Bài cuối: Mở rộng bản đồ du lịch
Bài 1: “Kỳ tích” ngành Nông nghiệp
Thành công sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, đẩy nhanh thương mại - dịch vụ trọng điểm là du lịch, là mục tiêu mà Tiền Giang đã và đang hướng đến.
Các dự án đầu tư lớn liên quan đến lĩnh vực du lịch như: Cảng du thuyền, cụm dự án khu du lịch - nhà hàng - khách sạn... sẽ là điểm nhấn quan trọng cho ngành Du lịch Tiền Giang trong chặng đường mới.
Những con tàu du lịch quốc tế đã dừng chân ở Tiền Giang, góp phần giúp ngành Du lịch Tiền Giang không ngừng phát triển. |
ĐỂ DU LỊCH LÀ NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Soi rọi vào chặng đường 45 năm đã qua, dù kết quả đạt được còn khá khiêm tốn so với bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng thương mại, dịch vụ, trọng điểm là du lịch của Tiền Giang đã có bước tiến khá dài. Ngành Du lịch Tiền Giang có bề dày lịch sử lâu dài và đóng góp đáng kể vào chặng đường phát triển chung của tỉnh.
Nhấn mạnh tại Lễ hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng, Tiền Giang là tỉnh thuộc ĐBSCL, nằm dọc bờ Bắc sông Tiền, dòng sông bao đời mang nặng phù sa vun bồi cho vườn cây trái xinh tươi, bốn mùa trĩu quả, là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các trục giao thông thủy, bộ quan trọng của khu vực, nối liền các tỉnh, thành ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và là cửa ngõ ra Biển Đông của các tỉnh ven sông Tiền và Campuchia.
Tiền Giang còn được xem là cầu nối du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhìn vào lịch sử, hoạt động du lịch của Tiền Giang hình thành từ rất sớm, bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, du lịch Tiền Giang đã đón khách quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, với Chương trình Mekong Tour nổi tiếng và cũng từ đó hình thành bản đồ du lịch sông nước miệt vườn. Tiền Giang cũng đã có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Bản đồ du lịch Tiền Giang đã không ngừng mở rộng, cùng với sự phát triển chung của bức tranh kinh tế Tiền Giang, nhưng dường như du lịch Tiền Giang vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Chính vì vậy, ngày 5-4-2017, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ra đời. Đây được xem là một trong những nghị quyết mang tính chuyên đề, đã tác động tích cực đến việc đầu tư, phát triển du lịch của toàn tỉnh nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Chuyển biến của ngành Thương mại Hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Mỹ Tho nói riêng đang phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, Trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho đưa vào hoạt động, đánh dấu mốc cho loại hình kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện còn có các hệ thống phân phối lớn, gồm: Siêu thị Co.opmart Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy; trên 65 cửa hàng tiện ích của hệ thống Bách hóa Xanh, Vinmart+… Ngoài ra, một số dư án trung tâm thương mại có quy mô khá lớn đang được triển khai đầu tư: Dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ, kết hợp nhà ở thương mại (số 1A, đường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho), do Công ty cổ phần Vincom Retail đầu tư, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 9-2020; dự án Central Plaza Mỹ Tho do Công ty Xăng dầu Thiên Hộ làm chủ đầu tư; dự án công trình phức hợp - thương mại, dịch vụ thuộc Quảng trường Trung tâm tỉnh Tiền Giang... |
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, đã tạo tiền đề, cơ sở nền tảng và điều kiện để giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về kinh phí đầu tư, nguồn nhân lực du lịch... và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, tạo động lực thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang phát triển bền vững. Chính Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy đã tạo cú hích quan trọng, giúp ngành Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng một cách bền vững, giúp Tiền Giang đón 2,1 triệu lượt khách trong năm 2019 và dự kiến đạt 3,1 triệu lượt khách vào năm 2025.
Nhìn một cách tổng thể, du lịch Tiền Giang không chỉ có bước chuyển mình đáng kể thông qua việc thu hút đầu tư, liên kết các tour tuyến, đa dạng hóa sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch..., mà còn không ngừng nâng cao hiệu quả việc thực hiện thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch với: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp với TP. Hồ Chí Minh), chương trình liên kết du lịch cụm phía Đông các tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang - Long An - Bến Tre - Trà Vinh - Vĩnh Long - Đồng Tháp) để xây dựng các tour, tuyến và phát triển sản phẩm du lịch liên vùng.
TẬN DỤNG DƯ ĐỊA
Dư địa phát triển du lịch Tiền Giang hiện còn rất lớn và là một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với quyết tâm thay đổi hình ảnh du lịch Tiền Giang, tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển cả 4 trung tâm du lịch chính: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Theo đó, ngành Du lịch Tiền Giang đã và đang tập trung phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển du lịch Tiền Giang cho chặng đường sắp tới.
Kết qủa rõ nét nhất là, một số dự án trọng điểm về du lịch đã được các nhà đầu tư triển khai, nhất là sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức vào năm 2018: Dự án khách sạn Mekong theo chuẩn 3 sao (đường 30-4, phường 1, TP. Mỹ Tho), với vốn đầu tư 78 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thương mại Mỹ Tho làm chủ đầu tư, đang thi công xây dựng; Dự án Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho (đường 30-4, phường 1, TP. Mỹ Tho), đạt tiêu chuẩn 4 sao (20 tầng), diện tích 1.747 m2, với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, do Công ty TNHH Central Plaza Mỹ Tho Thiên Hộ làm chủ đầu tư, đang tiến hành xây dựng, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào quý II-2021; Dự án Cảng du thuyền (tại bờ kè sông Tiền), do Liên danh Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho và Công ty TNHH Ngọc An Nguyên đầu tư xây dựng, với diện tích 10.483 m2, vốn đầu tư 665 tỷ đồng, đang được triển khai xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2020; Dự án Khu du lịch - Nhà hàng - Khách sạn MeKong Paradise (đường Bờ kè Sông Tiền, TP. Mỹ Tho) do Công ty TNHH The Reserve MeKong làm chủ đầu tư, tổng diện tích đất và mặt nước sử dụng 8.376 m2;
Các sở, ngành, địa phương còn triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, hiện đang kết nối với chợ lúa gạo Bà Đắc để khai thác và làm phong phú tour du lịch chợ nổi Cái Bè; mở rộng Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn với phát triển du lịch, kết nối các điểm du lịch nội vùng...
Ngoài ra, các dự án như: Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Gò Công (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) với tổng diện tích gần 3 ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng, do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng G.C Phi Long làm chủ đầu tư; Dự án đầu tư Khu du lịch Sinh thái - Nghỉ dưỡng Ốc Đảo (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), với diện tích 157.000 m2, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, do Công ty TNHH Thanh Nhàn Tourist làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng kè chống sạt lở Khu du lịch biển Tân Thành... đã và đang được triển khai thực hiện... Chưa bao giờ ngành Du lịch đón nhiều nhà đầu tư như thế. Điều này không chỉ nhờ vào vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, mà còn được khơi nguồn từ việc kiến tạo môi trường đầu tư của tỉnh.
Như vậy, nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến nay, ngành Du lịch Tiền Giang, cùng với nông nghiệp, công nghiệp… đã tạo nên những bước tiến thần kỳ cho kinh tế Tiền Giang.
ANH PHƯƠNG