Giữ vững vùng ven TP. Mỹ Tho: Khúc tráng ca vẫn còn âm vang mãi
Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy quyết liệt giành quyền kiểm soát vùng ven các thành phố toàn miền Nam. Trong khi lực lượng của ta ở nhiều thành phố phải lùi lại phía sau để xây dựng, củng cố lực lượng, thì ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang lực lượng của Thành đội, cùng với sự hỗ trợ của Quân khu 8 vẫn quyết tâm bám trụ vùng ven, chiến đấu kiên cường, quyết giữ vững thế trận vùng trọng yếu, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng của ta tiến vào giải phóng thành phố trong ngày 30-4 lịch sử. Và để giữ vững vùng ven thành phố trong suốt khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1975, quân và dân ta phải chịu nhiều mất mát, hy sinh, viết nên khúc tráng ca trầm hùng âm vang mãi cùng năm tháng…
Xác xe tăng M113 của Mỹ bị quân ta bắn cháy trên phố Nguyễn Tri Phương (nay là đường Ấp Bắc, TP. Mỹ Tho). Ảnh: VŨ HOÀI NAM |
ĐỊCH DỒN LỰC ĐỂ GIÀNH VÙNG VEN
Từ sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Mỹ - ngụy đã dùng mọi phương tiện hiện đại nhất với tất cả các chiến thuật (chỉ trừ B52 là chưa sử dụng) nhằm chiếm giữ quyền kiểm soát ở địa bàn vùng ven TP. Mỹ Tho, phòng thủ không cho lực lượng của ta tấn công vào trung tâm đầu não của chúng. Để quyết chiếm giữ vùng ven TP. Mỹ Tho, Mỹ - ngụy đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào như rải chất độc hóa học, bắt buộc dân đốn cây khai hoang…, khiến cho vùng ven của TP. Mỹ Tho cây cối chết khô, bị đốn sạch, biến một vùng rộng lớn trở thành “vườn không, đồng trống”. Năm 1970 đến 1973, địch lập đồn, bót ở hầu hết các ấp trên địa bàn vùng ven thành phố, có ấp đến 2 đồn hòng quyết tâm kiểm soát cho được địa bàn. Tuy nhiên, các đồn, bót của địch đã bị lực lượng của ta khóa chặt, ép sát đồn vừa để tránh “bom tấn, pháo bầy, pháo hạm” của địch, vừa vây chặt địch khiến cho chúng không thể ra khỏi đồn.
Nhiều đợt địch mở chiến dịch, huy động lực lượng quyết tâm đẩy lùi ta ra khỏi vùng ven thành phố nên tổ chức đánh liên tục trong 4 đến 5 tháng liền. Chúng liên tục càn quét, chà đi xát lại để tiêu diệt, đẩy đuổi lực lượng ta ra khỏi vùng ven. Ta nổ súng chống càn thì chúng dùng bom pháo hủy diệt. Khi địa hình bị chất độc hóa học, bom pháo tàn phá thành những bãi đất hoang thì chúng càn quét ác liệt hơn, đặc biệt là liên tục mở nhiều cuộc “hành quân không kỵ”. Đó là cuộc hành quân bằng máy bay trực thăng với 5 hoặc 8 máy bay trực thăng, gồm 1 chiếc chỉ huy; 2 chiếc trực thăng trinh sát bay rất thấp, rất cơ động, gần như “đứng” trên ngọn cây (bộ đội gọi là trực thăng “cá nóc” hay “bù nóc”); 2 chiếc vũ trang có trang bị tên lửa và 3 chiếc chở quân, sẵn sàng đổ quân ngay trận địa. 2 chiếc “bù nóc” bay thật thấp nghiêng ngó từng bụi cây, công sự… tìm diệt lực lượng ta. Khi phát hiện có lực lượng ta thì trực thăng vũ trang dùng hỏa lực tiêu diệt và đổ quân xuống càn quét ngay. Cách đánh này đã gây cho ta nhiều tổn thất.
QUYẾT TÂM BÁM TRỤ, GIỮ VỮNG VÙNG VEN
45 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975), nhưng khúc tráng ca trầm hùng của những năm tháng bám chặt vùng ven, giành với địch từng bờ tre, thửa ruộng, con đường, góc phố… vẫn còn âm vang mãi trong tâm trí của Đại tá Lê Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là người tham gia chiến đấu và giữ nhiều vị trí chỉ huy ở các đơn vị thuộc Thành đội Mỹ Tho, như: Đội Biệt động nội thành, Pháo binh, Chính trị viên Đại đội bộ binh… Đại tá Lê Dũng bùi ngùi nhớ lại: Đó là những năm tháng ta giằng co quyết liệt với địch để giữ cho được vùng ven TP. Mỹ Tho gồm các xã: Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh và cả Thới Sơn (lúc ấy thuộc huyện Châu Thành). Địa bàn các xã ven thành phố là nơi địch quyết tâm chiếm giữ và đẩy lùi lực lượng ta ra xa. Trong khi đó, lực lượng của ta quyết tâm bám trụ nhằm xây dựng thế và lực vững chắc, tạo bàn đạp để tiến công vào nội thành, nên tổ chức đánh liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đại tá Lê Dũng cho biết, trong suốt khoảng thời gian từ năm 1968 đến 1975, trên địa bàn vùng ven TP. Mỹ Tho, ta phải đương đầu với lực lượng từ quân Mỹ đến quân ngụy, từ chủ lực đến địa phương, phải chịu đựng sự ác liệt của bom tấn, pháo bầy, pháo hạm, cả chất độc hóa học; phải đối phó các thủ đoạn gian xảo, hung hãn của bọn thám báo, gián điệp, thiên nga, phượng hoàng và cả những tên phản bội, ác ôn… Ban ngày phải đối phó với sự đánh phá ác liệt của địch, nhất là những năm 1968 đến 1972; đêm đến ta thọc sâu đánh phá căn cứ địch, luồn sâu diệt ác, phá kìm. Nhiều lần lực lượng của Thành đội Mỹ Tho đã luồn sâu vào nội thành, tiếp cận đến bến xe, giếng nước, đánh vào đến trụ sở cảnh sát (đường Hùng Vương hiện nay), Ty bình định (chợ phường 4 hiện nay), căn cứ hải quân… của địch. Có lúc ác liệt đến mức “sáng còn cùng nhau ăn cơm, chiều sẽ không biết thiếu ai”, nhưng lực lượng của Thành đội Mỹ Tho vẫn bám trụ, kiên cường chiến đấu, giữ vững địa bàn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Trong suốt từ năm 1968 đến ngày 30-4-1975, ngoài ban đêm luồn sâu vào nội thành đánh địch, lực lượng của Thành đội Mỹ Tho được sự tăng cường của Tiểu đoàn 263, 267B Quân khu 8 còn tổ chức nhiều trận đánh lớn, pháo kích vào trung tâm đầu não của địch đóng trong nội thành, như tổ chức đánh vào sân bay, vào Trung tâm huấn luyện Hùng Vương… Nhiều lần, ta pháo kích bất ngờ khiến địch hoang mang và không kịp trở tay, như khi mẹ vợ của Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ trần, ta biết rõ có Thiệu và nhiều quan chức ngụy đến dự, nên đã bắn hàng chục quả đạn cối 120 ly vào sở chỉ huy sư đoàn 7 ngụy, cách nơi tổ chức đám tang vài trăm mét (vị trí đó nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Lần ấy, địch hoang mang, bất ngờ nhưng không phản kích lại, lực lượng của ta an toàn.
TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ
Đến đầu năm 1975, lực lượng vũ trang cùng nhân dân đã tiến công, bao vây, bức rút, bức hàng đồn, bót địch đóng trên địa bàn vùng ven TP. Mỹ Tho, nhiều xã như Trung An, Đạo Thạnh, Tân Mỹ Chánh cơ bản không còn đồn, bót địch, chỉ còn một số ít đồn, bót trên trục đường giao thông chính, tạo thế và lực vững chắc cho lực lượng của ta đứng chân ở vùng ven. Đến tháng 3-1975, ta chuẩn bị lực lượng, chiến trường để tấn công giải phóng Mỹ Tho. Để hỗ trợ Thành đội Mỹ Tho, Quân khu 8 đã cử cán bộ về nghiên cứu các phương án, lên kế hoạch tiến công vào thành phố. Các hướng tiến công vào thành phố đều có lực lượng của Sư đoàn 8, Đại đội đặc công nước của Quân khu 8, các Tiểu đoàn 2009B, 514C và Thành đội Mỹ Tho… sẵn sàng chờ lệnh. Trong nội thành Mỹ Tho, các lực lượng cũng đã sẵn sàng. Sáng 30-4-1975, khi nghe Tổng thống ngụy Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn tại chỗ, lực lượng của ta đồng loạt tiến công vào nội thành.
Theo Đại tá Lê Dũng, ta giữ được vùng ven TP. Mỹ Tho suốt từ năm 1968 đến 1975 là nhờ vận dụng chủ trương thế 2 chân (quân sự, chính trị) và 3 mũi (vũ trang, chính trị, binh vận); đồng thời, nhờ sự hỗ trợ, đóng góp rất lớn từ phía nhân dân. Sau Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhân dân các xã vùng ven vẫn một lòng hướng về cách mạng. Nhân dân đã tích cực lao động sản xuất, là lực lượng chính cung cấp tài lực, vật lực, thuốc men cho ta. Con em của họ lớn lên đã bổ sung vào lực lượng của ta, tham gia bộ đội, tiếp lương, tải đạn, cung cấp tin tức cho lực lượng của mình…
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, dù sức khỏe của Đại tá Lê Dũng cũng đã yếu đi nhiều, nhưng ký ức về những ngày lực lượng của Thành đội Mỹ Tho quyết bám giữ vùng ven thì vẫn còn vẹn nguyên trong lòng. Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, hồi tưởng về những năm tháng khốc liệt nhưng hào hùng của lực lượng Thành đội Mỹ Tho quyết giữ vững thế trận vùng ven, Đại tá Lê Dũng bồi hồi: Để giành quyền kiểm soát vùng ven thành phố trong suốt những năm từ 1968 đến 1975, nhiều anh em trong lực lượng của ta đã bị thương hoặc anh dũng hy sinh, phải bổ sung lực lượng từ các huyện trong tỉnh, các tỉnh bạn và cả tăng cường lực lượng từ miền Bắc vào.
Mỗi đơn vị trực thuộc Thành đội Mỹ Tho, nếu chỉ tính quân số từ lúc mới thành lập đến ngày miền Nam giải phóng, đơn vị còn nhiều nhất cũng chỉ được 4 đến 5 người. Cụ thể như phiên hiệu Đại đội 207 của Thành đội Mỹ Tho, nếu tính quân số từ khi mới thành lập (không tính quân số bổ sung), thì đến ngày giải phóng chỉ còn được 2 người. Còn đồng đội nhập ngũ cùng thời với Đại tá Lê Dũng là lớp kế cận, đến ngày giải phóng chỉ còn lại một mình ông. Riêng Đại tá Lê Dũng cũng trải qua 6 lần bị thương, có lần tưởng chừng không thể vượt qua.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khúc tráng ca về những năm tháng hào hùng của lực lượng ta quyết tâm bám chặt vùng ven TP. Mỹ Tho, giành quyền kiểm soát, tạo thế và lực để tiến công giải phóng thành phố thì vẫn còn âm vang mãi cùng năm tháng.
NGUYÊN CHƯƠNG