.

Báo chí cách mạng và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay

Cập nhật: 10:23, 22/06/2020 (GMT+7)

Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân; đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của Nhân dân. 95 năm qua, từ số Báo Thanh Niên đầu tiên ra ngày 21-6-1925 cho đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Phóng viên tác nghiệp ở Co.op Mart Mỹ Tho trong mùa dịch Covid-19.                            Ảnh: m.thành
Phóng viên tác nghiệp ở Co.op Mart Mỹ Tho trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: M.Thành

Đóng góp vào thành tựu chung của báo chí cách mạng cả nước, báo chí tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đã tham gia tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, của cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cơ quan báo chí đã khắc phục những khó khăn về điều kiện, phương tiện kỹ thuật, về nguồn nhân lực, nỗ lực phấn đấu làm tốt vai trò “Tiếng nói của cấp ủy, chính quyền, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân”, thực sự là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển của báo điện tử và mạng xã hội đã làm cho báo chí “truyền thống” gặp không ít khó khăn, lúng túng. Đặc biệt là, do tác động của nhiều yếu tố dẫn đến những biểu hiện đáng lo ngại trong hoạt động báo chí, như: “Vẫn còn tình trạng hoạt động báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu tính định hướng; một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…” (trích Chỉ thị 43 ngày 8-4-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng). Với báo chí tỉnh nhà, tuy thời gian qua chưa xuất hiện những vấn đề nói trên, nhưng cần xem nhận định trên là lời cảnh tỉnh trong quá trình xây dựng và phát triển của báo chí trong quá trình tiến tới tự chủ.

Để báo chí nói chung, báo chí cách mạng nói riêng làm tốt vai trò của mình đối với Đảng, với Tổ quốc, với xã hội, người viết xin mạn phép trích dẫn ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (được nhiều báo thế giới và Việt Nam đăng ngày 21-6-2019): “Ai cũng nói báo chí phải thông tin đúng sự thật, khách quan. Nhưng sự thật đó là sự thật nào? Sự thật nhìn với góc độ nào? Động cơ dụng ý nói ra để làm gì? Có lợi cho ai và có hại cho ai? Nói để xây dựng hay để phá hoại?... Đây là vấn đề mấu chốt, cực kỳ quan trọng và quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của báo chí thật hết sức nặng nề và vẻ vang”.

“Sự bùng nổ thông tin, phát triển kinh tế thị trường đòi hỏi các báo phải cạnh tranh. Cạnh tranh là để phát triển, để thu hút bạn đọc; đó phải là cạnh tranh lành mạnh việc đưa tin nhanh nhất, chính xác, trung thực, khách quan và hấp dẫn nhất, chứ không phải bằng thủ thuật giật gân, câu khách rẻ tiền…”. Báo chí không chỉ thuần túy đưa thông tin, mà phải có phân tích, bình luận, có định hướng để giúp người đọc, người xem, người nghe hiểu rõ cái đúng, cái sai, qua đó mọi người biết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đúng, làm theo cái tốt, cái đẹp, biết ghét thói hư tật xấu và hướng tới những giá trị nhân văn cao cả, vì cuộc sống bình yên, tốt đẹp của mọi người, mọi nhà và cả xã hội.        

THANH HIỀN

.
.
.