Thứ Ba, 26/05/2020, 07:14 (GMT+7)
.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang:

Đóng góp ý kiến đối với 2 dự án luật

 (ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 25-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến đối với 2 dự án luật gồm: Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

* Đối với dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đối với dự án luật này.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đại biểu Tạ Minh Tâm, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đóng góp thêm một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật.

Cụ thể, về trách nhiệm của Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải, đối thoại và của hòa giải viên, đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, để khẳng định vai trò của Thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại trong cơ chế pháp lý mới, theo đại biểu thì cần bổ sung vào chương 1 những quy chung. Bên cạnh Điều 7 quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại, một điều luật quy định rõ về nhiệm vụ thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại; về vai trò, về nguvên tắc thực hiện nhiệm vụ, cũng như quy định trách nhiệm của chủ thể này, làm cơ sở quy định một cách hệ thống các quy định cụ thể ở những chương sau. Ngoài ra. kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ các cụm từ chỉ Thẩm phán trong công tác hòa giải, đối thoại thể hiện ở các điều luật.

: Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến
Đại biểu Tạ Minh Tâm đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến.

Cụ thể như: "Thẩm phán phụ trách công tác hòa giải, đối thoại”, Điều 15 "Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại; Điều 18 “Thẩm phán được phân công hòa giải, đối thoại”; Điều 28 "Thẩm phán tham gia phiên họp; Điều 30 "Thẩm phán ra quyết định”; Điều 34... nhằm tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, thực thi sau khi luật có hiệu lực.

Đối với hòa giải viên, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị:

Như dự thảo luật đã thể hiện, thiết chế hòa giải viên có vị trí pháp lý nhất định, được cơ quan Tư pháp bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, thực thi nhiệm vụ mang tính chất công theo quy định pháp luật, được hưởng thù lao từ ngân sách nhà nước. Kết quả thực thi nhiệm vụ là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền công nhận giá trị pháp lý, có hiệu lực thi hành ngay. Và hành lang pháp lý như trên nhằm bảo đảm luật hóa một trọng trách hết sức quan trọng mà xã hội phân công cho đội ngũ hòa giải viên như thể hiện tại Tờ trình dự án luật của Tòa án nhân dân Tối cao tại Kỳ họp 8. Góp phần đảm bảo thực hiện nhiệm vụ này, tôi kiến nghị tại khoản 7 Điều 3 về Nguyên tắc hòa giải, đối thoại cần bổ sung nội dung trách nhiệm hòa giải viên phải “Công bằng, vô tư, khách quan” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Về trách nhiệm của hòa giải viên, đại biểu Tạ Minh Tâm thống nhất quan điểm Báo cáo giải trình, tiếp thu về việc “Hòa giải viên do các bên lựa chọn để tiến hành hòa giải, đối thoại. Kết quả hòa giải, đối thoại cụ thể thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên đương sự và do các bên đương sự quvết định. Do đó, hòa giải viên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả hòa giải, đối thoại.

Tuy nhiên, nếu hòa giải viên không tuân thủ các nguyên tắc hòa giải, đối thoại; không thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của mình như đang thể hiện tại Điều 14; không từ chối hòa giải, đối thoại như yêu cầu tại khoản la Điều 16 mà không bị phát hiện, vẫn được chỉ định tiến hành công việc… sẽ gây tác động tiêu cực đến quá trình giải quyết vụ việc, ảnh hưởng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan, của xã hội. Do đó, theo đại biểu Tạ Minh Tâm, quy định trách nhiệm của hòa giải viên trong tuân thủ pháp luật về hòa giải, đối thoại là cần thiết. Kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định buộc hòa giải viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, kể cả trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm ban hành và cơ chế tổ chức thực hiện Quy tắc, đạo đức ứng xử của hòa giải viên. Nếu không thể hiện cụ thể trong luật thì phân công nhiệm vụ cho cơ quan có thẩm quyền triển khai sau khi luật được ban hành. Quy tắc đạo đức, ứng xử là cơ sở để hòa giải viên rèn luyện, tu dưỡng trong hoạt động được phân công, cũng là cơ sở để xã hội giám sát cũng như để cơ quan có trách nhiệm có thể đánh giá một cách khách quan kết quả hoạt động của hòa giải viên trong quá trình xem xét tái phân công trách nhiệm ở nhiệm kỳ tiếp theo...

* Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tham gia thảo luận dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đóng góp thêm một số ý kiến góp phần hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, cụ thể như sau:

Về bố cục của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hải có 2 ý kiến:

Một là, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung giải thích từ ngữ đối với cụm từ “thanh niên có tài năng” để hiểu đúng, thống nhất giữa các địa phương trong vấn đề này. Bởi, thời gian qua, việc xây dựng và ban hành các chính sách trọng dụng nhân tài ở nhiều địa phương có sự khác nhau, cách làm ở các địa phương về “thu hút nhân tài” cũng không giống nhau. Bộ Nội vụ đã có thanh tra, rút kinh nghiệm tại một vài địa phương, gây thiệt thòi cho những người được thực hiện chính sách nói riêng, cũng như của địa phương nói chung về vấn đề này. Vì khi quyết định chọn về công tác tại địa phương là người đó đã bỏ qua các cơ hội công tác ở những nơi khác, chưa tính đến điều kiện làm việc, đãi ngộ và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho họ.

Dẫu biết rằng tùy điều kiện nguồn lực của mỗi địa phương khác nhau mà chính sách ban hành ra sẽ không giống nhau, nhưng trên hết, việc hiểu đúng, trúng về khái niệm “thanh niên có tài năng là rất quan trọng, cần có một chuẩn mực tiêu chuẩn chung cho hầu hết các địa phương và có thể có một vài ngoại lệ đối với những nơi có điều kiện kinh tế - xà hội khó khăn. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với thanh niên có tài năng là một việc làm rất quan trọng trong mọi thời kỳ, chứ không riêng gì ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chính sách cần được ban hành và thực thi một cách thống nhất, hợp lý, đúng pháp luật để tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Hai là, qua rà soát tôi nhận thấy, dự thảo luật cũng có nhiều nội dung giải thích từ ngữ nằm rải rác tại các điều luật như: Khoản 1 Điều 27; khoản 1 Điều 28; khoản 1, khoản 2, Điều 29. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung vào Chương I về những quy định chung, Điều luật quy định về Giải thích từ ngữ nhằm tập hợp các nội dung quy định mang ý nghĩa giải thích từ ngừ về lại tại điều này, để người đọc dễ hiểu, dễ theo dõi; đồng thời, thiết kế như vậy cũng phù hợp với bố cục thông thường của một dự thảo luật như hầu hết các luật khác mà Quốc hội đã ban hành trước đây.

Quang cảnh tại điểm  cầu tỉnh Tiền Giang
Đoàn Đại biểu Quốc hội tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang dự họp Quốc hội trực tuyến.

Về độ tuổi thanh niên (tại Điều 1)

Đại biểu thống nhất với dự thảo luật, theo đó quy định độ tuổi thanh niên từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Trên thực tế, quy định như vậy chính là giữ nguyên tính ổn định của độ tuổi thanh niên như Luật Thanh niên hiện hành. Hơn nữa, qua thực tiễn thi hành Luật Thanh niên hiện hành cho thấy độ tuổi này phù hợp với giai đoạn phát triển tâm, sinh lý của thanh niên nước ta, và đây là giai đoạn mà mỗi người đều có nhiều nhiệt huyết nhất, với mong ước khám phá, dấn thân, phụng sự, cống hiến cho Tổ quốc và cho những gì mình tin tưởng. Trên hết, độ tuổi này cũng phù hợp với độ tuổi trẻ em theo Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016.

Về trách nhiệm của thanh niên đối với gia đình (tại Điều 14)

Tại khoản 2 điều này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung từ “hiếu thảo” vào sau từ “kính trọng” nhằm nhấn mạnh trách nhiệm của thanh niên trong gia đình không chỉ ở sự kính trọng ông bà, cha mẹ, mà còn phải hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, giúp giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này của ông cha ta từ ngàn xưa; đồng thời, góp phần xây dựng đạo đức nhân cách con người Việt Nam trong giới trẻ hiện nay.

Về điều khoản thi hành (Chương VII)

Qua rà soát đại biểu nhận thấy, dự án luật có 3 khoản quy định sẽ được Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể: Khoản 5 Điều 22; Khoản 3 Điều 23 và Khoản 8 Điều 26. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết các điều luật được giao trong luật này vào sau Điều 41 để quy định được đầy đủ, chặt chẽ, thống nhất về bố cục trình bày như một số dự án luật đã được thông qua trước đây như Luật Đất đai năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết phù hợp với quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về văn bản quy định chi tiết.

HOÀI THU (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.