Thứ Ba, 18/08/2020, 21:27 (GMT+7)
.

Chuyện về một Đại tá Công an

 

(ABO) Đó là Đại tá Lê Văn Phú, 70 năm tuổi Đảng, hội viên Hội Cựu chiến binh. Trước đây, ông đã từng “vào sinh ra tử” trên vùng đất Đồng khởi Bến Tre, là người khắc tinh với tội phạm.

Chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Lê Văn Phú (số 36/11, đường Lê Lợi, khu phố 2, phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) khi ông đã bước sang tuổi 89, nhưng vẫn khỏe, giọng nói trầm, rõ.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Gia đình ông có 4 thế hệ đảng viên (10 đảng viên), trong đó có 4 sĩ quan Công an. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn không nghỉ ngơi, khi tiếp tục tham gia công tác ở Chi bộ khu phố…

QUÁ KHỨ GIAN KHÓ, NHƯNG TỰ HÀO

Tháng 12-1945, ông Lê Văn Phú tham gia cách mạng tại địa phương (Đội Thiếu nhi xã). Tháng 7-1950, ông gia nhập ngành Công an ở tỉnh Bến Tre, 1 năm sau vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nhờ có trình độ học vấn khá, biết đánh máy chữ, nên năm 1961, ông được điều động về làm Văn thư Khu ủy Khu 8 và năm 1973 là Chánh Văn phòng Ban Mặt trận Trung ương Cục miền Nam.

Thế rồi, cơ duyên lại đưa ông trở về với ngành Công an. Năm 1976, ông nhận nhiệm vụ Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trải qua nhiều cương vị công tác, chức vụ khác nhau, ông được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý. Còn trong cuộc đời binh nghiệp, ông tham gia rất nhiều chuyên án, trong đó nhớ nhất là lần được giao nhiệm vụ tham gia chuyên án “CM-12”.

Năm 1981, nhóm phản động lưu vong, mang cái tên là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam”, do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh là những tên phản động lưu vong ở Pháp cầm đầu tập hợp lực lượng, huấn luyện xâm nhập vào bờ biển Kiên Giang mang bí số “AB.27” hòng trở về Việt Nam để chống phá, lật đổ chế độ ta.

Không ngờ bị quân ta “bủa lưới ” tóm gọn. Kết quả ta đã tiêu diệt và bắt sống gần hết bọn phản động xâm nhập, thu nhiều tài liệu, vũ khí quân dụng. Đây là vụ xâm nhập đầu tiên của bọn biệt kích phản động lưu vong nước ngoài. Sở dĩ phá án nhanh thành công, ngoài tinh thần mưu trí, linh hoạt, dũng cảm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, còn do ta nắm được nhiều thông tin, tài liệu mật chính xác.

Do đó, sau khi kết thúc chuyên án “CM-12”, lãnh đạo Ban chuyên án nói vui: “Đồng chí Hai Phú rất giỏi ăn cắp tài liệu mật…”. Hay nhiều chuyên án khác như năm 1979 bắt vượt biên trái phép ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, thu trên 28 ngàn lượng vàng 24K.

“CHIẾN ĐẤU” ĐẾN CÙNG

Đến đầu năm 1996, ông nghỉ hưu. “Đã 70 năm tuổi Đảng, nhưng điều tự hào nhất là suốt quá trình nỗ lực phấn đấu, được giữ nhiều trọng trách, nhất là ở ngành Công an, nhưng tôi không để xảy ra một sai lầm, tiêu cực nào” - Đại tá Lê Văn Phú bày tỏ.

Nói về bản thân, ông Phú cười hiền: “Tôi là đảng viên lão thành, sự gương mẫu kể cả trong công việc cũng như trong cuộc sống hiện nay rất quan trọng. Vợ chồng tôi có 2 người con gái cùng rể, cháu ngoại đều là sĩ quan Công an, là niềm vinh dự, tự hào của gia đình”.

Nói về thế hệ đảng viên hiện nay, ông Phú cho rằng: “Mục tiêu, lý tưởng cách mạng thời điểm nào cũng vậy, gan dạ và hy sinh là mục tiêu xuyên suốt mà mỗi người đảng viên lúc nào cũng phấn đấu để hướng đến. Tuy nhiên, thử thách trong gian khổ càng tạo nên ý chí quyết tâm trong mỗi con người để nỗ lực phấn đấu vươn lên”.

Ông không chỉ là người cao tuổi, mà là đảng viên, cựu chiến binh mẫu mực. Ông cũng được nhiều cán bộ, đảng viên trong Chi bộ, Tổ dân phố biết đến với tinh thần phê bình và tự phê bình cao trong mỗi lần sinh hoạt chi bộ, họp khu phố. Ông trải lòng: “Có người không muốn ý kiến này nọ, nhưng vì tập thể, vì quyền lợi chung, nên tôi thường góp ý trên tinh thần xây dựng, kể cả trong việc đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp vừa qua”.

Có thể nói ở bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào, khó khăn đến mấy, Đại tá Lê Văn Phú đều đạt được thành công nhất định và để lại dấu ấn đẹp trong lòng đồng đội và người dân địa phương. Mùa hè năm nay tuy còn khỏe nhưng việc đi lại có phần giảm sút, thế nhưng Đại tá Lê Văn Phú vẫn luôn trăn trở và mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho nước, cho dân.

“Gần 90 tuổi, thay vì ở nhà quây quần bên con cháu, đằng này chú Hai Phú còn tham gia nhiều việc ở địa phương, đặc biệt là luôn “truyền lửa” chiến đấu cho lớp trẻ đoàn viên, thanh niên TP. Mỹ Tho trong những lần giao lưu, họp mặt truyền thống. Hễ mời là chú có mặt, không bao giờ từ chối… Thật thấy thương chú quá! ” - Phó Bí thư Đảng ủy phường 1, TP. Mỹ Tho Phạm Vĩnh Hiếu bày tỏ.

Đại tá Công an Lê Văn Phú là một nhân cách đẹp, người đảng viên kiên trung, một tấm gương đáng để thế hệ trẻ noi theo.

                                                                             LÊ HỒNG LÂM

.
.
.