.

Những sự kiện nổi bật trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công

Cập nhật: 10:21, 03/04/2020 (GMT+7)

PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI (1960 - 1961)

Trong những năm 1960 - 1961, phong trào Đồng khởi đã nổ ra hầu khắp các xã, ấp ở các vùng nông thôn của 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Qua 5 đợt cao điểm của phong trào, ta đã giải phóng hoàn toàn 32 xã. Lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng về chất lượng cũng như số lượng. Cuối năm 1961, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức  tổng kết 1 năm phong trào du kích chiến tranh. Trong Đồng khởi, toàn tỉnh mới chỉ có hơn 1 trung đội vũ trang tập trung, mỗi huyện mới có 1 tiểu đội vũ trang tuyên truyền, số súng đạn còn quá lạc hậu và thô sơ.

Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc.
Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc.

Đến cuối năm 1961, tỉnh đã có 1 tiểu đoàn cơ động - Tiểu đoàn 514A, trong đó có 1 đại đội với đầy đủ quân số và được trang bị vũ khí khá đầy đủ; mỗi huyện có 1 trung đội tập trung và mỗi xã có 1 tiểu đội du kích. Từ tỉnh đến cơ sở đã có hệ thống chỉ đạo, chỉ huy xuyên suốt. Các ngành binh vận, thông tin liên lạc, vô tuyến điện, giáo dục, quân y, dân y, tài chính của Đảng… lần lượt ra đời. Có thể xem đây là giai đoạn chuẩn bị lực lượng trên tất cả các mặt, tạo ra cơ sở vật chất và tinh thần hết sức quan trọng cho cuộc chiến tranh nhân dân sau này. Phong trào Đồng khởi đã đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào cách mạng ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.

CHIẾN THẮNG ẤP BẮC

Ngày 2-1-1963, quân và dân ở Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy với khoảng 200 tay súng, đã đánh bại hơn 2.000 lính ngụy với phương tiện chiến tranh hiện đại và cố vấn Mỹ chỉ huy. Chiến thắng Ấp Bắc đã làm thất bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch, mở đầu cho phong trào đánh bại chiến thuật mới của địch trên toàn chiến trường miền Nam. Đó là chiến công đặc biệt quan trọng, mở ra cục diện mới, tạo ra điển hình mới, đem lại lòng tin cho quân và dân ta ở miền Nam có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong “Chiến tranh đặc biệt”.

Chiến thắng Ấp Bắc đã được Khu ủy Khu 8 tổng kết, đánh giá cao. Đến tháng 4-1963, Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam. Sau chiến thắng Ấp Bắc là cao trào phá ấp chiến lược, mà đỉnh cao là phong trào mở mảng chuyển vùng ngày 20-7, ta đã giải phóng 15 xã vùng Nam Châu Thành và Cai Lậy, nối được vùng giải phóng liên hoàn từ Cái Bè đến Châu Thành.

Chiến thắng Ấp Bắc và đợt mở vùng 20-7 đánh dấu bước phá sản không gì cứu được của quốc sách “bình định”, “lập ấp chiến lược” của địch ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, là điểm son chói lọi trong trang sử vàng của cả nước.

THIẾT LẬP VÀNH ĐAI BÌNH ĐỨC

Tháng 2-1966, địch triển khai xây dựng căn cứ Đồng Tâm, chuẩn bị cho sư đoàn 9 Mỹ trực tiếp tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đến đầu tháng 7-1966, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo lập vành đai Bình Đức và Ban Chỉ huy vành đai. Vành đai Bình Đức là thế trận chiến tranh nhân dân của quân và dân tỉnh Mỹ Tho, nhằm bao vây, diệt Mỹ, ngụy ngay tại căn cứ xuất phát của chúng.

Trong quá trình đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận chống địch xây dựng căn cứ Đồng Tâm là một sự chuẩn bị chu đáo và công phu về mặt nhận thức tư tưởng, về chỉ huy, chỉ đạo, cũng như về tổ chức, bố trí lực lượng quân sự, chính trị, binh vận để đánh Mỹ. Khi Mỹ đến, cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Mỹ Tho bình tĩnh, tự tin ở khả năng 3 mũi giáp công đánh Mỹ, nhất là cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang các xã vành đai Bình Đức đã chuẩn bị sẵn sàng đấu tranh với Mỹ.

Sau hơn 1 năm chiến đấu, giằng co với địch trên vành đai Bình Đức, ta đã tiêu diệt, tiêu hao trên 1.000 tên. Bộ đội địa phương tỉnh diệt gọn 2 đại đội bảo an. Đặc công, công binh của Khu đã đánh chìm 5 tàu địch, đặc biệt là ngày 9-1-1967 đặc công của ta đánh chìm chiếc tàu cuốc “Jamaica-bay” của địch, diệt gần 200 tên cán bộ, nhân viên kỹ thuật Mỹ trên tàu.

TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975

Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 bắt đầu từ ngày 9-4 và kết thúc vào ngày 30-4. Trong thời gian này, quân và dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao: Cắt đứt giao thông trên lộ 4 và trên kinh Chợ Gạo, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cánh quân phía Tây Nam giải phóng Sài Gòn và cả miền Nam, giải phóng  2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đúng vào ngày 30-4 lịch sử.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, cùng quân, dân miền Nam và cả nước đã chấm dứt hơn 117 năm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, trong đó có 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng vô cùng ác liệt và hy sinh, đánh bại 2 đội quân viễn chinh xâm lược hùng mạnh, giành độc lập, tự do cho đất nước, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân; đồng thời, mở đầu cho giai đoạn mới, sáng tạo trong lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.