Thứ Tư, 22/07/2020, 10:31 (GMT+7)
.

Lưu ý 7 việc cùng nghiên cứu và tổ chức thực hiện (*)

Đồng chí Nguyễn Văn danh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Hôm nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy long trọng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (đây là đảng bộ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn làm điểm Đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy).

Đại hội diễn ra vào năm đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, gắn với các phong trào thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng... Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cai Lậy.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi xin gửi đến Đoàn Chủ tịch Đại hội, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quý, các đồng chí và 270 đại biểu ưu tú, đại diện cho gần 3.700 đảng viên của Đảng bộ huyện về dự Đại hội lời chúc mừng tốt đẹp và lời chào trân trọng nhất!

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cai Lậy lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp cho ý kiến về nhân sự và đã có nhiều ý kiến góp ý quan trọng, thiết thực về định hướng, về nội dung của văn kiện. Qua nghe báo cáo được trình bày tại Đại hội, tôi nhận thấy các đồng chí đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Tổ thẩm định văn kiện để chỉnh sửa, bổ sung làm rõ thêm nhiều vấn đề trước khi trình ra Đại hội. Các đồng chí đã thực hiện chặt chẽ các bước đúng quy trình, quy định về công tác nhân sự cấp ủy khóa mới, nhân sự đại biểu dự Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh; tổ chức tốt việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của đảng bộ huyện, đảng bộ tỉnh và các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch 92, 108, 115 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và trao Cờ thi đua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Đảng bộ  huyện Cai Lậy tại Đại hội.                                                                                                                            						                                                                                                        Ảnh: HẠNH NGA
Đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và trao Cờ thi đua của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Đảng bộ huyện Cai Lậy tại Đại hội. Ảnh: HẠNH NGA

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, dân chủ, trí tuệ, phản ánh đúng thực chất kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, lại phải chịu sự ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn, xâm nhập mặn và đại dịch Covid-19; song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, các đồng chí đã tập trung lãnh đạo, điều hành và đã hoàn thành 18/20 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt Nghị quyết, với những con số khá ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 7,08%/năm (Nghị quyết là 6,5%/năm); thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 398,9 tỷ đồng (Nghị quyết là 290 - 300 tỷ đồng); tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 11.958 tỷ đồng (Nghị quyết là 11.742 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,09% (Nghị quyết dưới 5,95%); kết nạp 484 đảng viên mới (Nghị quyết là 400 đảng viên)... Tôi xin được khái quát lại một số điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Đảng bộ:

Đó là: Luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; thường xuyên quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc. Công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.

Đó là: Hoạt động quản lý, điều hành của đảng bộ, của chính quyền ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã thường xuyên được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có nhiều tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình, từng bước khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, góp phần quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đó là: Chủ động bám sát tình hình thực tiễn của địa phương để triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gắn kết chặt chẽ giữa lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần khắc phục những khó khăn, khai thác ngày càng tốt hơn những mặt thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng giá trị sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Quang cảnh Đại hội.
Quang cảnh Đại hội.

Đó là: Sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, thủy lợi... cơ bản đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của huyện và từng bước thích nghi với biến đổi khí hậu, phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Việc xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng Khu Trung tâm Hành chính của huyện và xây dựng xã Bình Phú đạt chuẩn đô thị loại V, tiến tới thành lập thị trấn Bình Phú vào cuối năm 2020 là động lực phát triển quan trọng, tạo được lòng tin và sự hài lòng trong nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung cao, hiệu quả mang lại đúng thực chất, tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, phát triển.

Những kết quả đạt được của Đảng bộ huyện Cai Lậy trong nhiệm kỳ qua là rất đáng trân trọng, là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Đó là kết quả của sự đoàn kết, biết kế thừa, khắc phục khó khăn, tạo niềm tin, tập hợp, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự đồng thuận và nhiệt tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, sự tích cực vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể, sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tổ chức thực hiện. Đây chính là nguồn động lực cổ vũ, động viên rất lớn đối với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Cai Lậy.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin ghi nhận, chúc mừng và biểu dương những thành tích của Đảng bộ huyện Cai Lậy đã đạt được trong 5 năm qua... Và trong Đại hội này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tặng Đảng bộ huyện Bức trướng, có dòng chữ: “Đảng bộ huyện Cai Lậy Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Nêu gương - Trách nhiệm”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua: “Đảng bộ huyện Cai Lậy đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015 - 2020”.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Những thành tích đạt được trong thời gian qua rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cai Lậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan những mặt còn hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục như:

Kinh tế của huyện tuy có tăng trưởng nhưng thiếu tính ổn định, do giá trị sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, dễ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn và dịch bệnh. Hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có chuyển biến lớn về quy mô sản xuất, về chất lượng sản phẩm và thị trường đầu ra; các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã hiệu quả còn thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa gắn với định hướng quy hoạch phát triển, nhất là việc người dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và đào ao nuôi cá diễn ra khá phổ biến, khó kiểm soát. Mặt khác, hạ tầng giao thông, thủy lợi một số xã còn yếu, chưa bảo đảm yêu cầu chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, hạn, xâm nhập mặn.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, trật tự xã hội... có mặt chưa chặt chẽ. Một số nơi việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn hình thức, thực hiện quy ước ở ấp kém hiệu quả. Nhiều nơi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tập hợp đoàn viên, hội viên của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội quần chúng sức thuyết phục chưa cao. Nhận thức của một số đảng viên, cấp ủy viên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa sâu; còn một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu chưa thể hiện được vai trò nêu gương; không ít chi bộ chưa đảm bảo về nội dung sinh hoạt, chất lượng không cao...

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Huyện Cai Lậy của chúng ta sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập Thị xã Cai Lậy (theo Nghị quyết số 13 ngày 26-12-2013 của Chính phủ), kinh tế của huyện gần như là thuần nông, sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển chủ đạo. Trong 5 năm tới, huyện Cai Lậy vẫn là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, được đầu tư theo hướng phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao; do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cần có định hướng phát triển phù hợp, nhất là về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng lộ trình, trình tự ưu tiên, lĩnh vực đột phá, phân công trách nhiệm cụ thể của cá nhân, của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị từ huyện đến xã để có sự quan tâm đầu tư và tổ chức thực hiện; đồng thời cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với mục tiêu, 21 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Báo cáo chính trị trình Đại hội. Đề nghị đại biểu Đại hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến bổ sung, hoàn thiện để thống nhất triển khai thực hiện; cần phân tích, phản biện thật sâu về nguyên nhân, xác định thật rõ về trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế sao cho có hiệu quả nhất. Tôi chỉ nhấn mạnh thêm mấy việc để các đồng chí cùng nghiên cứu và tổ chức thực hiện:

Thứ nhất, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, toàn diện giữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nâng cao năng lực điều hành toàn diện của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; từng cá nhân được phân công phụ trách lĩnh vực, phụ trách cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Các cấp ủy đảng đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; giữ vững mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, phát huy hiệu quả trí tuệ, sự đều tay của cấp ủy để có quyết sách đúng đắn, ban hành nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế, nhất là những nghị quyết chuyên đề thể hiện sự lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá; kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, các phong trào, cuộc vận động và các chương trình, mô hình phát triển kinh tế để rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trước mắt, cần có phương án hỗ trợ cây sầu riêng, các loại cây trồng khác bị chết do hạn, mặn và giải pháp thiết thực để nông dân khôi phục sản xuất trên nền đất đã bị nhiễm mặn; về lâu dài, cần nghiên cứu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản để tăng sức cạnh tranh, gắn với công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết nông dân với doanh nghiệp một cách lâu dài để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa (lợi nhuận của doanh nghiệp phải gắn liền và hài hòa với lợi ích của nông dân - có như vậy sự gắn kết mới thật sự dài lâu).

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt Chương trình hành động của huyện thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa, trong đó cần xác định cây sầu riêng là một trong những cây đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, là đối tượng chuyển đổi nhưng phải thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và các tiến bộ khoa học tiên tiến tại vùng chuyển đổi. Đây là việc làm rất khó khăn trong điều kiện chúng ta vừa trải qua một thời gian dài bị hạn, mặn xâm nhập sâu và để lại hậu quả nặng nề, đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; phải đặc biệt coi trọng công tác phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành chức năng của tỉnh, sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học và những kinh nghiệm quý báu của nông dân trong việc khắc phục xâm nhập mặn.

Thứ tư, tập trung lãnh đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới đối với các xã còn lại, đồng thời củng cố, nâng chất đối với các xã đã đạt chuẩn, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2022; tận dụng tiềm năng để phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch cù lao Tân Phong; nâng chất, hoàn thành các tiêu chí đô thị Bình Phú hướng đến xây dựng các tiêu chí đô thị loại IV, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện.

Thứ năm, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ “sáng” về phẩm chất, đạo đức; “giỏi” về chuyên môn, có tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm có hiệu quả thực chất.

Thứ sáu, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, làm nòng cốt cho các phong trào quần chúng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, dư luận trong nhân dân, phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết, nhất trí trong thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và các mô hình dân vận khéo, dân vận chính quyền,...

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Đảng của các cấp ủy, của đảng viên; đề cao vai trò tự kiểm tra của các tổ chức đảng; chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phải đặc biệt coi trọng việc củng cố, nâng chất tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chú trọng đổi mới nội dung, chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề của cấp ủy, của chi bộ, đảng bộ (chú ý những chi bộ có ít đảng viên).

Từ định hướng trên, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã cần có kế hoạch thật tốt để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, các khâu đột phá, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách ổn định. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cần tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện tốt Quy chế làm việc, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ kết hợp với phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, điều hành để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Gắn liền với việc thảo luận các văn kiện để đi đến thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Đại hội còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới và bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thật sự có chất lượng. Đạt được hai yêu cầu quan trọng này thì Đại hội của chúng ta mới thật sự thành công và mỗi đồng chí chúng ta mới thật sự hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu.

Chúng ta đều biết, mọi sự thành công hay thất bại chủ yếu đều do cán bộ, do con người tạo ra; với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là “gốc của mọi công việc”, “then chốt của then chốt”, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cai Lậy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo, điều hành của Ban Chấp hành khóa mới, trong đó có vai trò quan trọng của đồng chí Bí thư cấp ủy và nhân tố, yếu tố quyết định cho sự thành công, đó là: Phải có một tập thể cán bộ lãnh đạo tốt, với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết, dân chủ, gắn kết trách nhiệm, biết phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh của nhân dân, tận dụng được nội lực và tranh thủ tốt ngoại lực.

Công tác nhân sự đại hội của Đảng bộ huyện Cai Lậy đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo quy trình đúng theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn 26 của Ban Tổ chức Trung ương và Kế hoạch 92 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi thống nhất kết luận về số lượng, nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư và các phó bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại Đại hội, sau kết quả bầu cử ban chấp hành khóa mới, đại biểu Đại hội sẽ bầu trực tiếp chức danh Bí thư Huyện ủy; do đó, đề nghị đại biểu Đại hội, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm và thực hiện đúng việc ứng cử, đề cử theo quy định.

Kính thưa quý đại biểu và các đồng chí,

Với truyền thống cách mạng anh hùng, truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và vì sự phát triển của huyện Cai Lậy, chúng ta tin rằng, các đồng chí đại biểu sẽ cân nhắc thận trọng, lựa chọn bầu đúng, bầu đủ số lượng, bầu những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, bầu Bí thư Huyện ủy và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt kết quả cao nhất.

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt.

NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang)

.
.
.