Đến đêm Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chú tham gia đánh bót cầu Quay và khám đường, bị thương, nên được tổ chức đưa ra vùng giải phóng điều trị. Từ đó, chú thoát ly, tham gia chiến đấu và giữ nhiều vị trí quan trọng như: Pháo chốt, đơn vị Pháo binh, Thành đội Mỹ Tho; Chính trị viên Đại đội 2, Thành đội Mỹ Tho; Đội trưởng, kiêm Chính trị viên, Đội Biệt động nội thành Mỹ Tho…
Với những cống hiến to lớn trong quá trình tham gia cách mạng, Đại tá Lê Dũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 10 huân chương, gồm: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng I; Huân chương Chiến công hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng III; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng I, II, III; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng I, II, III; Huân chương Lao động hạng III; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội CCB Việt Nam; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu… Ngoài ra, năm 2017, Đại tá Lê Dũng vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. |
Trong những năm tháng học tập, lao động, chiến đấu, nhiều lúc chiến tranh ác liệt phải đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết, thì lời tuyên thệ trong buổi Lễ kết nạp Đảng hôm ấy lại vọng về: “Tuyệt đối trung thành với Đảng; Chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng; Nếu bị địch bắt không bao giờ phản bội xưng khai…”.
Và hơn nửa thế kỷ trôi qua, Đại tá Lê Dũng vẫn giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ ấy. Năm 1969, địa bàn các xã ven TP. Mỹ Tho là nơi địch quyết tâm chiếm giữ và đẩy lùi lực lượng ta ra xa thành phố; quân ta quyết bám trụ để tiến công vào nội thành nên tổ chức đánh liên tục cả ngày lẫn đêm.
Ta phải đương đầu với lực lượng từ quân Mỹ đến quân ngụy, từ chủ lực đến địa phương, phải chịu đựng sự ác liệt của bom tấn, pháo bầy, pháo hạm, cả chất độc hóa học; phải đối phó các thủ đoạn gian xảo, hung hãn của bọn thám báo, gián điệp, thiên nga, phượng hoàng và cả những tên phản bội, ác ôn… Ban ngày phải đối phó với sự đánh phá ác liệt của địch, nhất là những năm 1968 đến 1972; đêm đến ta thọc sâu đánh phá giao thông, luồn sâu diệt địch cả trong nội thành. Có lúc ác liệt đến mức “sáng còn cùng nhau ăn cơm, chiều sẽ không biết thiếu ai”, nhưng chú và đồng đội vẫn bám trụ giữ vững địa bàn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong 10 năm chiến đấu trên vùng ven và nội thành Mỹ Tho, chú không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh. Và cũng trong 10 năm ấy, chú đã chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống, rồi anh và chị cũng lần lượt hy sinh, còn bản thân thì trải qua 6 lần bị thương…
Nhưng tất cả những đau thương, mất mát ấy chưa bao giờ làm chú chùn bước, mà trái lại đó chính là động lực để chú sát cánh cùng đồng đội bám chặt vị trí chiến đấu. Thế nên, năm 1971, chú bị thương nặng, tổ chức có ý định đưa chú đi an dưỡng ở miền Bắc, nhưng chú nhất quyết xin được ở lại để cùng đồng đội chiến đấu.
Trước tinh thần cách mạng và ý chí “chỉ có tiến chứ không lùi” của chú, tổ chức đã đồng ý để chú ở lại cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Hòa trong niềm vui chiến thắng của dân tộc trong ngày 30-4-1975 lịch sử, chú còn có riêng cho mình niềm hân hoan xen lẫn sự xúc động vì đã giữ được vẹn nguyên lời tuyên thệ trước Đảng, đó là: Chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng đến giọt máu cuối cùng!
NHIỆM VỤ NÀO CŨNG HOÀN THÀNH
Sau giải phóng, thống nhất đất nước, chú về công tác ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng Ban Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị, đến năm 2004 chú nghỉ hưu theo chế độ.
Tuy nhiên, đó không phải là sự kết thúc, mà là mở ra một chặng đường mới với các vị trí, nhiệm vụ mới như: Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội CCB tỉnh, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội CCB Việt Nam, đại biểu HĐND tỉnh (khóa V, khóa VI và khóa VIII), đại biểu Quốc hội (khóa XII), Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang…
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, chú đã cố gắng đóng góp, trong đó một số ý kiến của chú đã được Quốc hội ghi nhận, tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh trong Dự án luật, cụ thể là Luật Dân quân tự vệ. Với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh, chú đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của nhân dân tỉnh nhà trong thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn chất vấn đến cùng đối với những người có trách nhiệm. Đồng thời, thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, các ý kiến, kiến nghị của chú cũng được những người có trách nhiệm chấp nhận, tiếp thu và chấn chỉnh.
Với vai trò là người đứng đầu Hội CCB tỉnh (từ năm 2007 đến 2017), chú đã để lại dấu ấn đậm nét với nhiều chương trình, phong trào thiết thực, như Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo và xóa nhà tạm trong hội viên CCB; Phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Phong trào Thi đua yêu nước “CCB gương mẫu”...
Dấn ấn đầu tiên trong 10 năm giữ vai trò Chủ tịch Hội CCB tỉnh là chú cùng tập thể lãnh đạo Hội làm cho nhận thức của đội ngũ CCB trong toàn tỉnh dần dần có sự chuyển biến tích cực, từ đó đã nỗ lực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hội CCB các cấp trong tỉnh đã phát huy mọi tiềm năng, tranh thủ mọi nguồn lực, tạo điều kiện giúp đỡ các CCB vượt khó, thoát nghèo; liên kết hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, từ đó ngày càng có nhiều hội viên có cuộc sống ổn định và làm kinh tế giỏi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong CCB giảm mạnh qua từng năm.
Dấu ấn tiếp theo đó là, trước kia, việc vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB rất khó khăn. Tuy nhiên, trong 10 năm chú giữ vai trò là người đứng đầu của Hội thì công tác vận động để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho CCB được tổ chức ngày càng nền nếp, hiệu quả hơn.
Từ đó đã có hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội được xây tặng cho CCB, tỷ lệ hộ CCB ở nhà tạm ngày càng giảm đáng kể. Và do thực hiện hiệu quả các chương trình, phong trào thi đua nên đời sống của hội viên CCB ngày càng được nâng lên, từ đó thu hút CCB đến với Hội, số lượng CCB tham gia Hội không ngừng tăng lên qua từng năm.
Hoạt động của Hội CCB các cấp trong tỉnh ngày càng nền nếp, có chiều sâu, đã thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Hội. Trong 2 nhiệm kỳ chú giữ vai trò “nhạc trưởng”, các tổ chức Hội đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo thực hiện đạt kết quả toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu đã đề ra, trong đó có những chỉ tiêu vượt ở mức cao, giúp Hội CCB tỉnh lần lượt đón nhận nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Lao động hạng II và Huân chương Lao động hạng I.
Đại tá Lê Dũng tham gia cách mạng từ năm 1965, đến năm 2017 chính thức trở về với cuộc sống đời thường. Kết thúc khoảng thời gian 52 năm học tập, lao động và chiến đấu, điều chú tự hào không phải là để lại những dấu ấn gì, mà chính là mình đã giữ vẹn nguyên lời tuyên thệ và hoàn thành nhiệm vụ đối với Đảng!
NGUYÊN CHƯƠNG (Còn tiếp)