.
CÁCH LÀM SÁNG TẠO CỦA QUÂN Y TỈNH MỸ THO:

Truyền dịch bằng nước dừa

Cập nhật: 09:08, 08/04/2020 (GMT+7)
Vận chuyển thương binh trong chiến tranh.
Vận chuyển thương binh trong chiến tranh.

Quân y tỉnh Mỹ Tho (sau giải phóng sáp nhập tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công thành tỉnh Tiền Giang) tồn tại và phát triển, bảo đảm an toàn cho đơn vị và tính mạng cho thương binh là nhờ vào dân. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) Quân y tỉnh Mỹ Tho luôn coi trọng và thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, chủ động gắn bó với dân, dựa vào dân để chiến đấu, công tác.

BỔ SUNG CÁN BỘ PHẪU THUẬT CHO TỈNH MỸ THO

Năm 1967, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, để cùng với Quân y tỉnh phục vụ cho lực lượng chủ lực Khu tác chiến, Bệnh viện X12A Quân y Khu tiếp tục mở rộng các trại bệnh trên chiến trường trọng điểm tỉnh Mỹ Tho. Quân khu bổ sung lực lượng xây dựng 1 kho dược, biên chế 20 người với 30 điểm kho, vừa bảo đảm y cụ, thuốc men cho bệnh viện, vừa cung cấp cho các cơ sở quân y đứng chân hoạt động ở tỉnh Mỹ Tho.

Đội hình bệnh viện được bố trí phân tán trong nhiều xã thuộc huyện Cái Bè, có hầm bí mật xây bằng xi măng cốt thép kiên cố để bảo vệ thương bệnh binh và cơ sở vật chất; xung quanh các trại bệnh có hầm hào chống phi pháo, bố trí các bãi tử địa chống biệt kích và nhảy dù, có lực lượng canh phòng phát hiện địch từ xa... Nhờ vậy, mặc dù thường xuyên chuyển thương binh về Bệnh viện X12B (trên biên giới giáp tỉnh Kiến Phong) trong mùa khô gặp nhiều khó khăn, nhưng bệnh viện vẫn bám trụ vững chắc, cấp cứu, chữa trị và nuôi dưỡng thương bệnh binh dài ngày; đồng thời, quan hệ chặt chẽ với quân, dân y tỉnh, huyện giúp đỡ nhận thương binh nhẹ hoặc sắp ra viện, giảm tải trong các trại bệnh. Các tiểu đoàn trong 2 Chiến đoàn 1 và 2 khi hoạt động độc lập được tăng cường 1 bàn mổ của 2 đội phẩu X27 và X28. Một bộ phận X27 xây dựng cơ sở quân y tại vành đai Bình Đức.

Đầu năm 1967, 2 cán bộ gây mê hồi sức của Quân y tỉnh Mỹ Tho đi học ở Miền về là đồng chí Hùng và đồng chí Trung. Ở Quân y của Miền, các đồng chí được các bác sĩ gây mê hồi sức miền Bắc vào giảng dạy: Bác sĩ Dương, bác sĩ Trương Công Tây hướng dẫn lý thuyết và thực hành tận tình ở phòng mổ của Bệnh viên K71A của Miền. 2 đồng chí về tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Hùng về Bệnh xá 1, đồng chí Trung về Bệnh xá 2. Đây là một tin vui của ngành Quân y tỉnh và cho cả CB-CS tỉnh Mỹ Tho, vì từ đây công tác gây mê hồi sức để phục vụ mổ chiến thương đã được bảo đảm ở mức độ cao.

Đồng chí Trung về Bệnh xá 2 của tỉnh ở huyện Cái Bè đã làm được một việc mà cho đến ngày nay CB-CS ngành Quân y tỉnh Mỹ Tho vẫn còn nhắc nhớ và tự hào, xem như là một áp dụng thành công của ngành trong lĩnh vực chuyên môn. Đồng chí về bệnh xá 2 trong lúc bệnh xá đang thiếu hụt gắt gao dịch truyền do địch đang siết chặt phong tỏa, ta chưa tìm được nguồn tiếp liệu mà chiến thương lại chuyển về dồn dập, đang cần dịch truyền cũng như cần máu.

Nói thêm về truyền dịch nước dừa: Không phải nước của trái dừa nào cũng làm dịch truyền được. Đầu tiên, phải búng để nghe biết trái dừa non hay già. Nếu thấy chưa chắc ăn thì bẻ thử một trái, chặt thử, điều kiện là nạo thử bằng muỗng thì cứng, còn cạy bằng đũa bếp thì mềm. Nếu cái dừa cứng quá thì đã ra dầu, còn non quá thì cháo dừa đẻ ra acid, nhiều đạm, lợn cợn, vào tĩnh mạch bị nghẽn.

Loại chọn được giàu glucose tới 40%, mà đòi hỏi của chuyên môn chuyền cho vết thương sọ não cũng chỉ cần 30%, tức phải hơn dừa nạo một chút. Chọn vị trí đất nơi cây dừa ở chỗ nước lớn ròng là tốt, đất liền càng tốt; không gần chuồng heo, chuồng gà, nơi đổ rác... Dây chuyền nước vô chai là dây chuyền máu. Hút nước vào chai xong, chặt quả dừa ra nếu dừa bị trăn ăn thì phải bỏ. Truyền dịch cho thương binh, sử dụng ống Dorofine 2%, truyền thẳng vào, nhè nhẹ, chậm chậm là ăn chắc.

HỌC HỎI, MẠNH DẠN THỬ NGHIỆM

Đồng chí Trung nhớ trong bài học ở Miền, các thầy có đề cập đến truyền nước dừa hồi sức. Việc truyền nước dừa đã có từ thời kháng chiến chống Pháp, được Bệnh viện Việt - Đức ở Hà Nội tổng kết, sau đó trong kháng chiến chống Mỹ có cơ sở quân y ở Khu 9 đã áp dụng lý thuyết này có kết quả. Chỉ huy Bệnh xá 2 là đồng chí Tư Trầm rất lo lắng, bàn cách giải quyết tình trạng thiếu dịch truyền. Đồng chí Trung mạnh dạn đề xuất thay dịch truyền bằng nước dừa, được đồng chí Tư Trầm cổ vũ đồng chí mạnh dạn làm. Vậy là mở ra việc truyền dịch bằng nước dừa.

Suốt 3 năm, tại phòng mổ Cây Vừng, dịch truyền bằng nước dừa đã được sử dụng hiệu quả, không gây nên ca sốc nào. Đất Hậu Mỹ dừa không nhiều nhưng vẫn hơn ở một số nơi khác trong tỉnh. Nói nghe đơn giản, nhưng bước vào thực hành mới thấy kỳ công. Phải từ Cà Dăm, từ chùa Tạ Giao trở ra mới có dừa. Mua riết cũng hết. Hôm ấy có 1 ca mổ ổ bụng cần đến dịch truyền, mà dịch truyền đã hết, 2 đồng chí Trung và Bổng cải trang thay đồ lính, đội nón sắt, quàng khăn đỏ chèo xuồng ra Cà Dăm nơi địch chiếm đem dừa về cứu sống thương binh.

Lần sau trở ra, một cụ bà có trồng dừa gặng hỏi, nói thật bà cho, trả tiền không lấy. Vì đây là vùng địch tới lui thường xuyên, nếu nói là cách mạng, hỏi xin thì dân sợ, hỏi mua cũng không dám bán vì không biết thật giả, nên đành phải giả lính. Cụ bà theo dõi thấy cách leo lên hái dừa không giống như lính: Leo lên cây lựa bẻ chuyền xuống từng trái bằng dây. Trái nào ưng mới lấy, xách nhẹ nhàng bỏ vô ba lô đem xuống xuồng. Lính ngụy bẻ dừa cứ tuôn ầm ầm… Chọn bẻ 2 quày, 2 đồng chí cảm ơn rồi về.

Số dừa bẻ ở Cà Dăm phục vụ không dưới 30 ca mổ. Về sau, theo bộ đội đánh vùng ngoài, làm phẫu thuật dã chiến, dịch truyền chỉ cần đem theo 1 chai. Truyền hết chai đó, lấy nước dừa truyền suốt, từ phục vụ cho mổ xẻ đến hồi sức. Việc làm này thật đáng tự hào, bởi trong chiến tranh hoàn cảnh vô trùng rất khó khăn, vậy mà đảm bảo được cả truyền dịch lẫn truyền máu đều không bị sốc...

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.