Thủ tướng Chính phủ: "Chúng ta cần thắng lợi kép"
Thủ tướng khẳng định chúng ta muốn thắng lợi kép chứ không chỉ một thắng lợi đơn, vừa chống dịch tốt, vừa phát triển KT-XH, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân.
Nhiều thành viên Hội đồng cho rằng, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, chống trì trệ trong phát triển. |
Phát biểu kết luận cuộc họp cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, qua các ý kiến phát biểu đều nói "trong nguy có cơ”.
Chưa cần điều chỉnh tăng trưởng tín dụng
Thống đốc Ngân hành Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá rất thận trọng về tác động của dịch SARS-CoV-2, do đó Việt Nam cần bình tĩnh, đưa ra thông tin chuẩn xác.
Về kiểm soát lạm phát, Thống đốc NHNN nêu rõ, không nôn nóng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, không thắt chặt quá mức gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng nhất là giữ nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, hôm qua, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch, và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 31-3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Trước đó, bình luận về tác động của dịch bệnh tới tăng trưởng tín dụng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, dịch bệnh này có thể khiến cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II.
Đồng thời, dịch bệnh này cũng tiềm ẩn nguy cơ làm tăng nợ xấu, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, mức tác động chưa lớn và chưa cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.
“Dư nợ tín dụng trong tháng đầu năm giảm nhẹ do tác động của dịch bệnh và tính mùa vụ khi thời gian của 2 đợt nghỉ Tết là tương đối dài. Nếu các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp được triển khai hiệu quả, tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Lực nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, Chính phủ đã có chủ trương không thay đổi các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. "Để đạt được các mục tiêu đó, chính sách tiền tệ phải phù hợp và linh hoạt nên việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần hết sức cân nhắc. Mặt khác, mức giảm dư nợ tín dụng chưa đến mức phải tính đến chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới", chuyên gia nhấn mạnh.
Thực hiện mục tiêu kép
Thủ tướng giao NHNN khẩn trương tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo của Hội đồng, gửi Thủ tướng, đồng thời có báo cáo tóm tắt đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tới đây. “Tinh thần chung của chúng ta là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách và chỉ đạo, điều hành, lắng nghe các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để từ đó chắt lọc các đề xuất, kiến nghị”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là đất nước an toàn, có kinh tế vĩ mô tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững. Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch SARS-CoV-2 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.
“Trong khó khăn, phải vượt qua, quyết liệt, đồng bộ, phải cải cách mạnh mẽ, phải đồng tâm hiệp lực với niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng nêu rõ, chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng. Tuy nhiên cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động để có giải pháp phù hợp.
Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế-xã hội do dịch SARS-CoV-2. Cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài.
Hội đồng thống nhất, cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nếu phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Giá vàng đạt đỉnh do tâm lý
Thống đốc Ngân hành Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý. Hôm nay, giá vàng quốc tế giảm và giá vàng trong nước còn giảm mạnh hơn. NHNN vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, NHNN sẽ can thiệp khi cần thiết.
(Theo enternews.vn)
.