.

Lênin vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

Cập nhật: 10:23, 22/04/2020 (GMT+7)
“Lênin đã sống, đang sống và sẽ sống!” -  Thơ: Mayakovsky, tranh: Ivanov.
“Lênin đã sống, đang sống và sẽ sống!” - Thơ: Mayakovsky, tranh: Ivanov.


V.I Lênin - Lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trong lịch sử loài người, sáng lập Quốc tế Cộng sản. Là học trò trung thành và xuất sắc của Mác và Ăngghen, Lênin đã bảo vệ tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại mọi sự xuyên tạc của bọn cơ hội chủ  nghĩa, phát triển chủ nghĩa Mác, giải quyết đúng đắn về lý luận và thực tiễn các vấn đề đặt ra cho cách mạng vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

Ngày 22-4-1870, ở nước Nga cũ chuyên chế đã ra đời vị lãnh tụ tương lai, vị thầy thiên tài của quần chúng lao động và của những người bị áp bức trên toàn thế giới, người đó chính là V.I Lênin.

MỞ RA KỶ NGUYÊN CỦA CÁCH MẠNG VÔ SẢN

Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản (CNTB) đã phát triển đến giai đoạn cao nhất và tột cùng của nó, đó chính là chủ nghĩa đế quốc và mở ra kỷ nguyên của cách mạng vô sản. Người kế tục một cách thiên tài sự nghiệp vĩ đại của Các Mác và Ăngghen trong những điều kiện lịch sử mới, đó là V.I Lênin.

Đấu tranh không khoan nhượng chống bọn cải lương và bọn xuyên tạc chủ nghĩa Mác, Lênin đã nâng chủ nghĩa xã hội khoa học lên một giai đoạn mới, làm phong phú chủ nghĩa Mác - vũ khí tư tưởng vĩ đại của giai cấp vô sản, đã góp phần cống hiến lớn lao vào việc đề ra lý luận về chuyên chính vô sản, đã phát triển nguyên lý mác xít về khối liên minh công nông, về vấn đề dân tộc và thuộc địa, về chủ nghĩa quốc tế vô sản, về việc xây dựng và củng cố đảng vô sản kiểu mới là tổ chức duy nhất đủ sức lãnh đạo cuộc đấu tranh muôn hình muôn vẻ của giai cấp công nhân và của dân tộc bị nô dịch. Lênin đã xây dựng lý luận mới, hoàn chỉnh về cách mạng XHCN, đã chứng minh khả năng chủ nghĩa xã hội (CNXH) có thể thắng lợi ở một nước riêng lẻ.

Đảng Cộng sản Nga do Lênin sáng lập là tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc trên toàn thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Lênin vĩ đại, nhà chiến lược và nhà sách lược thiên tài, Đảng Cộng sản đã dìu dắt giai cấp vô sản Nga giành chính quyền và xây dựng Nhà nước đầu tiên của quần chúng lao động. Sự ra đời của Nhà nước đó mở đầu thời đại mới trong lịch sử loài người. Đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và dân chủ, Liên Xô là thành trì không gì lay chuyển nổi của độc lập và tự do. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, phe hòa bình, dân chủ và XHCN hùng mạnh, đứng đầu là Liên Xô, đã được hình thành, đối lập với phe đế quốc chủ nghĩa.

 
Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại… là vô cùng sâu sắc.
 
HỒ CHÍ MINH

Đối với các dân tộc ở châu Á, cũng như đối với các dân tộc khác trên toàn thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và CNXH, học thuyết của Lênin như mặt trời chói lọi, mang lại nguồn sáng vui tươi. Lênin bao giờ cũng rất chú ý đến phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc châu Á, coi đó là bộ phận hợp thành không thể tách rời của cuộc đấu tranh của quần chúng lao động toàn thế giới chống bọn đế quốc áp bức.

THỂ HIỆN LÒNG KÍNH TRỌNG, TIẾC THƯƠNG ĐỐI VỚI LÊNIN

Ngày 21-1-1924, nhận tin V.I Lênin qua đời đã gây cho Nguyễn Ái Quốc sự xúc động to lớn: “Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi”. Chỉ vài ngày sau khi Lênin mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng trên Báo Sự thật (Pravđa, Liên Xô) ngày 27-1-1924, thể hiện lòng thành kính đối với Lênin: “Lênin đã mất! Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng, những người da den và da vàng có thể chưa biết rõ Lênin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó.

Nhưng không phải chỉ có thế. Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi (theo tiếng Ả-rập là người nước ngoài, kẻ nô dịch) của tất cả bọn rumi: Toàn quyền, công sứ... Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể. Lúc đầu họ tưởng là trên đời không thể có một người như thế và cương lĩnh như thế được. Nhưng về sau họ được biết tin, tuy lờ mờ về đảng cộng sản, về tổ chức gọi là Quốc tế Cộng sản đang đấu tranh vì những người bị bóc lột, vì tất cả những người bị bóc lột, trong đó có cả họ nữa, họ biết rằng chính Lênin là người lãnh đạo tổ chức này.

Và chỉ như thế cũng đủ để cho những người đó tuy văn hóa kém cỏi nhưng là những người có thiện chí và biết ơn, hết lòng tôn kính Lênin. Họ coi Lênin là người giải phóng cho họ. Lênin đã mất rồi thì chúng ta biết làm thế nào? Liệu có những người dũng cảm và rộng lượng như Lênin đã không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng của chúng ta không? Đó là những điều mà quần chúng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa băn khoăn tự hỏi.

Còn chúng tôi, chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buồn chung của nhân dân các nước với những người anh, người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các chi bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?

Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”.

Lênin đã đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng CNXH của các dân tộc trên toàn thế giới.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.