Thứ Tư, 22/04/2020, 17:08 (GMT+7)
.

Di tích lịch sử cách mạng: Chiến thắng Bưng Bồn Bồn

Từ năm 1969, trên chiến trường miền Nam nói chung và Khu 8 nói riêng, quân Mỹ gặp nhiều thất bại, buộc phải rút hết sư đoàn bộ binh 9 cùng bộ tư lệnh đóng tại căn cứ Đồng Tâm (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) về nước, giao lại nhiệm vụ bình định cho quân đội Sài Gòn, mở đầu việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Cầu Vĩ -  nơi Tiểu đoàn 514C và Tiểu đoàn 2009B bố trí lực lượng, tổ chức trận đánh lớn, làm Chiến thắng Bưng Bồn Bồn.   Ảnh: VĂN CẨM
Cầu Vĩ - nơi Tiểu đoàn 514C và Tiểu đoàn 2009B bố trí lực lượng, tổ chức trận đánh lớn, làm Chiến thắng Bưng Bồn Bồn. Ảnh: VĂN CẨM

Chiến lược này thực chất là “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Ngay từ khi chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Ních-xơn mới ra đời, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định: “…địch không mạnh, mà là hành động điên cuồng trong thế thua, vì thất bại, suy yếu buộc phải xuống thang chiến tranh, nhưng lại muốn xuống thang chiến tranh trên thế mạnh, thế chủ động là một mâu thuẫn vốn có trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ”.

Nhằm đẩy mạnh tiến công và nổi dậy đánh bại chiến lược của chúng, cuối tháng 2-1972, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự năm, xác định: “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung chỉ đạo chiến tranh và tăng cường lực lượng mọi mặt cho các chiến trường, chủ yếu là chiến trường miền Nam” (*)… Thực hiện Nghị quyết này, Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương: “Động viên toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh nỗ lực vượt bậc, ra sức nổi dậy và tiến công, tiêu hao địch khắp 3 vùng nông thôn, giao thông, thị xã, thị trấn nhằm tiêu hao và làm tan rã nhiều sinh lực địch, phá vỡ bộ máy kìm kẹp của chúng, mở rộng vùng giải phóng…” (*).

Với tầm vóc và ý nghĩa của trận đánh, ngày 7-1-2020, UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận địa điểm chiến thắng Bưng Bồn Bồn là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hiện các cấp, các ngành TX. Cai Lậy đang quy hoạch mặt bằng và có kế hoạch, đề án xây dựng Bia Chiến thắng Bưng Bồn Bồn để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tháng 5-1972, chuẩn bị vào chiến dịch tiến công tổng hợp hè - thu, Quân khu đã tăng cường cho tỉnh Mỹ Tho Tiểu đoàn 2009B và 5 đại đội bộ binh. Khi tới chiến trường Mỹ Tho, Tiểu đoàn 2009B đã phối hợp với Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh nhiều trận, giành được nhiều thắng lợi, trong đó có trận đánh lớn tại bưng Bồn Bồn, làm nên Chiến thắng Bưng Bồn Bồn.

Ngày 16-7-1972, tại huyện Cai Lậy (nay tách thành huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy), liên đoàn 41 biệt động quân, là lực lượng tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn từ Vĩnh Kim xuống đóng tại gò Lũy. Ban Chỉ huy mảng phán đoán địch sẽ vào giải tỏa kinh Cũ, nên lệnh cho Tiểu đoàn 514C và Tiểu đoàn 2009B bố trí lực lượng tại cầu Vĩ, bưng Bồn Bồn, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy (nay thuộc TX. Cai Lậy).

6 giờ ngày 18-7-1972, liên đoàn 41 biệt động quân đóng ở Tân Phú bắt đầu hành quân nhằm đánh vỗ mặt vào lực lượng ta. Đến 15 giờ cùng ngày, hai cánh quân của chúng đã đến trước đội hình của 2 Tiểu đoàn 514C và 2009B tổ chức đào công sự nhiều tuyến ngoài đồng. 15 giờ 30 phút, tiểu đoàn 67 của liên đoàn biệt động quân 41 cho nhiều mũi đánh thẳng vào đội hình của Đoàn bộ Tiểu đoàn 514C. Lực lượng ta chờ địch vào sát công sự mới nổ súng. Một số tên đi đầu bị tiêu diệt.

Trên đoạn công sự của trinh sát tiểu đoàn, ta và địch chiến đấu rất quyết liệt. Cùng lúc đó, cối 60 mm và 82 mm của ta bắn dồn dập vào đội hình dày đặc của các tiểu đoàn 67 và 76 địch. Đại liên cũng đồng loạt nổ súng và bộ binh nhanh chóng xung phong. Ban chỉ huy tiểu đoàn 67 của địch đã bị diệt ngay từ đầu. Bộ phận cuối của tiểu đoàn này buộc phải lui về chiếm xóm Bưng.

Cán bộ, chiến sĩ ta đã dũng cảm đánh bật địch ra khỏi các tuyến công sự và đánh mạnh vào bọn địch đang co cụm ở xóm Bưng, diệt hết cụm này đến cụm khác. Địch bị thiệt hại nặng nề, đành chống trả yếu ớt rồi tìm đường tháo chạy. Đến 16 giờ 20 phút, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, thu dọn chiến trường. Trong trận này, ta đã tiêu diệt 480 tên địch (3 tên Mỹ), thu 180 súng các loại, 18 máy vô tuyến điện, bắt 18 tù binh. Liên đoàn 41 biệt động quân địch về cơ bản đã bị tiêu diệt. Về phía ta, 2 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương. Đây là trận đánh phục kích có hiệu quả chiến đấu cao và có tác dụng thúc đẩy phong trào địa phương lên mạnh.

Chiến thắng Bưng Bồn Bồn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần cùng cả nước tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

----------------------
* Dẫn theo “Lịch sử kháng chiến quân dân Tiền Giang (1940 - 1975)”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội -2008.

.
.
.