Thứ Tư, 03/06/2020, 09:38 (GMT+7)
.

BÁO CÁO CHÍNH TRỊ (TÓM TẮT) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh

CHỦ ĐỀ ĐẠI HỘI

1- Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sáng tạo; nâng cao niềm tin trong Nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; nâng cao niềm tin của Nhân dân; đổi mới, sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

3- Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; đổi mới, sáng tạo; nâng cao niềm tin của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.

Phần thứ nhất
KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH

A- PHẦN MỞ ĐẦU

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh ủy tuy có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng với sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự quyết liệt trong điều hành của các cấp chính quyền và sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; sự nỗ lực phấn đấu của từng tổ chức, của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí lão thành cách mạng, của Nhân dân nên hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết đại hội đề ra,...

B- KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO TRÊN CÁC LĨNH VỰC

I- PHÁT TRIỂN KINH TẾ

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm (Nghị quyết 8,5 - 9,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.488 USD (Nghị quyết 66,3 - 69,3 triệu đồng, tương đương 2.606 - 2.727 USD). Cơ cấu kinh tế năm 2020: Khu vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37,1% (Nghị quyết 31,3% - 32,7%); khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,8% (Nghị quyết 32,3 - 33,6%); khu vực dịch vụ chiếm 35,1% (Nghị quyết 34,9 - 35,1%).  Đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 80 nghìn ha (tăng 10,5 nghìn ha). Giai đoạn 2016 - 2020 có 108 xã nông thôn mới, là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có 2 huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Đến nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 71% diện tích. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 68 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%/năm (Nghị quyết 3,4 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 02 tỷ USD, tăng bình quân là 12,4%/năm (Nghị quyết 2 tỷ USD). Đến năm 2020, đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch. Mật độ điện thoại cố định bình quân đạt 4,52 thuê bao/100 dân; điện thoại di động bình quân đạt 108 thuê bao/100 dân và Internet bình quân đạt 71,3 thuê bao/100 dân.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so tổng GRDP của tỉnh (Nghị quyết 169.790 - 188.300 tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 3.340 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 5 ngàn doanh nghiệp), trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Toàn tỉnh có 200 hợp tác xã đang hoạt động và 125/143 xã có hợp tác xã. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 11.665 tỷ đồng (Nghị quyết 9.116 tỷ đồng); giai đoạn 2016 - 2020 là 45.799,2 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm (Nghị quyết 11,1%/năm). Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 đạt 13.761,6 tỷ đồng (Nghị quyết 13 nghìn tỷ đồng); giai đoạn 2016 - 2020 đạt 64.983 tỷ đồng (Nghị quyết 58.114 tỷ đồng), tăng bình quân 7,3%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển 20.272,8 tỷ đồng (Nghị quyết 17.050 tỷ đồng).

Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 100%,  đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị đạt 99%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 90% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, 80% dân số nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

II- PHÁT TRIỂN VĂN HÓA,  GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đến năm 2020, số người tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35% dân số. Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông được đầu tư xây dựng rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Các trường đại học, cao đẳng và trung cấp thường xuyên triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm theo đúng kế hoạch. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới,…

III- CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 51%, đã kéo giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; hàng năm tạo việc làm trên 20 nghìn người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn tiếp cận đa chiều được kéo giảm xuống còn 2,51%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra dưới 3%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% và 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế xã; tỷ lệ xử lý nước thải y tế đạt 100% .

IV- QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất và đúng quy định của Nhà nước. Công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản từng bước đi vào nền nếp. Các chỉ tiêu về môi trường, nhất là tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, thị trấn, thị tứ và ở các vùng nông thôn đã cơ bản thực hiện đạt.

V- CÔNG TÁC NỘI CHÍNH, CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Các cơ quan tư pháp tích cực, chủ động và nâng cao hiệu quả phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, kịp thời phát hiện, đưa ra xử lý nhanh các vụ án trọng điểm, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Đã phát hiện và khởi tố, xử lý 5.301 vụ, 3.975 bị can, đạt 75%. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả cao, đã tiếp 25.928 lượt với 28.838 người, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 97,1% (752/774). Trong nhiệm kỳ đã phát hiện, khởi tố xử lý 11 vụ/13 bị can tham nhũng.

VI - QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI

Lực lượng vũ trang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ thực hiện đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, đúng luật, chỉ tiêu hàng năm đạt 100%. Công tác huấn luyện cho các đối tượng đảm bảo quân số, đủ thời gian, nội dung, bám sát phương châm“Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và yêu cầu nhanh, mạnh, chính xác. Hoàn thành tốt chỉ tiêu diễn tập hàng năm và diễn tập nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Công tác biên phòng được củng cố và tăng cường; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được phát huy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy đạt kết quả tốt, có mặt được kiềm chế, kéo giảm, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng hiệp đồng chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ, ứng phó biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn... Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, quan hệ ngoại giao, hợp tác với địa phương các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để hợp tác cùng phát triển.

VII- XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu và tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác đề ra; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phúc đáp kịp thời. Hoạt động giám sát luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết của cấp ủy, của Hội đồng nhân dân. Công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả tích cực; đã tổ chức gặp gỡ nhân dân 172/172 xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân.

VIII- CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác tư tưởng được xem là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, là giải pháp quan trọng ngăn ngừa và “chống” biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm bắt tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện thường xuyên; tổ chức tốt điều tra xã hội học để phục vụ công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và lực lượng cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội luôn được kiện toàn và hoạt động hiệu quả.

Các cấp ủy đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo; phân định rõ nhiệm vụ của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quán triệt Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện nhất quán, đồng bộ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế làm việc; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về xây dựng nông thôn mới; trách nhiệm nêu gương; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kê khai và minh bạch tài sản,...

C- ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được và nguyên nhân

1.1. Kết quả nổi bật: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X của tỉnh đạt được nhiều thành quả quan trọng, có 15/18 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu Nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được cải tiến, nâng lên; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao,... góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

1.2. Nguyên nhân: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh thành chương trình, kế hoạch phù hợp, khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đoàn kết, trách nhiệm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Khó khăn, hạn chế: Tình hình hạn, mặn xâm thực khu vực đê biển, sạt lở bờ sông, kênh rạch xảy ra nghiêm trọng ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ; bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi; dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Một số cơ quan, tổ chức chưa đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành công tác dân vận; các phong trào, cuộc vận động có nơi, có lĩnh vực còn dàn trải hình thức, thiếu sức thuyết phục. Công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên còn những hạn chế nhất định. Công tác kiểm tra có lúc có nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm,...

2.2. Nguyên nhân hạn chế: Khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp; tần suất thiên tai ngày càng dày đã gây thiệt hại cho sản xuất và thu nhập của nông dân; Tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế chậm được sửa đổi, bổ sung nên còn khó khăn trong việc xác định số lượng đầu mối bên trong, biên chế của các cơ quan, đơn vị.

Việc quy hoạch, thu hút khai thác hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn khó khăn, vướng mắc. Phát triển du lịch của tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, của người dân chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, chậm phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện để xảy ra vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Một số kinh nghiệm: Các cấp, các ngành và các địa phương luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

(kỳ sau: Phần thứ hai MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHIỆM KỲ 2020 - 2025)

Góp ý của nhân dân vào DỰ THẢO LẦN 4: BÁO CÁO CHÍNH TRỊ (TÓM TẮT) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh xin gửi về Tòa soạn Báo Ấp Bắc: Số 289, đường Tết Mậu Thân, phường 4, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Điện thoại: 0273.3873119; Fax: 0273.3878329; Email: toasoan@baoapbac.vn.

.
.
.