.

Bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân

Cập nhật: 15:42, 23/05/2020 (GMT+7)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trong đó dự kiến bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân.
 
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng một chương III - Nơi cư trú) và tăng một điều so với Luật Cư trú hiện hành, trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều; trong đó có 2 nhóm chính sách, gồm nhóm chính sách về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,
 
Cơ sở dữ liệu về cư trú; hai là, nhóm chính sách về quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
 
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
 
Đồng thời, việc sửa đổi, ban hành dự án luật cũng nhằm khắc phục một số bất cập trong pháp luật hiện hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú phù hợp chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó có một số quy định mới được ban hành có liên quan đến đơn giản hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện công tác bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân.
 
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử, học tập, làm việc, sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Quản lý cư trú có liên quan trực tiếp đến những quyền này.
 
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Cư trú là  để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt khi ban hành Hiến pháp 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.
 
Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
 
Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ về đối tượng áp dụng của Luật chỉ gồm công dân Việt Nam hay mở rộng cả đối với “người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài” (điểm b khoản 2 Điều 22) để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và không chồng lấn với đối tượng áp dụng của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 
Một vấn đề lớn được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề cập đó là nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Để bảo đảm tính khả thi của Luật thì đến thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, các cơ sở dữ liệu này phải được xây dựng xong đồng bộ, đưa vào vận hành và bảo đảm kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, kết nối và chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan cũng như với các cơ quan, tổ chức đang được giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
 
Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Theo Báo cáo của Bộ Công an, dự kiến tháng 6/2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành. Tuy vậy, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu có liên quan mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng; đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ.
 
Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.
 
Khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (như về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…) vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật.
 
Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước./.
 
(Theo chinhphu.vn)
.
.
.