Thứ Hai, 24/08/2020, 09:56 (GMT+7)
.

Giành chính quyền về tay nhân dân ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công

Tháng 5-1942, một số đảng viên ở quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) được tiếp xúc với đại diện của liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Qua đó, các đồng chí được tiếp thu tinh thần Nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh và Bức thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước đứng lên tổ chức Hội Cứu quốc chống bọn đế quốc phát xít Pháp - Nhật, đoàn kết đánh đổ chúng, giải phóng dân tộc.

Căn nhà ông Trần Văn Hoài là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam kỳ (ảnh chụp sau ngày miền Nam giải phóng).
Căn nhà ông Trần Văn Hoài là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam kỳ (ảnh chụp sau ngày miền Nam giải phóng).

Tuy tiếp thu đường lối, chủ trương mới của Đảng, nhưng số lượng đảng viên quá ít, nhiều đảng viên của không ít chi bộ chưa liên lạc được với nhau, cộng với sự khủng bố trắng của bọn phát xít Pháp - Nhật, bọn mật thám, chỉ điểm luôn rình rập theo dõi, một số đảng viên tinh thần cách mạng sa sút nằm im..., đã khiến hoạt động của Đảng bộ bị trở ngại không nhỏ. Tình hình đó làm cho việc truyền đạt đường lối, chủ trương mới của Đảng còn nhiều hạn chế. Đến cuối năm 1942, các tổ chức cứu quốc mới chỉ xây dựng được ở một số xã: Thanh Hòa, Long Khánh..., thuộc quận Cai Lậy.

CỦNG CỐ PHONG TRÀO

Từ đầu năm 1943, một số cán bộ, đảng viên vừa thoát khỏi ngục tù của địch và một số từ các địa phương khác lần lượt trở về tỉnh Mỹ Tho hoạt động củng cố phong trào. Sau quá trình chuẩn bị, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho được thành lập, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư (Tỉnh ủy Tiền Phong). Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời phân công nhau tiến hành khôi phục cơ sở đảng ở quận Chợ Gạo, TX. Mỹ Tho, quận Cai Lậy...; nhưng nhìn chung, hệ thống cơ sở đảng chưa mạnh. Địch vẫn còn tăng cường rình rập, theo dõi, bắt bớ cán bộ và đánh phá cơ sở. Tình hình đó làm một số cơ sở đảng bị vỡ…

Tiếng reo hò mừng cách mạng thành công của nhân dân ta vang lên, người người tay nắm chặt tay kéo về TX. Mỹ Tho, lòng tràn đầy niềm tự hào và xúc động. Ước mơ bao đời về độc lập, tự do mà Đảng Cộng sản và nhân dân ta đã đổi bằng xương máu hết lớp này đến lớp khác, hôm nay đã thực sự đến với nhân dân TX. Mỹ Tho “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Đến ngày 25-8-1945, lần lượt các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Cai Lậy, Cái Bè, An Hóa chính quyền đã thuộc về tay nhân dân.

Tháng 10-1943, các đồng chí Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ tổ chức Hội nghị thành lập Ban Cán sự Xứ ủy. Hội nghị có đại biểu của 21 tỉnh, thành họp tại nhà ông Trần Văn Hoài (Hương trưởng Hoài) ở xã Tân Thuận Bình, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho.

Hội nghị đề ra phương hướng hành động trước mắt và chuẩn bị khi nhận được nghị quyết và tài liệu của Trung ương thì thống nhất hành động. Hội nghị bầu đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư Ban Cán sự Xứ ủy (Xứ ủy Tiền Phong). Đồng chí Nguyễn Văn Côn, đại biểu tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) đến dự và được cử làm Xứ ủy viên. Việc đồng chí Nguyễn Văn Côn được bầu vào Xứ ủy đánh dấu phong trào cách mạng ở tỉnh Gò Công được tiếp tục hòa vào phong trào chung, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Xứ ủy Nam kỳ.

Tại 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, cuối năm 1944 phong trào cách mạng đã được khôi phục, phát triển, nhất là ở các quận Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo, Cái Bè. Chương trình, Điều lệ Mặt trận Việt Minh được phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Ngoài tổ chức bí mật, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn chú ý phát triển các tổ chức quần chúng đấu tranh chống bọn tay sai để quốc phát xít Nhật - Pháp, mặc dù chưa mạnh và rộng khắp, nhưng đã chứng tỏ phong trào được khôi phục và trên đà phát triển mạnh mẽ.

Năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp dưới chiêu bài “Việt Nam độc lập”. Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Một cao trào chống Nhật phát động trong cả nước, các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ lão cứu quốc.

Tỉnh Mỹ Tho có 2 Tỉnh ủy, chịu sự lãnh đạo của Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ. Từ kinh nghiệm trong khởi nghĩa Nam kỳ, ngoài việc xây dựng phong trào cách mạng, Tỉnh ủy còn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, vận động quần chúng tự mua sắm vũ khí, xây dựng cơ sở trong hàng ngũ địch, mở trường huấn luyện chính trị, quân sự đưa về cơ sở làm nòng cốt xây dựng lực lượng.

Tháng 4-1945, Xứ ủy Giải Phóng mở trường tại xã Thạnh Phú (quận Châu Thành), đào tạo được 1 lớp cán bộ chính trị cơ sở cho Nam kỳ (mỗi khóa khoảng 1 tháng). Tỉnh ủy Tiền Phong đưa đảng viên, cán bộ vào lãnh đạo, tập hợp lực lượng trong tổ chức Thanh niên Tiền phong, với nhiều hình thức phong phú, như tập võ nghệ, canh gác, mở lớp đào tạo cán bộ…

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, ngày 19-5-1945, đồng chí Phan Lương Trực (giáo Trực) mở trường huấn luyện tại đình An Vĩnh, xã Long An, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (trường có tên là “Trường Võ bị Mỹ Tho”), lớp đầu tiên có khoảng 100 học viên.

Nội dung huấn luyện chủ yếu là cách sử dụng súng trường, đội hình chiến đấu tiểu đội cá nhân, ngoài ra còn học vệ sinh cá nhân, băng bó cứu thương, thời gian học 40 ngày, tuy ngắn, những bài học còn đơn giản, nhưng đã trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về quân sự, về đấu tranh cách mạng và việc tập hợp lực lượng quần chúng ở cơ sở.

Tháng 5-1945, trước tình hình thế giới có nhiều chuyển biến thuận lợi, phát xít Đức thua trận, đầu hàng quân Đồng Minh. Để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo phong trào cách mạng từng địa phương, Xứ ủy Giải Phóng và Xứ ủy Tiền Phong chủ trương hợp nhất. Tháng 6-1945, Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải Phóng hợp nhất thành Tỉnh ủy Mỹ Tho (nhưng 2 Xứ ủy đến tháng 10-1945 mới hợp nhất).

CHỚP THỜI CƠ, GIÀNH CHÍNH QUYỀN

Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Chớp lấy thời cơ này, Tổng bộ Việt Minh ra lời hiệu triệu toàn dân vùng dậy giành lại quyền. Trước khí thế của cách mạng, chính quyền địch vô cùng hoang mang, rệu rã, bất lực trước phong trào cách mạng của quần chúng. Lực lượng vũ trang phát triển mạnh đều khắp trong tỉnh, nhất là ở các quận Cai Lậy, Châu Thành, mỗi làng đều có từ 1 đến 3 trung đội thường xuyên tổ chức luyện tập.

Các tổ chức cơ sở đảng vận động các lò rèn làm các loại vũ khí giáo mác, gươm, phi tiêu, súng lửa để trang bị cho lực lượng vũ trang. Đồng thời, Đảng chủ trương xây dựng cơ sở cách mạng trong hàng ngũ của địch nhằm phân hóa cao độ hàng ngũ kẻ thù, vạch mặt bọn tay sai làm vô hiệu hóa các tổ chức phản động.

Quân đội Nhật ở Nam bộ nói chung, 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nói riêng hoang mang cực độ. Đó là thời cơ vô cùng thuận lợi để nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền, gồm các đồng chí Phan Lương Trực, Kỉnh Cụt, Ba Cần, Hương Thân Được và Lưu Văn Đoàn, đã quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền, với phương châm nơi nào có lực lượng mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta yếu thì khởi nghĩa sau, với mục tiêu giành chính quyền về tay nhân dân trong toàn tỉnh.

Hội nghị quyết định thành lập Ban vận động Việt Minh, gồm các đồng chí: Phan Lương Trực, Kinh Cụt, Ba Cần, Hương Thân Được và Lưu Văn Đoàn, đã vận động binh sĩ mang về 32 súng, cùng với số súng còn chôn giữ từ thời Nam kỳ khởi nghĩa và mò được 20 súng từ tàu Pháp chìm ở cồn Rồng, xã Bình Đức, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho chuẩn bị cho cướp chính quyền.

Trường Võ bị Mỹ Tho đang huấn luyện lớp thứ hai, nhận được lệnh khởi nghĩa. Khoảng 4 giờ ngày 18-8-1945, trường biên chế thành phân đội có 3 trung đội, do đồng chí Phan Lương Trực chỉ huy, tiến vào giải phóng TX. Mỹ Tho, kết hợp với binh sĩ địch có tinh thần giác ngộ cách mạng và lực lượng quần chúng cách mạng nổi dậy ở bên trong; đến 7 giờ ta đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch và làm chủ tình hình trong thị xã.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.