Góp ý 3 nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
(ABO) Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung đóng góp, cho ý kiến làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Luật và đóng góp thêm một số nội dung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc làm rõ thêm kết quả thực thi luật trong thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của cử tri, đòi hỏi quản lý các mặt đời sống xã hội hiệu lực, hiệu quả, khi mà lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.
Thống kê cho thấy, có 1 pháp lệnh vào 91 nghị định đang có hiệu lực thực thi, tác động lớn đến các quan hệ xã hội. Theo số liệu của Bộ Tư pháp, từ năm 2014 đến cuối tháng 6-2017 đã xử lý trên 28 triệu vụ (việc), trong tổng số gần 37 triệu vụ (việc) đã phát hiện. Với tầm quan trọng đặc biệt của dự thảo luật như đã nêu, việc hoàn thiện các quy định của luật về xử phạt là yếu tố quan trọng, nhưng việc triển khai, phối hợp, kiểm tra, kiểm soát, sự cương quyết, chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật mới là yếu tố quyết định việc đưa luật vào cuộc sống.
Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế khi luật có hiệu lực, kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm, thời gian qua trong thực thi trách nhiệm đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính, về giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính. Làm rõ thêm những bất cập trong thực thi trách nhiệm của bộ máy thừa hành, trong mối quan hệ công tác, trong sự quyết liệt thực thi công vụ, trong sự kiểm soát, giám sát.
Từ đó, có cơ sở tiếp tục hoàn thiện và thực hiện chặt chẽ các quy định về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Khắc phục triệt để tình trạng đáng quan ngại thể hiện tại Báo cáo tổng kết thi hành luật khi nhìn nhận khó kiểm soát hết các hành vi vi phạm được quy định trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính chuyên ngành, việc xây dựng quy phạm nhiều khi còn theo ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì xây dựng; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ, nhiều thủ tục bất cập và các bất cập khác thể hiện trong phản ánh, kiến nghị của cử tri về sự thiếu cương quyết về tính nghiêm minh của người, cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, về đấu tranh phòng, chống tác hại của ma túy, thống nhất quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính để xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và cơ bản đồng tình với các nội dung Ban soạn thảo đã dự kiến. Việc sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, đây cũng là một nội dung quan trọng trong lần sửa luật này, đáp ứng sự kỳ vọng vào một giải pháp hiệu quả của cử tri.
Để thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tạo ra hành lang pháp lý có hiệu lực chặt chẽ, đủ mạnh để khắc phục những tồn tại mà theo đánh giá là công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, qua đó giải quyết căn cơ các hệ lụy do hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra, kiến nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm kết quả thực thi các quy định của pháp luật hiện hành về hình sự, hành chính và các quy định pháp luật khác về hiệu quả các biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng có liên quan, hiệu quả thực tế của các thiết chế đang triển khai và dự kiến sẽ áp dụng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, giáo dục tại xã (phường, thị trấn), cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng, giáo dục dựa vào cộng đồng, cung cấp thông tin tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện trong thời gian qua.
Thứ ba, về một số nội dung cụ thể về biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ vi phạm: Kiến nghị bổ sung biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ phương tiện vi phạm hành chính.
Về lý luận, thống nhất với thể hiện trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh cấp trên của cấp xã, đội, trạm, đồn, hạt và tương đương quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 2 dự thảo luật: Quy định như dự thảo luật rất dễ dẫn đến lạm quyền, khó kiểm soát. Kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng quy định thẩm quyền tịch thu của mỗi chức danh đối với tang vật, phương tiện tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhưng phải có giới hạn và trong tầm kiểm soát, hạn chế tối đa các điều kiện dẫn đến vi phạm.
Về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 74: Kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ quy định về vấn đề này như tại Điều 74 luật hiện hành, thể hiện yêu cầu của xã hội đối với trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Theo nguyên tắc quy định tại Điều 3, đòi hỏi mỗi vi phạm hành chính phải được ngăn chặn, phát hiện kịp thời, việc xử phạt hành chính được tiến hành nhanh chóng.
MINH NHỰT (tổng hợp)