Họp trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nội dung chương trình kỳ họp
(ABO) Chương trình nghị sự tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV có nhiều nội dung quan trọng, tập trung vào các vấn đề “nóng” đại biểu và cử tri quan tâm. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, QH đã nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh thực tiễn, đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc phỏng vấn Phó Trưởng Đoàn Đại biểu QH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải.
* PV: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, QH đã triệu tập Kỳ họp thứ 9 theo hình thức mới, cử tri rất quan tâm đến vấn đề này, đồng chí có thể thông tin thêm về kỳ họp lần này?
* Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Dịch Covid-19 trong nước đã có nhiều diễn biến tích cực, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, đòi hỏi chúng ta cần thận trọng hơn nữa, tránh chủ quan, lơ là. Do vậy, QH đã quyết định tổ chức Kỳ họp thứ 9 lần này thành 2 đợt với 2 hình thức tổ chức họp khác nhau.
Cụ thể: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà QH đến 63 Đoàn Đại biểu QH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20 đến 29-5. Đợt 2, QH họp tập trung tại Nhà QH từ ngày 8 đến 18-6.
Trong đợt 1, QH nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. QH nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 của Ban Dân nguyện...
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải |
QH cũng sẽ thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)…
QH nghe tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị QH phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cùng các báo cáo có liên quan…; xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, QH sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể, nhưng đại biểu QH vẫn được thực hiện quyền chất vấn bằng văn bản đối với các bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Ngoài ra, QH sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác nhân sự. Hình thức họp trực tuyến là nét mới, thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động của QH, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp QH theo đúng quy định của pháp luật.
* PV: Đoàn Đại biểu QH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị như thế nào để tham gia kỳ họp này đạt kết quả cao nhất, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Do tính chất họp QH kéo dài, phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước nên khi được lệnh triệu tập họp trực tuyến, Đoàn Đại biểu QH tỉnh đã chỉ đạo bộ phận Văn phòng chủ động phối hợp với Văn phòng Quốc hội và đơn vị cung cấp hệ thống trực tuyến Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật có liên quan, nhất là trong vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, các đại biểu QH tỉnh nghiên cứu chuẩn bị các nội dung có liên quan đến kỳ họp lần này để chủ động tham gia phát biểu ý kiến, đóng góp đối với các nội dung cụ thể được trình tại kỳ họp. Ngoài ra, các đại biểu QH tỉnh đều chủ động sử dụng các phần mềm trên thiết bị công nghệ thông tin riêng của mình, được Văn phòng Quốc hội hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng và thao tác để kết nối, tải dữ liệu và nghiên cứu tài liệu trực tiếp trên thiết bị. Tôi nghĩ rằng trong điều kiện chống dịch bệnh như hiện nay, việc kết hợp hai hình thức họp như trên để tổ chức kỳ họp là giải pháp tối ưu để Quốc hội vừa đảm bảo thời gian, tiết kiệm chi phí, vừa xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của QH.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang phiên khai mạc |
* PV: Như đồng chí đã nói, tại kỳ họp này, QH sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể đối với các bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Theo đồng chí, việc không chất vấn trực tiếp tại nghị trường có đảm bảo tính khách quan, dân chủ và liệu người được chất vấn có trả lời và giữ đúng lời hứa với cử tri?
* Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Tôi cho rằng việc đại biểu QH chất vấn tại phiên toàn thể hay chất vấn qua văn bản đều có tác dụng như nhau, điều quan trọng là trách nhiệm trả lời của các bộ, ngành. Và điều quan trọng nữa là trách nhiệm của đại biểu QH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin đến cử tri một cách đầy đủ, kịp thời để cử tri theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành cũng như hiệu quả của việc chất vấn từ các đại biểu QH.
Trải qua nhiều kỳ họp QH cho thấy, tất cả các vấn đề đại biểu QH cũng như cử tri gửi đến chất vấn đều được các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời cụ thể trực tiếp hoặc gửi văn bản về Đoàn Đại biểu QH của từng đơn vị địa phương. Cử tri luôn mong chờ vào những quyết sách quan trọng được thảo luận và quyết định tại các kỳ họp. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ Trung ương và địa phương, tôi tin tưởng Kỳ họp thứ 9 sẽ thành công tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
HOÀI THU (thực hiện)