Ngoảnh lại nhìn, mới đó 45 năm!
KÝ ỨC 30-4-1975
Tình hình chiến sự ngày một căng thẳng, ba tôi trở về dắt mẹ và anh chị em tôi về quê nội tản cư, bởi nhà trong khu gia binh, gần trung tâm quận lỵ sợ không an toàn trong những ngày sắp tới. Về nội nhưng tình hình cũng không mấy an ninh, xung quanh nhà lính sư đoàn 7 bộ binh của ngụy đã đóng chốt suốt, bên kia con kinh trước nhà vẫn thường diễn ra “đụng nhau”.
Ngày ấy, tôi và mấy thằng em chú bác cũng tản cư về đây, chỉ trên dưới 10 tuổi chưa biết gì về sự tàn khốc của chiến tranh, nghe súng nổ là chạy ra trước nhà nhìn qua bên kia kinh để xem xe tăng, mặc cho tiếng la của người thân. Đó là những ngày căng thẳng.
Trong ký ức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in những đêm bà nội giục xuống hầm tránh đạn; giấc ngủ chập chờn hoảng hốt trong căn hầm dưới lòng đất ẩm thấp, âm u đầy bí hiểm.
Trường Tiểu học Tân Hội Đông nay đã đạt trường chuẩn quốc gia. |
Rồi ngày ấy đến! Đó là một trưa đầu hè khá oi bức, nghe qua đài phát thanh thông báo “Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng....” thôn xóm đều hò reo. Trong nhận thức trẻ con, tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của thời khắc thiêng liêng ấy. Lúc đó, ông nội tôi rất vui, ông ngồi rít thuốc, uống trà miệng khề khà bảo: “Hòa bình rồi! Hòa bình rồi!...”.
Hòa bình với tôi ngày ấy là được tự do chạy ra vườn vui chơi, không còn thấy gương mặt hầm hừ sát khí của những tên lính sư đoàn 7 dưới công sự quanh nhà; là được về nhà và trở lại trường. Sau này tôi mới hiểu hết ý nghĩa, niềm vui của ông nội tôi ngày đó, khi ông bắt tay các anh giải phóng quân đang băng qua cánh đồng sau nhà về tiếp quản chính quyền.
Những ngày sau giải phóng là khoảng thời gian tuyệt vời, nhà nội tôi và các nhà trong xóm bờ kinh đều có bộ đội đóng quân, dạy cho bọn nhóc chúng tôi nhiều bài hát cách mạng. Những bài ca giải phóng hào hùng ngày ấy như: Giải phóng miền Nam, Bão nổi lên rồi, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Tiến về Sài Gòn... đã theo tôi đến tận hôm nay.
Và những câu chuyện các anh bộ đội kể về các Anh hùng: Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... là những bài học cách mạng vỡ lòng sâu đậm, vô cùng quý giá trong nhận thức, quan điểm của tôi về lý tưởng sống, về tình yêu quê hương, đất nước.
VÀ 45 NĂM SAU...
Cuối năm 2015, trở về quê nội - xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang dự lễ ra mắt xã nông thôn mới, lòng tôi ngập tràn cảm xúc. Ngồi nghe tiếng trống múa lân rộn ràng trong ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia, tôi miên man nhớ tiếng trống của ngôi trường làng ẩm thấp ngày nào.
Chợ Cổ Chi - ngôi chợ rêu phong, cũ kỹ có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, nay đã là công viên văn hóa xinh tươi, làm cho khu phố của xã Tân Hội Đông “xôm tụ” hơn, đúng với nghĩa “khu phố” của nó.
Tôi nhớ trận lụt năm 1978, nước tràn về tận chợ Cổ Chi, cả xã chìm trong biển nước. Đó là những ngày ngồi trên ván giữa nhà nội câu cá; là những bữa ăn cơm độn với khoai lang; là những ngày ra ruộng tát nước diệt rầy nâu bằng… dầu hôi, dầu nhớt.
Tôi nhớ những con đường đất trơn trợt ngày mưa dẫn tụi tôi lên chợ, ra ruộng, giăng câu; nhớ những buổi tối âm u leo lét ngọn đèn dầu, chỉ biết ngồi quây quần bên nhau với cây đàn vọng cổ…
Tất cả hình ảnh đó giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Quê hương đổi mới, khác xưa nhiều lắm. Hệ thống giao thông trong và ngoài xã đều đã nhựa hóa kết nối liên hoàn; điện, nước, điện thoại, internet đã vươn ra tận cánh đồng xa.
Bà con quê tôi giờ đây đi thăm ruộng bằng xe máy, lúc giải lao có thể lướt web trên smartphone để cập nhật tin tức thời sự - một chuyện mà ngày xưa dẫu có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến.
Tỉnh lộ 866 - con đường “lá đỏ” gió cuốn bụi mịt mù, lởm chởm ngày nào, nay đã láng nhựa thênh thang, sáng sáng, chiều chiều tấp nập xe chở công nhân ra vào Khu công nghiệp Tân Hương và Khu công nghiệp Long Giang. Quê hương khởi sắc thật rồi!
Hình ảnh đó của xã Tân Hội Đông và các xã lân cận kiến họ Tân của huyện Châu Thành (Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Tân Hương...) là điển hình cho bộ mặt nông thôn Tiền Giang ngày nay: Chuyển mình đi lên, thay da đổi thịt sau 45 năm giải phóng. Trên con đường tác nghiệp của mình, tôi đã thấy nhiều sự đổi thay như thế từ thành phố, thị tứ đến những vùng nông thôn sâu; tuy nhiên, khởi sắc rõ nhất là sự chuyển mình của những vùng quê.
Đặc biệt là, qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn nhiều vùng càng thay đổi rõ nét hơn, đường sá, cầu cống, điện, trường học, nhà cửa người dân tất cả đều thay đổi đến khó nhận ra.
Đến nay Tiền Giang là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (97 xã), từ đó đời sống, kinh tế, nhà ở của người dân nông thôn khá nhiều hơn trước.
Đặc biệt là, thành quả trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông 45 năm qua đã làm khởi sắc vùng đất khắc nghiệt như Đồng Tháp Mười qua việc hình thành huyện mới Tân Phước (năm 1994) và vùng 6 xã cù lao Lợi Quan phía Đông hình thành tiếp “huyện đảo” Tân Phú Đông (năm 2008), rồi thành lập mới TX. Cai Lậy (năm 2013); đồng thời, mở rộng, nâng chất TP. Mỹ Tho đạt đô thị loại 1…
Đi, nghe, thấy và cảm nhận. Sau 45 năm thống nhất đất nước, 34 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang tự hào đã đồng lòng, chung sức vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, gặt hái thành công trên con đường xây dựng quê hương, đóng góp đáng kể vào thành quả chung của cả nước.
Hiện Tiền Giang đã vươn lên nhóm đầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều kết quả nổi bật trong xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, dân vận chính quyền...
Những ngày tháng 4 lịch sử, nhớ về quá khứ để tự hào với những thành quả hôm nay và kỳ vọng thêm vào tương lai tươi sáng của tỉnh.
Đứng ở cột mốc 45 năm sau ngày thống nhất đất nước nhìn về tương lai, trước vị thế ngày càng tăng của đất nước, trước những dư địa phát triển của tỉnh nhà, chúng ta tin tưởng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nhà sẽ đạt những kết quả khả quan, sớm đưa Tiền Giang bứt phá, vươn lên gia nhập nhóm phát triển toàn diện trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
DUY SƠN