Thứ Tư, 26/08/2020, 07:40 (GMT+7)
.

Tạo niềm tin cho nhân dân trong những ngày đầu theo Đảng

Từ 3 giờ ngày 24-8-1945, gần 30 ngàn người từ các xã lần lượt kéo về TX. Gò Công biểu dương lực lượng. Đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) tuyên bố lý do cuộc mít tinh và đọc 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Đồng chí tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân. Quần chúng phấn khởi hô vang khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Sau cuộc mít tinh, đoàn biểu tình phân tán về các địa phương tiến hành giải tán các ban hội tề và thành lập chính quyền cách mạng cấp xã.

Các lực lượng Quân đội diễu hành qua sân lễ tại Lễ Kỷ niệm 33 năm Quốc khánh 2-9-1978.                 Ảnh: NGUYỄN THIỂU
Các lực lượng Quân đội diễu hành qua sân lễ tại Lễ Kỷ niệm 33 năm Quốc khánh 2-9-1978. Ảnh: NGUYỄN THIỂU

Sáng ngày 25-8, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cuộc mít tinh tại sân vận động TX. Mỹ Tho, với hơn 30.000 đồng bào khắp nơi trong tỉnh về dự để chào mừng chính quyền nhân dân và chứng kiến Lễ ra mắt của UBND tỉnh.

VAI TRÒ CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TRONG KHỞI NGHĨA THÁNG TÁM

Ngày 12-8-1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở xóm Vườn, ấp Miễu, xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị xúc tiến công tác tổ chức lực lượng vũ trang, mua sắm và chế tạo vũ khí, dự trữ lương thực, thuốc men, may cờ, in tài liệu, luyện tập quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, do đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chỉ huy trưởng.

Chỉ trong thời gian ngắn, sống dưới chế độ dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo, nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công trở thành người chủ đất nước, được hưởng quyền lợi của người dân nước độc lập, được học tập, hội họp, tham gia vào việc nước. Sự phấn khởi, tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, đối với chính quyền cách mạng đã tạo nên sức mạnh, niềm tin trong việc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.

Sau khi được thành lập, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Quân sự tỉnh tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ của tỉnh hơn 3.000 người, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, hăng hái, viết lên những trang sử vàng cho dân tộc, khởi nghĩa giành quyền làm chủ ở 75 làng (2 quận Châu Thành và Cai Lậy đã làm chủ hoàn toàn nông thôn), đã chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng được 41 ngày, đây là thành tích lớn của lực lượng tự vệ, giúp chính quyền cách mạng tạo nên một ấn tượng tốt đẹp trong quần chúng nhân dân.

Khi địch tăng cường thêm lực lượng và phương tiện chiến tranh đàn áp, hệ thống tổ chức chính quyền cách mạng bị phá vỡ, nhưng lực lượng tự vệ tập trung vẫn một lòng trung kiên với cách mạng dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Phạm Văn Kỳ (Mười Kỳ), đưa lực lượng về địa bàn ven Đồng Tháp Mười tiếp tục chiến đấu, gây cho địch nhiều tổn thất.

Đến khi đồng chí Mười Kỳ hy sinh, sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức chỉ huy không còn nữa, đội du kích phải phân tán để duy trì lực lượng, tiếp tục móc nối tổ chức Đảng các địa phương để được duy trì hoạt động. Lực lượng tự vệ mật các làng, trước sự đàn áp của địch, phần đông đều bị địch bắt, số còn lại phải đi địa phương khác lẩn tránh, số chưa bị lộ tiếp tục nằm chờ thời cơ.

Cho đến khi hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được củng cố (năm 1943), lực lượng tự vệ đã được củng cố và phát triển rất nhanh. Chỉ sau thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho và Tỉnh ủy Gò Công, lực lượng vũ trang cùng với quần chúng làm Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi.

CÁCH MẠNG THÀNH CÔNG

Ngày 20-8-1945, Quận ủy Cai Lậy được Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo: “Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đang diễn ra cả nước. Vì vậy, ngay từ bây giờ, quận tùy tình hình thực tế mà tiến hành khởi nghĩa, không đợi chỉ đạo của tỉnh hay trông chờ lực lượng của cấp trên về giúp đỡ”. Cuộc họp Quận ủy bàn vấn đề khởi nghĩa quyết định: “Trước hết phải huy động lực lượng quần chúng và tự vệ chiếm bằng được đồn mã tà và dinh quận. Sau đó, một phần lực lượng này trở về chiếm các xã còn lại”.

11 giờ ngày 23-8-1945, tin từ cơ sở trong đồn mã tà dinh quận báo ra cho biết quận Châu Thành đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Quận ủy lập tức ra lệnh khởi nghĩa. Các trung đội tự vệ và đội tự vệ các xã được lệnh kéo về bao vây dinh quận và đồn mã tà. Các đơn vị kéo về kịp gồm: Trung đội Phủ Thờ, Trung đội cầu Bổn Ty, Trung đội Tứ Kiệt, Trung đội Thanh niên Tiền phong, Đội tự vệ cầu Sa Rài (Tân Bình) và các đội tự vệ các làng Nhị Mỹ, Tân Hội, Thanh Hòa, Long Khánh, Bình Phú cùng quần chúng đông đến hàng ngàn người mang theo gươm, mã tấu, tầm vông vạt nhọn, phi tiêu, khí thế rất rầm rộ.

Trung đội Thanh niên Tiền phong của đồng chí Mai Văn Huyện và Đội tự vệ Sa Rài bao vây đồn mã tà, lực lượng còn lại bao vây dinh quận. Trong đồn mã tà, nội ứng của ta đã phá kho súng, buộc những tên ngoan cố còn lại phải đầu hàng. Tên quận trưởng Lê Văn An không còn cách nào khác cũng phải đầu hàng.

Đến chiều ngày 23-8-1945, Trung đội tự vệ Mỹ Phước Tây, các đội tự vệ các làng Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung, Mỹ Phước Tây và quần chúng các làng trên mới ra tới quận thì mọi việc đã hoàn thành. Mọi người vui sướng hò reo kéo nhau tuần hành quanh dinh quận mừng chiến thắng.

Cách mạng thành công, chính quyền cách mạng đầu tiên: Ủy ban Hành chánh quân Cai Lậy ra mắt. Đồng chí Phạm Văn Kiện, Quận ủy viên được cử phụ trách Ủy viên quân sự. Tổ chức chỉ huy quân sự đầu tiên của quận cũng được thành lập, lấy tên là Ban Dân quân huyện. Đồng thời, các Ban Dân quân xã cũng được thành lập. Các đơn vị tự vệ ở quận, xã thống nhất gọi là Đội tự vệ chiến đấu…

Ngày 2-9-1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gò Công, của Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công, nhân dân ở 40 làng trong tỉnh Gò Công với băng cờ, biểu ngữ rầm rộ kéo về thị xã để dự mít tinh tại nhà việc làng thành phố (nay là Bưu điện TX. Gò Công), chờ hơn 1 giờ đồng hồ để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng không nghe được vì không bắt được sóng từ đài Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Văn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Gò Công kiêm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công đứng ra thông báo cho nhân dân biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là người đang lãnh đạo cách mạng Việt Nam và kêu gọi nhân dân trong tỉnh đoàn kết, nguyện quyết tâm ủng hộ cách mạng, bảo vệ chính quyền mới thành lập.

Nhân dân tỉnh Gò Công vui mừng và vô cùng phấn khởi. Cùng với sự ra đời của Ủy ban Hành chánh lâm thời, Mặt trận Việt Minh cũng ra công khai hoạt động, các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Viên chức cứu quốc... đã tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh.

Thực hiện 10 chính sách của Việt Minh, Ủy ban Hành chính lâm thời 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế bất công, giảm 25% địa tô chính, bãi bỏ địa tô phụ, hủy bỏ tất cả các món nợ cũ, vận động địa chủ đốt giấy nợ...

Những việc làm này đã từng bước tạo điều kiện cải thiện đời sống nhân dân, đã thực hiện được mơ ước của người nông dân về ruộng đất, tạo niềm tin lớn cho nhân dân trong những ngày đầu theo Đảng làm cách mạng. Chính quyền cũng đã mở nhiều lớp chống nạn mù chữ, chống nạn cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan và tích cực giúp đỡ người nghèo đói, bệnh tật…

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.