Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5
Chiều 02-6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Đây là buổi họp báo Chính phủ đầu tiên tiến hành bình thường trở lại như thông lệ thay vì phải thực hiện quy định giãn cách do dịch COVID-19.
Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương và Hà Nội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5-2020 để đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh 46 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm COVID-19 đã ra viện, trong đó có ca rất nặng như bệnh nhân số 19, ngay cả bệnh nhân số 91, phi công người Anh, có nhiều tiến triển. Đó là tin vui đối với chúng ta, nhiều tờ báo lớn của quốc tế đưa tin, đánh giá cao nỗ lực và các giải pháp của chúng ta, khẳng định thành công nổi bật của Việt Nam trong phòng chống COVID-19.
Trong tháng 5-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, vùng KTTĐ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như Nghị quyết số 68 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 và mới đây là Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội vàng rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.
Chính phủ thống nhất đánh giá, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình KTXH tháng 5-2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Một điều đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
Trong tháng 5-2020, có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 14,5% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4,8%.
Khách quốc tế đến nước ta giảm mạnh do chưa mở cửa cho du lịch quốc tế nên lượng khách đến trong tháng chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,7 triệu lượt người, giảm 48,8%.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định. Lãi suất điều hành giảm, chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt, chủ động. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt. Tính đến ngày 20/5, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã sôi động hơn nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thiết lập trạng thái bình thường mới.
Sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm (năng suất lúa đông xuân tăng 0,3 tạ/ha). Đáng chú ý, thời gian qua, chăn nuôi lợn của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tái đàn nhưng giá thịt lợn hiện vẫn ở mức cao mặc dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm là giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề giá thịt heo cao nhưng cũng tránh những thời điểm thịt heo rớt giá, làm tổn hại đến lợi ích người nuôi heo, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phát động tái đàn trên cơ sở khống chế dịch tả lợn châu Phi, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, giống, thức ăn, kết hợp với nhập khẩu để giữ giá thịt heo ổn định.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng mạnh trở lại, do cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30-4-1-5 nên hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân có dấu hiệu tăng khá (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2020 tăng 26,9% so với tháng trước). Đáng chú ý, các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do COVID-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, các trung tâm du lịch lớn đón lượng lớn đông du khách nội địa.
Công tác triển khai hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai tích cực khắp cả nước. Đến nay, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho các đối tượng là 17,5 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm chi trả bảo hiểm thất nghiệp 2.000 tỷ đồng). Nhiều địa phương đã hỗ trợ mở rộng hơn so với Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15.
Cho đến nay, về cơ bản, các đối tượng chính sách, người có công đều đã nhận được hỗ trợ. Nhóm đối tượng là công nhân mất việc làm, tạm nghỉ việc cũng đang được các cơ quan chức năng, địa phương hoàn tất các thủ tục để triển khai hỗ trợ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nghiêm trọng, do dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp, cũng như những khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai, thời tiết cực đoan, đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là trong sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, khách quốc tế, như:
Nhiều ngành sản xuất công nghiệp giảm mạnh do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn (sản xuất xe có động cơ giảm 16,3%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 15,6%; sản xuất đồ uống giảm 14,6%; khai thác dầu thô và khí đốt giảm 12%; sản xuất thiết bị điện giảm 5,2%...). Chỉ số IIP tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và trong nhiều năm qua.
Mặc dù, trong tháng 5 vừa qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng, tình hình sản xuất kinh doanh đã bắt đầu có bước hồi phục; nhưng trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Quan điểm của Chính phủ là: Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; “khó một, chứ khó mười vẫn phải cố gắng vượt qua”, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.
Các thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tập trung thiết lập trạng thái bình thường mới; đồng thời không được chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
PV Thuỳ Ngân (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam): Ví điện tử yêu cầu người sử dụng phải xác thực thông tin. Vì vậy, rất nhiều người tiêu dùng lo lắng rằng thông tin của mình có được đảm bảo không vì đây là ví điện tử. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có thông tin chính thức về vấn đề này.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn bởi bản thân họ đang gặp khó khăn cho dịch bệnh. Các ngân hàng cho biết họ không hạ chuẩn cho vay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng như của Chính phủ ra sao để hài hoà được cả hai bên, doanh nghiệp và ngân hàng?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú: Ngày 7/7 sắp tới là hạn cuối cùng để các chủ ví điện tử hoàn tất việc kê khai xác minh danh tính của mình. Đây là việc sửa đổi lại Thông tư 39 ban hành từ 2014. Lý do phải sửa đổi lại bởi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng ví điện tử.
Trong thời gian vừa qua đã có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng đến an toàn. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính, đến 7/7 này sẽ hết hạn.
Chúng tôi khẳng định các tổ chức có chức năng trung gian thanh toán phải có trách nhiệm bảo toàn thông tin thanh toán cho khách hàng.
Chúng tôi khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ này không nên cung cấp hoặc để lộ, lọt thông tin của mình cho những người không tin tưởng.
Với câu hỏi thứ hai, chúng tôi đã có chỉ đạo trong toàn ngành rất sớm, vào cuộc rất nhanh, quyết liệt trong vấn đề hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân khó khăn trong thời gian dịch bệnh. Không hạ chuẩn tín dụng với nhu cầu vốn hiện nay rất cần cho các doanh nghiệp không hẳn đã là một câu chuyện.
Trước nay, không hạ chuẩn tín dụng trong cho vay là một nguyên tắc của tín dụng. Tín dụng hạ chuẩn đồng nghĩa với nợ xấu và mất an toàn cho từng tổ chức tín dụng cũng như an toàn hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm nguyên tắc an toàn cho hệ thống tín dụng được quy định rất rõ ràng.
Vấn đề thiếu vốn hoặc hỗ trợ một cách tích cực hơn vốn cho các doanh nghiệp, chúng tôi đã ban hành nhiều chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giãn, hoãn các khoản nợ, khoản lãi đến hạn hết năm 2020. NHNN cũng đang xem xét các khó khăn của doanh nghiệp để điều chỉnh thêm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng để giải ngân vốn và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đang có điều kiện và có những dự án hiệu quả thì hỗ trợ vốn đang được thực hiện tích cực. Các doanh nghiệp đang khó khăn, chưa có nhu cầu vay vốn, việc xử lý nợ cũ được giãn, hoãn một cách hợp lý, tích cực hơn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hiện nay với điều kiện được bảo đảm chất lượng tín dụng vẫn được thực hiện song hành. Việc không hạ điều kiện tín dụng không làm ảnh hưởng đến hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân hiện nay.
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
PV Hiếu Công (Zingnews): Vừa qua Bộ Công an đề nghị 5 đại án gồm: Vụ Nhật Cường, Vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; Vụ tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Hiện tiến trình điều tra đến đâu?
Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng không đạt tiến độ, Bộ GTVT chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ GTVT và các cá nhân liên quan tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm. Xin hỏi “hình thức nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm” được thực hiện như thế nào? Bộ GTVT sẽ làm thế nào để thúc đẩy tiến độ dự án thu phí không dừng?
Vừa qua TPHCM có xuất hiện một số quán karaoke mở cửa đón khách trở lại. Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP các quán karaoke đã được phép mở lại chưa?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Liên quan đến 5 đại án kinh tế, đây là chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo Bộ Công an làm dứt điểm từ nay đến cuối năm. Bộ Công an là cơ quan có trách nhiệm xác minh, làm rõ. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng tinh thần mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa ra.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Đây không phải lần đầu tiên vấn đề về dự án thu phí tự động không dừng được các nhà báo quan tâm. Dự án thu phí tự động không dừng thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết số 437 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (tháng 10/2017) và chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến giai đoạn 1 của Dự án chưa đạt tiến độ mà Quốc hội và Chính phủ giao.
Thu phí tự động không dừng là hạng mục rất mới, công nghệ hiện đại trong khi đó cơ chế chưa có, ta vừa làm vừa xây dựng cơ chế trình Thủ tướng Chính phủ. Thêm vào đó, chúng ta chưa nhìn nhận được bao quát tất cả vấn đề phức tạp liên quan, các vấn đề liên ngành như: Vay vốn ngân hàng, kết nối thẻ, gửi tiền trước hay gửi tiền sau…
Về chủ quan, chúng tôi xác định đây là vấn đề về tổ chức thực hiện, là trách nhiệm của Bộ GTVT. Việc phối hợp giữa các nhà đầu tư BOT và nhà tổ chức thu phí VETC còn nhiều khúc mắc về hệ thống, tiêu chuẩn hợp đồng mà Bộ GTVT chưa lường hết.
Thêm nữa là các dự án của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện, mặc dù Bộ GTVT chỉ đạo rất nhiều nhưng VEC đang thiếu nguồn lực để làm, chưa kể giờ VEC đã chuyển sang Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nên việc chỉ đạo của Bộ GTVT bị gián đoạn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phân tích, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút kinh nghiệm những phần liên quan đến chủ quan của mình để tiếp tục chỉ đạo, thúc đẩy nhanh dự án này.
Về cơ chế, chúng tôi cũng đã nghiên cứu những khúc mắc, vấn đề và cách giải quyết, đưa vào dự thảo Quyết định 07 sửa đổi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến dự án này, chi phí liên quan và điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án sang đầu năm 2021.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Hiện vũ trường và quán karaoke chưa có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại bình thường. Theo Chỉ thị 19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa ngay nhưng nới dần dần.
Chúng ta chưa bao giờ có tiền lệ làm như thế này. Thời điểm đỉnh dịch (1/4), mỗi ngày có hơn 10 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, nếu ta làm không tốt có thể bùng phát lây chéo trong cộng đồng. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, đây là biện pháp rất mạnh. Khi thực hiện nới lỏng, ta thực hiện nới lỏng với các dịch vụ thiết yếu.
Còn đối với dịch vụ vũ trường và karaoke hôm nay chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ quan báo chí và báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần là ủng hộ các cơ sở này mở cửa hoạt động trở lại bình thường vì chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh.
PV Trần Vương (Báo Lao động): Vừa qua nở rộ dịch vụ cho vay tiền qua app (ứng dụng trên điện thoại) nhưng phải trả lãi cao, điều này khiến nhiều người vay bị lâm vào cùng cực. Bộ Công an có ý kiến và giải pháp gì về việc này?
Trong các hoạt động chi trả hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 nhiều địa phương có hiện tượng “dê nhầm nhà, gà lạc chuồng”. Xin hỏi việc xử lý các sai phạm thực hiện đến đâu?
Liên quan đến việc đơn vị thầu Dự án đường sắt cao tốc Hà Đông-Cát Linh đề nghị thanh toán thêm 50 triệu USD để vận hành, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải như thế nào?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm, với các thủ đoạn đa dạng, ở hầu hết các địa phương, khu vực, chúng ta phải đấu tranh làm mạnh, đặc biệt lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao.
Thực tế, nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên tín dụng đen mới hoạt động mạnh thế. Đặc biệt, người đi vay tín dụng đen đều ở tình trạng cần tiền gấp, trong đó có cả đối tượng nghiện hút, cờ bạc… Còn những người làm ăn, kinh doanh đa số biết là khó làm được gì có lợi nhuận đủ để bù đắp lại số lãi vay cao như vậy… Do đó, tín dụng đen là loại tội phạm nguy hiểm, mục tiêu đấu tranh của công an.
Chúng tôi đã có cảnh báo các loại tội phạm này trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân tránh rơi vào bẫy tín dụng đen…
Tới đây, Bộ Công an sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 12-CP của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có hoạt động vi phạm liên quan đến tín dụng đen, sẽ có hội nghị có các nội dung cụ thể hơn…
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà: Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ là gói an sinh xã hội chưa có tiền lệ, vì vậy lãnh đạo Bộ đã quán triệt tinh thần của Chính phủ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng trục lợi chính sách.
Trong quá trình triển khai, cá biệt có vài địa phương lập danh sách sai lệch, vi phạm. Chúng tôi qua giám sát, kiểm tra đã sớm phát hiện và xử lý. Ví dụ như vụ việc ở huyện Triệu Thành, Thanh Hoá, đã phải dừng Đại hội Đảng bộ xã, không tái cử Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc không được vào danh sách Ban chấp hành Đảng bộ.
Với tỉnh Hoà Bình, chúng tôi đã có chỉ đạo, UBND tỉnh Hoà Bình cũng đã chỉ đạo UBND huyện Lạc Sơn đình chỉ công tác với công chức lao động-thương binh xã Quý Hoà…
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Đối với dự án này, chúng tôi đã có thông tin gửi tới báo chí.
Việc thực hiện dự án này theo hợp đồng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các bên. Điều khoản thanh toán thuộc về trách nhiệm của Trưởng ban Quản lý dự án Chủ đầu tư. Hiện đã thanh toán tổng thầu 80% giá trị hợp đồng, theo khối lượng, các điều kiện hợp đồng.
Về hoàn thiện các khâu còn lại như chạy thử, chạy tích hợp… theo hợp đồng, chúng tôi đang nỗ lực cùng các cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến cách ly, xin thẩm quyền để cho lực lượng tổng thầu (từ Trung Quốc) sang thực hiện đánh giá lượt cuối toàn hệ thống trước khi đi vào khai thác.
Chúng tôi khẳng định là các việc trên thực hiện theo quy định hợp đồng, các điều khoản thanh toán, xong các nội dung thì nghiệm thu và thanh toán 95%, còn lại 5% bảo hành thông thường như các dự án khác.
Về trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải, chúng tôi sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án huy động các nguồn lực thực hiện, để có người, đối tác giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
PV Như Quỳnh (Dân trí): Liên quan đến vụ doanh nghiệp Tenma của Nhật Bản nghi hối lộ quan chức của hải quan và Cục Thuế Bắc Ninh với số tiền là 25 triệu yen, Thủ tướng đã có yêu cầu điều tra làm rõ. Xin hỏi
Bộ Công an, đến nay kết quả điều tra ban đầu như thế nào? Xin hỏi Bộ Tài chính tại sao trong nội bộ Bộ Tài chính không phát hiện ra mà phải đến khi cơ quan công tố Nhật Bản điều tra và báo chí đưa tin thì mới nắm được?
Liên quan đến việc giảm 50% phí trước bạ ô tô, Thủ tướng đã có chỉ đạo và Chính phủ đã ra nghị quyết nhưng Bộ Tài chính cho biết phải 2 tháng nữa mới ra văn bản hướng dẫn. Việc này có quá chậm so với nhu cầu của người dân và chỉ đạo của Thủ tướng hay không?
Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô: Về việc này, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công an là phải kiên quyết làm sớm.
Lãnh đao Bộ Công an đã chỉ đạo công an Bắc Ninh tiến hành các biện pháp xác minh thông tin. Công an Bắc Ninh đã làm việc với Tenma tại Bắc Ninh để thu thập tài liệu. Thứ hai, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ liên hệ với các đối tác Nhật Bản để đề nghị phía đối tác Nhật Bản thu thập, cung cấp thông tin. Như Thủ tướng nói là phải làm minh bạch, rõ ràng và chống thất thu thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Liên quan đến vụ việc này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra toàn diện đối với Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh là hai cơ quan trực tiếp liên quan đến vụ việc này. Nội dung thanh tra bao gồm thanh tra các vấn đề liên quan đến đoàn kiểm tra thuế và đoàn kiểm tra hải quan đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành các quyết định đình chỉ công tác đối với 11 công chức, trong đó có 5 công chức Tổng cục Thuế và 6 công chức của Tổng cục Hải quan. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Thanh tra Bộ khẩn trương tổ chức thực hiện và sớm có kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, trường hợp phát hiện vi phạm thì xử ý nghiêm minh.
Đồng thời, ngày 28-5, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 4223 giao Bộ Công an khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc theo phản ánh của báo chí Nhật Bản, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và chống thất thu thuế. Chúng tôi sẽ thông tin các kết quả rộng rãi đến các cơ quan báo chí.
Liên quan đến việc giảm lệ phí trước bạ 50% theo Nghị quyết số 84 ngày 29/5 của Chính phủ, với ý kiến là việc xây dựng để ban hành nghị định này mất khoảng 2 tháng và liệu có chậm không và trong trường hợp chậm thì như thế nào, tôi xin trả lời như sau:
Để giảm lệ phí 50% thì phải ban hành văn bản là nghị định của Chính phủ. Trong Nghị quyết 84 cũng đã cho phép các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy trình, thủ tục rút gọn. Nghị quyết ban hành ngày 29/5 và có nhiều nội dung các bộ, ngành phải thực hiện, trong đó có Bộ Tài chính được phân công nhiều nhiệm vụ và có nhiều văn bản phải xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chúng tôi cũng đã ban hành thông báo phân công các đơn vị liên quan trong Bộ thực hiện và cho đến nay, hồ sơ chuẩn bị cho dự thảo nghị định về lệ phí trước bạ đã được chuẩn bị và đang xin ý kiến nội bộ các đơn vị trong Bộ. Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì dự thảo này sẽ được xin ý kiến các bộ, ngành và sau khi tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh và xin ý kiến thẩm định của
Bộ Tư pháp để tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tiếp đó sẽ trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ban hành. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để có thể trình Chính phủ sớm nhất và ban hành được văn bản.
Vậy các văn bản chậm thì có hồi tố không thì một số văn bản chính sách cũng có thể có quy định về hối tố, ví dụ như Nghị định 20 vừa rồi đang sửa đổi, bổ sung thì cấp có thẩm quyền sẽ trên cơ sở xem xét các ý kiến để cân nhắc có hồi tố hay không.
Hay mới đây nhất là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân, vì thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân quyết toán theo năm và tạm nộp hằng tháng hoặc hằng quý và đối với thuế thu nhập DN là tạm nhập hằng quý nên hiệu lực có thể là trong năm nhưng vẫn có thể cả năm được.
Cho nên mặc dù tháng 5 vừa rồi mới thông qua nghị quyết giảm trừ gia cảnh nhưng được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm 2020. Ngay như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong Nghị quyết 84 thì trong dự thảo chúng tôi đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập DN năm 2020, có nghĩa là kỳ họp Quốc hội này mà được thông qua thì DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ sẽ được áp dụng cho cả kỳ tính thuế của năm 2020.
Riêng về lệ phí trước bạ, mục tiêu của việc giảm 50% lệ phí trước bạ là nhằm kích cầu tiêu dùng cho nên quan điểm của cơ quan soạn thảo chúng tôi là kích cầu tiêu dùng bắt đầu từ thời điểm này trở đi, từ thời điểm ban hành chính sách. Như vậy thì không nên hồi tố bởi hồi tố có nghĩa là phải trả lại tiền lệ phí trước bạ cho những người đã mua rồi, rất phức tạp, không hợp lý và cũng không có tác dụng kích cầu.
Chính vì vậy, đối với nghị định lệ phí trước bạ chúng tôi đang soạn thảo, quan điểm là với mục tiêu Chính phủ đặt ra đó là kích cầu tiêu dùng đối với xe sản xuất trong nước thì sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Chúng tôi dự thảo như vậy nhưng tất nhiên còn xin ý kiến các bộ, ngành, xin ý kiến các thành viên Chính phủ.
PV Huy Hoàng (VTV): Chính phủ đã có chính sách giãn một số loại thuế trong vòng 5 tháng cho doanh nghiệp. Nhưng nay nhiều doanh nghiệp đề xuất lên 12 tháng, vì 5 tháng chưa đủ phục hồi. Các bộ ngành có ý kiến gì?
Một vấn đề mà Chính phủ chỉ đạo 3 năm nay không được giải quyết đó là: Bộ Y tế và Bảo hiểm Việt Nam phải tính toán để đưa thuốc biệt dược hết hạn bảo hộ phải đấu thầu chung, cùng sân với thuốc generic nhóm 1 để trách tình trạng độc quyền và giảm giá thuốc cho người bệnh. Vì chưa được thực hiện nên mỗi năm ngân sách đang bị lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng trong khi người bệnh chưa tiếp cận được thuốc tốt. Vậy vấn đề này giải quyết thế nào?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Hiện nay, Nghị định 41 gia hạn thuế với thời gian gia hạn 5 tháng và các doanh nghiệp được gia hạn dài hơn, cụ thể là 12 tháng. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội.
Trường hợp gia hạn thuế không làm ảnh hưởng đến ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Chính phủ. Chính vì vậy, các trường hợp gia hạn thuế 5 tháng theo Nghị định 41 không ảnh hưởng đến dự toán của năm 2020. Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 41 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trường hợp gia hạn dài hơn phải trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Chúng tôi khẳng định việc sử dụng thuốc được bảo đảm tiêu chí về chất lượng và đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế. Về chính sách, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành y tế cũng đã xây dựng được các văn bản luật như Luật Dược, Nghị định 54, Thông tư 15, Thông tư 09 về quy định danh mục thuốc…
Chúng tôi xin khẳng định hiện giờ tại Việt Nam so với các nước ASEAN, giá thuốc thuộc hàng rẻ nhất. Biệt dược gốc của chúng ta có giá 0,9 so với trung bình, biệt dược là 0,56. Giá thuốc đã được thực hiện chính sách bình ổn giá, khống chế giá rất tốt.
Liên quan đến các văn bản đã được ban hành, biệt dược gốc đang nằm trong nhóm riêng. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Thông tư 09 trong đó tăng cường danh mục đặc biệt đối với các biệt dược gốc hết bản quyền. Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện văn bản. Sau khi ban hành, giá biệt dược gốc tại Việt Nam sẽ tiếp tục được điều chỉnh.
Thông qua Trung tâm đấu thầu quốc gia, trong những năm vừa qua chúng ta đã thực hiện giảm giá cho một số loại thuốc, thực hiện đấu thầu tập trung cho nhiều loại thuốc, trong đó có biệt dược. Như vậy, đã tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng trong những năm vừa qua. Vấn đề này luôn có sự làm việc giữa Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thống nhất về danh mục cũng như phương thức đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
PV Vũ Khuyên (Truyền hình VOV): Xin hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định gỡ bài, khi đã đăng tải trên báo thì Bộ có quy định là không được gỡ bài mà phải đính chính hoặc nếu thông tin sai thì phải công khai đăng tải xin lỗi.
Gần đây, cụ thể là cuối tháng 4, báo Pháp luật Việt Nam và một số báo đưa bài: “Nhà thầu cung ứng vật tư cho ngành điện thay đổi người đại diện pháp luật”. Bài báo này có đưa đích danh tên người đại diện là phu nhân của lãnh đạo một bộ, sau đó gỡ toàn bộ tên người trong bài và không hề xin lỗi hay đính chính. Vậy quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông thế nào về việc này?
Về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian dịch bệnh, thời kỳ thanh tra bắt đầu từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-5-2020. Xin hỏi kết quả thanh tra như thế nào, có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không?
Trong tháng 4-2020 vừa qua, Bộ Công Thương đã có kiến nghị và Chính phủ đã có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5. Nhưng ngay sau đó chỉ 1 ngày, Bộ Công Thương lại có đề xuất Chính phủ rút lại quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo.
Sau đó ngày 1-5, Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường kkông cần hạn ngạch. Bộ Công Thương có nhận thiếu sót là do không nắm được số liệu tình hình gạo nên mới có đề xuất dừng việc xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, họ đã bị thiệt hại do gạo bị ách tắc ở cảng không xuất đi được, thậm chí bị phạt do vi phạm hợp đồng đã ký. Người nông dân thì bị thiệt hại do giá lúa xuống, thương lái ép giá vì không cho xuất khẩu gạo. Vậy xin hỏi Người phát ngôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ Công Thương: Ai phải chịu trách nhiệm về việc tạm dừng xuất khẩu gạo và thiệt hại của doanh nghiệp, người trồng lúa đã xảy ra vừa qua?
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo: Chúng tôi sẽ phối hợp với Hội Nhà báo để rà soát lại việc gỡ bài, sửa bài. Hiện nay Hội Nhà báo có phần mềm chuyên quản lý việc gỡ bài, sửa bài. Sau khi phân tích xem lý do gỡ bài như thế nào, chúng tôi sẽ có câu trả lời chính thức.
Về nguyên tắc có những chuyện gỡ bài là theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, ví dụ tin bài đó nếu để gây ảnh hưởng không tốt đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây hoang mang trong cộng đồng, thì có thể thông tin đó đúng nhưng theo yêu cầu vẫn phải gỡ. Hay bản thân cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về nội dung của mình, cho nên trong quá trình xuất bản, sau khi thẩm tra thấy thông tin sai, không đúng thì tự gỡ đi. Nhưng chúng ta đã có chủ trương ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong báo chí là “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Do đó việc này, chúng tôi phải nghe cụ thể mục đích gỡ bài mà báo Pháp luật Việt Nam là gì, nếu vì vụ lợi, tiêu cực thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đối với tất cả các quốc gia trên thế giới thì vấn đề an ninh lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng gạo nói riêng hết sức được quan tâm và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong quý I-2020 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 có diễn biến rất nhanh và hết sức phức tạp, có thể nói ảnh hưởng rất nghiêm trọng với Việt Nam và các nước trên thế giới.
Tình hình thị trường gạo toàn cầu phát sinh các diễn biến, tác động đa chiều, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như tình hình giá cả cung cầu trong nước và việc điều hành gạo thì Bộ Công Thương thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình nhưng cũng thường xuyên đánh giá và báo cáo, xin sự chỉ đạo của các các cấp có thẩm quyền, tránh việc gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu, không những về xuất khẩu mà cả nhu cầu trong nước để bảo đảm an ninh lương thực tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt gần 1 triệu tấn, chính xác 930.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019, và nếu tính tốc độ như đã xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2020 và nửa đầu tháng 3/2020 thì quý I sẽ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2019.
Trong nửa đầu năm 2020, có thể xuất khẩu được 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với hàng hóa có thể cho xuất khẩu. Chúng ta dành xuất khẩu chỉ có 3 triệu tấn thôi nên nếu tình hình xuất khẩu như vậy sẽ đạt 3,7 triệu tấn trong khi các quốc gia, bên cạnh nhu cầu thực tế về lương thực thực phẩm, cũng đã rất quan tâm đến tăng dự trữ chiến lược khiến giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo được mùa, giá gạo trong nước cũng liên tục tăng cao, đồng thời cũng khó xác định diễn biến của dịch bệnh COVID-19 cũng như tâm lý của người dân trong nước có thể lo thiếu gạo, nhất là việc mua dự trữ gạo quốc gia thời điểm đó không thuận lợi.
Chính vì vậy, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để giãn tiến độ xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá gạo trong nước. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, trực tiếp làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp và khảo sát lại tình hình trên toàn quốc trong bối cảnh vụ mùa sắp tới của Việt Nam thì Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án, điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5.
Như chúng ta đã biết, ngày 29-4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về giải pháp điều hành gạo trong thời gian tới là từ ngày 1-5-2020 cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch bình thường như trước đó.
Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn rất quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh lương thực và chính vì vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp: Tăng cường, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn theo đúng quy định của Nghị định 107 ngày 15-8-2018 của Chính phủ; các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông khi được yêu cầu; UBND các tỉnh, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp với các thương nhân vi phạm quy định về duy trì mức dự trữ lưu thông. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có công hàm, văn bản trao đổi đến các đoàn ngoại giao và các thương nhân để kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 172.
Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua việc xuất khẩu gạo thuận lợi và mang lại hiệu quả cao cho đất nước, đồng thời cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Chúng tôi thấy rằng, trong quá trình điều hành về gạo, Bộ luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là với mặt hàng gạo.
Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm của các cá nhân (nếu có) trong việc đề xuất chính sách điều hành gạo, như các bạn đã biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ngày 29/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố về đoàn thanh tra này. Theo quy định đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 35 ngày, vì vậy đến ngày18/6 tới, đoàn thanh tra mới kết thúc thanh tra theo quy định, kết luận của đoàn thành tra sẽ được công bố rộng rãi. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quyết định cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Năm nay, mặc dù thời tiết, khí hậu rất khắc nghiệt nhưng chúng ta được mùa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, trong Đồng bằng sông Cửu Long cũng được mùa. Như vậy, trữ lượng của chúng ta một năm đạt khoảng 43,5 triệu tấn thóc, nhưng chỉ sử dụng hết 29,96 triệu tấn thóc và dư được 13,54 triệu tấn thóc.
Trong khi đó, chúng ta chỉ mua dự trữ 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa, do đó vẫn còn dư khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng nói quyết tâm của chúng ta phải đạt được con số xuất khẩu năm 2020 là 7 triệu tấn gạo, như vậy buộc phải cao hơn khoảng 400.000 đến 500.000 tấn gạo so với cùng kỳ 2019.
Như Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nói, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như vậy thì vấn đề an ninh lương thực và lo cho đời sống của người dân được đặt lên hàng đầu, trong khi các nước đang phải phong tỏa, đóng cửa, phương tiện đường không, đường thủy đều phải dừng hết…
Thời điểm ngày 23-3, Bộ Công Thương đề xuất dừng xuất khẩu gạo, sau đó ngày 10/4 có xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát và ngày 20-4 chấm dứt, là khi đó Thủ tướng quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch. Bởi sau khi có điều tra, khảo sát và làm việc với các địa phương, đánh giá lại chiến lược của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương báo cáo, nghe ý kiến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì thấy rằng, việc xuất khẩu gạo trong thời kỳ theo quyết định của Thủ tướng hoàn toàn đúng; và Bộ Công Thương đề xuất như vậy vì cũng tính toán đến vấn đề an ninh lương thực khi chúng ta thực hiện giãn cách xã hội…
Đến ngày 30-6 trong công văn 1312 , Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan thanh tra việc này. Nếu như không vì vấn đề trục lợi, vấn đề cá nhân thì cơ quan điều tra sẽ báo cáo Thủ tướng.
(Theo chinhphu.vn)
.