Thứ Tư, 15/07/2020, 21:14 (GMT+7)
.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh: Nhà ngoại giao xuất sắc

Đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao lâu nhất kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có những đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đối ngoại của nước ta. 15 năm đồng chí được Đảng và Bác Hồ cử làm Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 5-1965 - tháng 4-1980) là thời kỳ đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang, hào hùng và oanh liệt của dân tộc.

Cũng chính trong giai đoạn đó, mặt trận đối ngoại đã giành được những thắng lợi vẻ vang, với đỉnh cao là quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Quá trình đàm phán ở Paris và Hiệp định Paris là chiến thắng của một nền ngoại giao non trẻ, ghi đậm dấu ấn của nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Duy Trinh…

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris năm 1973.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris năm 1973.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh tên khai sinh là Nguyễn Đình Biền, sinh ngày 15-7-1910 tại làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; mất ngày 20-4-1985 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi.

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG

Với những công lao to lớn, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Với 75 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thuộc lớp cán bộ tiền bối cách mạng với gần 60 năm liên tục cống hiến cho Tổ quốc. Tên đồng chí được đặt làm tên đường tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), TP. Hồ Chí Minh và tên của một ngôi trường trung học phổ thông ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An)…

Xuất thân từ gia đình thuần nông, năm 1927 ông tham gia phong trào học sinh yêu nước tại thị xã Vinh; năm sau gia nhập Đảng Tân Việt - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để tránh sự truy lùng của mật thám, đồng chí đổi tên Nguyễn Đình Biền thành Nguyễn Duy Trinh - cái tên đã theo đồng chí đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình. Cuối tháng 11-1928, đang hoạt động cho Đảng Tân Việt tại Đakao Sài Gòn (nay thuộc quận 1, TP. Hồ Chí Minh), đồng chí bị thực dân Pháp bắt, vì chưa đủ 18 tuổi nên bị chúng nhốt vào khám vị thành niên, bị kết án 18 tháng tù; ở trong tù tháng thứ 8 thì bị trục xuất về nguyên quán.

Từ tháng 5-1930 đến tháng 5-1931, cao trào Xô Viết phát triển mạnh tại huyện Nghi Lộc, thực dân Pháp tăng cường bắt bớ, truy lùng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ yêu nước bị giết hại, hàng chục ngôi làng bị triệt phá. Năm 1931, cơ quan Huyện ủy Nghi Lộc bị bao vây, một số cán bộ Xứ ủy, Huyện ủy bị địch bắt, các tổ chức Đảng bị tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, đồng chí chủ động móc nối với một số đồng chí may mắn thoát khỏi khủng bố. Sau khi chủ trì lập ra Ban Cán sự của Huyện ủy để khôi phục, phát triển phong trào tại Nghi Lộc từ trong máu lửa, đồng chí được bầu làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc.

Tháng 8-1945, tham gia khởi nghĩa tại Vinh và Huế, đồng chí lần lượt giữ chức Thường vụ Xứ ủy Trung bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung bộ; năm 1949 là Bí thư Liên khu ủy V, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Trung bộ... Tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ở cương vị nào đồng chí đều có những quyết sách đúng đắn, kịp thời; đặc biệt là ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí đã có nhiều bài viết, báo cáo thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 4-1965, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và giữ cương vị này đến tháng 5-1980.

NHÀ NGOẠI GIAO XUẤT SẮC

Là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tuổi của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gắn liền với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi nhưng cũng đầy cam go và quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế trong hoàn cảnh có sự bất đồng sâu sắc trong phe xã hội chủ nghĩa; phối hợp nhịp nhàng đấu tranh ngoại giao của hai miền Nam - Bắc và nghệ thuật đàm phán của ngoại giao Việt Nam, mà đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Các vòng đàm phán tại Hội nghị Paris từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973 là cuộc đấu trí giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Sau gần 5 năm đấu trí, cuộc đàm phán kết thúc bằng việc ký kết chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973, buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng nước ta, tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong những năm tháng nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngành Đối ngoại hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị - đối ngoại vô cùng nặng nề, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, ngành Ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên Hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên Hợp quốc tháng 7-1977…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.