.

Tiền Giang kiên cường vượt qua cơn hạn, mặn lịch sử

Cập nhật: 11:18, 25/05/2020 (GMT+7)

Những cơn mưa vừa qua báo hiệu đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019 - 2020 về cơ bản được chấm dứt, người người phấn khởi khi cây trái vẫn xanh tốt, điều mà trước kia có người không dám nghĩ đến.

Đợt hạn, mặn vừa qua nồng độ mặn cao, diễn biến khó lường và hết sức khốc liệt, chưa từng xảy ra trong lịch sử, lấn sâu đến vùng đất Cái Bè vốn nước ngọt quanh năm và duy trì lâu hơn đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016, đe dọa đến sản xuất vụ lúa đông xuân của Dự án Ngọt hóa Gò Công và vườn cây ăn trái của các huyện, thị phía Tây của tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt cho 2 Nhà máy nước Bình Đức và Đồng Tâm.

Trong bối cảnh khắc nghiệt như vậy, cộng thêm việc phải phòng, chống đại dịch Covid-19, vậy mà đến nay chúng ta đã kiên cường vượt qua hạn, mặn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Cụ thể là, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 ở vùng Ngọt hóa Gò Công, bảo vệ được vườn cây ăn trái đặc sản ở các huyện, thị phía Tây, vùng cây ăn trái đặc sản hệ Bảo Định và đặc biệt là không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân.

Để đạt được kết quả trên, đó là nhờ có sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của Trung ương, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà trong công tác phòng, chống, ứng phó xâm nhập mặn.

Công tác thông tin tuyên truyền đã thực hiện tốt nên ý thức của người dân trong phòng, chống hạn, mặn đã được nâng lên. Công tác dự báo xâm nhập mặn của các cơ quan chuyên môn ngành Khí tượng Thủy văn về tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 là rất kịp thời, giúp tỉnh có sự chuẩn bị các phương án phòng, chống, ứng phó ngay từ rất sớm.

Các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh đã có sự chuẩn bị và thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, mặn từ khâu lập kế hoạch, xây dựng phương án đến thực hiện nên đã chủ động đối phó trong trường hợp bất lợi có thể xảy ra. Có sự phân công, phân cấp trong thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn giữa các ngành, các cấp đã tạo được sự chủ động trong thực hiện kế hoạch.

Có sự phối kết hợp và hỗ trợ tích cực của tỉnh Long An trong việc đắp 6 đập trên Quốc lộ 62 kịp thời đã hạn chế tối đa mặn xâm nhập từ sông Vàm Cỏ Tây.

Đồng thời, chủ động, linh hoạt giải quyết nhanh, kịp thời, hiệu quả các tình huống không có trong Phương án ứng phó khẩn cấp phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức trạm bơm dã chiến trên kinh Đìa Xanh, đầu kinh N8, đầu kinh Rạch Lớn, đầu kinh Salicette, trên kinh 14 để bơm vét lượng nước trên kinh trục chính cứu diện tích lúa ở các khu vực khó khăn, cuối nguồn vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công. Đắp đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành và các đập khác để ngăn mặn xâm nhập vào vùng Dự án Bảo Định bảo vệ nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho các huyện, thị phía Đông. Đặc biệt là đã ban hành phương án vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cho sầu riêng và cây ăn trái khác.

Từ sự thành công ngoạn mục trong phòng, chống đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019 - 2020, nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra để ứng phó với các đợt hạn, mặn ở các năm kế tiếp có thể xảy ra trước tác động của biến đổi khí hậu khôn lường, trong đó có bài học phải chủ động, linh hoạt giải quyết nhanh, kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống hạn, mặn.

Và qua công tác phòng, chống hạn, mặn vừa qua đã hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống phòng, chống hạn, mặn hoàn chỉnh ở tỉnh ta bằng cách lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Văn Tiếp vượt kinh Chợ Gạo kết nối với kinh Xuân Hòa cung cấp cho vùng phía Đông.

NHƯ NGỌC

.
.
.