Thứ Tư, 01/07/2020, 17:06 (GMT+7)
.

5 việc cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2020

Ngay từ đầu năm cho đến nay, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã có sự vào cuộc rất mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn, mặn; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với việc triển khai thực hiện các kịch bản, phương án, giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội. Song song đó, chúng ta còn phải tập trung cho công tác chỉ đạo tổ chức đại hội chi bộ, đảng bộ cấp cơ sở theo kế hoạch, chuẩn bị tốt công tác nhân sự, văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Điều đáng phấn khởi là, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta vẫn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tôi xin điểm lại một số kết quả đã đạt được với rất nhiều công sức mà cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà rất vất vả mới có được.

Trong các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, chúng ta có 4/9 chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2019, đó là chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (đã thực hiện 16.032 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch, tăng 10,9%); về tổng chi ngân sách địa phương (đã chi 9.967 tỷ đồng, đạt 72,4% kế hoạch, tăng 78,9%); về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (có 350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 53,8% kế hoạch, tăng 22,3%); về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (đã ra mắt 10 xã nông thôn mới, đạt 40% kế hoạch, tăng 150% và TP. Mỹ Tho đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019).

Trong công tác phòng, chống hạn, mặn, chúng ta đã nhận định và dự báo đúng tình hình, nên đã có sự chỉ đạo kịp thời, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân như: Trữ nước trên các kinh trục, tổ chức các điểm bơm chuyền và phân vùng điều tiết nước tưới cho cây trồng; phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên Quốc lộ 62; xây dựng 4 tuyến ống chuyển nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm về các huyện phía Đông; vận chuyển nước ngọt bằng sà lan phục vụ nước tưới cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; mở 179 vòi nước công cộng và 54 điểm lấy nước sinh hoạt miễn phí cấp cho các hộ dân ở ven sông, ven biển... Đến nay, cơ bản đã bảo vệ được hoạt động sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân, với tổng kinh phí chi cho công tác phòng, chống hạn, mặn trên 298 tỷ đồng.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và sát với tình hình thực tế của tỉnh; các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các địa phương phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành tốt các quy định và các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Tỉnh đã tổ chức 3 đợt tiếp nhận và đã hoàn tất việc cách ly tập trung sau 14 ngày cho 802 người từ nước ngoài trở về và chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.

a
Đồng chí Nguyễn Văn Danh trao đổi với lãnh đạo Bộ NN&PTNT trong chuyến khảo sát hạn, xâm nhập mặn năm 2020 ở xã Bình Xuân, TX. Gò Công.

Thực hiện chính sách hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19 gây ra, tỉnh đã chi gần 217 tỷ đồng hỗ trợ cho 200.780 người; trong đó chi 23,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 15.916 người có công, 101,4 tỷ đồng hỗ trợ cho 67.613 đối tượng bảo trợ xã hội, 78,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 105.120 người nghèo và cận nghèo, 12,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 12.131 người bán vé số lẻ; hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ hỗ trợ theo quy định cho các đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và hộ kinh doanh cá thể.

Trong công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, chúng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng theo yêu cầu, nội dung Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và các Hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Chọn Đảng bộ TP. Mỹ Tho, Đảng bộ huyện Cai Lậy, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức đại hội điểm cấp huyện và Đảng bộ TP. Mỹ Tho đã kết thúc Đại hội với kết quả rất tốt.

Tỉnh cũng đã chọn 3 công trình: Cầu Trà Lọt, cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân; cấp huyện và tương đương mỗi nơi chọn từ 1 đến 3 công trình; cấp cơ sở mỗi nơi có từ 1 - 2 công trình để chào mừng đại hội. Đến nay, có 742/742 chi bộ, đảng bộ tổ chức đại hội (gồm 292 đảng bộ, 450 chi bộ; trong đó có 35 chi bộ, đảng bộ cơ sở được chọn làm điểm, 10 đảng bộ cơ sở được chọn thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư), đạt tỷ lệ 100%.

Đối với những hạn chế, tồn tại và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2020, dự thảo báo cáo đã viết khá rõ, tôi xin không nói thêm, tôi chỉ lưu ý mấy việc:

Thứ nhất, về công tác phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả của hạn, mặn: Các cấp ủy, chính quyền, các ngành và địa phương, nòng cốt là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Quân sự, Biên phòng theo dõi nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với mưa dông, lốc xoáy, duy tu các đoạn đê bao bị xuống cấp và có phương án di dân vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực cho việc phòng tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai; trong đó cần lưu ý rà soát, nắm chắc hiện trạng các hộ dân đang sinh sống trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do bão, lốc xoáy, sạt lở...

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 120, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó cần quan tâm đến việc thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách phù hợp theo lộ trình; việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án tích trữ nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt, cấp nước đô thị và nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi, nạo vét các kinh trục chuyển nước và cải tạo các cửa cống lấy nước, bảo đảm chủ động vận hành lấy nước ngọt, xả mặn, tiêu thoát nước.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước sinh hoạt. Thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, hỗ trợ đúng đối tượng người dân bị thiệt hại do hạn, mặn để đầu tư khôi phục sản xuất. Vấn đề hạn, mặn tới đây là việc phải chủ động ứng phó hằng năm, không dừng lại theo chu kỳ như trước nay đã làm. UBND tỉnh tiếp tục theo dõi sâu sát, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, đúng lộ trình, đúng kịch bản theo kế hoạch đã phê duyệt và các phương án đã đề ra.

Thứ hai, về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời khi có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra, không để lây lan trong cộng đồng; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động thất nghiệp, công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Khẩn trương triển khai thực hiện các phương án khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh; tập trung phát triển mạnh thị trường trong tỉnh, các tỉnh trong vùng và trong nước, khuyến khích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, các dự án phục vụ dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, về kinh tế - xã hội: UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại tất cả các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội để có đánh giá, dự báo khả năng những chỉ tiêu không đạt so với Nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhằm tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta cũng cần sửa đổi, bổ sung một số số liệu, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp của văn kiện Đại hội XI Đảng bộ tỉnh sát với tình hình thực tiễn, khả năng thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025 (cấp huyện cần tính toán vấn đề này).

Cần bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh như: Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang; Dự án Khu công nghiệp Gò Công (Soài Rạp); Dự án cầu Trà Lọt, cầu Ngũ Hiệp, cầu Bình Xuân... Tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 đối với các dự án được trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư (18 dự án), các dự án trao chủ trương nghiên cứu (12 dự án) và các dự án mời gọi đầu tư (19 dự án).

Thứ tư, về quốc phòng, an ninh, trật tự: Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các thông tin bịa đặt, thông tin sai sự thật chống phá Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt là trên không gian mạng; xử lý hiệu quả tình trạng khiếu kiện tập trung đông người; xử lý tốt tin báo, tố giác tội phạm, nhất là trong thời điểm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp.

Thứ năm, về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025: Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách đảng bộ huyện và tương đương cùng với cấp ủy huyện đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo đúng tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương, Kế hoạch 92 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản của cấp trên. Cần phát huy dân chủ, cầu thị, tập hợp trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và tiếp thu ý kiến xác đáng của nhân dân để hoàn hiện các dự thảo văn kiện trình ra đại hội. Tổ chức tốt việc thảo luận, góp ý vào văn kiện đại hội đảng bộ cấp mình và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện (đối với 14 đảng bộ còn lại) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025. Trong đó, cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự đại hội, thực hiện nghiêm Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; xử lý một cách hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện và không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp ủy; coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa việc nâng cao chất lượng cấp ủy với bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ.

Công tác nhân sự cần được tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, nhưng phải thật sự đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc và bố trí đúng chỗ (đó là 4 yêu cầu cần phải đảm bảo). Công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhưng cũng hết sức khó khăn và có cả phức tạp, vì nó liên quan đến con người (Thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly). Chúng ta rất tâm đắc câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín; đừng thấy cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Mặt khác, cũng cần có quan điểm không nên quá cầu toàn, không tuyệt đối hóa; điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá đúng bản chất, mức độ điểm mạnh, điểm yếu để có bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc.

Ban Thường vụ cấp ủy huyện (tương đương) cần tập trung chỉ đạo khẩn trương kết luận và xử lý kiên quyết, dứt điểm những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, những vấn đề tiêu cực có liên quan đến cán bộ, đảng viên, những đơn, thư khiếu nại, tố cáo mang tính xây dựng, nhưng đồng thời phải bình tĩnh để nhận biết những đơn, thư tố cáo nặc danh, mạo danh với ý đồ xấu, vu khống, gây hoài nghi, chia rẽ nội bộ để có xử lý nghiêm minh, trả lại sự công bằng, trong sạch cho người bị mạo danh và người bị tố cáo oan (đừng để người tốt bị hiểu lầm xem là người xấu, còn kẻ xấu lại được coi như là người tốt).

Chúng ta đang có một thực trạng đơn, thư mạo danh, nặc danh khá nhiều: Tố cáo đúng cũng có, tố cáo sai, thổi phồng sự việc cũng có, cố tình tung “hỏa mù” cũng có, tố cáo vì động cơ chức quyền cũng có; vấn đề đáng lo ở đây là người gửi đơn tố cáo không phải là người viết tố cáo, người viết tố cáo lại không phải là tác giả của nội dung tố cáo mà là một người khác - phức tạp là ở chỗ này, động cơ xấu cũng chính là những đơn, thư tố cáo kiểu này. Do đó, chúng ta cần hết sức bình tĩnh để xử lý từng trường hợp cụ thể, đừng để kẻ xấu vui mừng, còn nội bộ thì hoài nghi, mất niềm tin với nhau.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến chỉ đạo từng vấn đề cụ thể.

NGUYỄN VĂN DANH

(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) 

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

.
.
Liên kết hữu ích
.