Để Nghị quyết 33 lan tỏa đến mọi nhà
Công tác gia đình (CTGĐ) đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, phát triển. Trong Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (viết tắt là Nghị quyết 33) đã nêu rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các địa phương đối với CTGĐ. Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết 33 và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về CTGĐ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giúp nhiều gia đình nâng cao ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG
Nghị quyết 33 nêu rõ nhiệm vụ của mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân: “Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau...”.
Qua đó cho thấy, CTGĐ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành một xã hội yên bình, phồn vinh và phát triển. Mỗi gia đình hạnh phúc và hành xử văn hóa thì sẽ tạo nên một xã hội văn hóa, văn minh.
Thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư khóa IX, ngày 6-4-2005 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Thông tri 27; UBND tỉnh Tiền Giang có Kế hoạch 1911 về thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình giai đoạn 2005 - 2010 và Chương trình 02 về việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và nhiều văn bản khác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang để chỉ đạo thống nhất thực hiện CTGĐ trong toàn tỉnh...
Thực hiện các văn bản chỉ đạo trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33 với nhiều giải pháp triển khai thực hiện. Ngoài ra, cấp ủy các huyện, thành, thị và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện, yêu cầu của địa phương và ngành mình; tiến hành triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện.
Ban Chỉ đạo CTGĐ tỉnh Tiền Giang khen thưởng các gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền. |
Cụ thể, ngành VH-TT&DL đã tổ chức hoạt động tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan gồm 9.300 băng rôn, 5.950 pa nô, dàn dựng 269 chương trình văn nghệ với chủ đề xây dựng gia đình hạnh phúc. Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang mở nhiều chuyên mục, chuyên trang: “Đời sống văn hóa”, “Vì trẻ em”, “Hoa đời thường”, “Chuyện làng, chuyện phố”…
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở phối hợp các ngành liên quan thường xuyên lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp để tuyên truyền, giáo dục tiền hôn nhân, hạnh phúc gia đình cho lứa tuổi thanh niên; tuyên truyền các chính sách của cấp trên liên quan đến CTGĐ đạt được một số kết quả nhất định.
Chị Lê Thị Cát Xương, công chức văn hóa - xã hội xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Trước đây, CTGĐ chưa được quan tâm đúng mức, nên xã Long Vĩnh vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, cấp trên rất quan tâm, như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về CTGĐ, cấp cơ sở tăng cường tuyên truyền thông qua hội họp và trực tiếp đến hộ dân khi phát hiện có dấu hiệu bạo lực gia đình để giải thích, hòa giải... Qua đó nâng cao nhận thức các thành viên trong gia đình và xã hội sống, có trách nhiệm hơn".
SỨC LAN TỎA TỪ CTGĐ
Để tạo sức lan tỏa trong CTGĐ, hằng năm, Ban Chỉ đạo CTGĐ từ tỉnh đến cơ sở đều được củng cố, kiện toàn. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Tiền Giang có 196 cán bộ được phân công kiêm nhiệm thực hiện CTGĐ từ tỉnh đến cơ sở. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ làm CTGĐ có năng lực chuyên môn khá tốt, đáp ứng yêu cầu công việc.
Cán bộ CTGĐ đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền chính sách liên quan đến CTGĐ, vận động, hỗ trợ nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo đạt kết quả tốt. Tỷ lệ hộ khá, giàu tăng hằng năm; nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, năm 2005 chiếm tỷ lệ 17,89% hộ nghèo, thì đến năm 2019 chỉ còn 2,51%.
Thời gian qua, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giúp nhiều gia đình nâng cao ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình. |
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Lê Văn Dũng, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các đề án, chương trình về CTGĐ được chú trọng, từng bước đi vào nền nếp, đạt được nhiều kết quả, góp phần xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần hạn chế, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, CTGĐ vẫn còn một số hạn chế như: Một bộ phận người dân ý thức còn kém, đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp. Một số nơi vẫn còn hiện tượng chạy theo thành tích, số lượng gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao nhưng tệ nạn xã hội vẫn còn. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ và một bộ phận nhân dân còn xem nhẹ CTGĐ, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình đối với xã hội…
Để khắc phục những hạn chế trên, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã đề ra 5 nhóm giải pháp để tháo gỡ, đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết 33. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư, Thông tri 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về CTGĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; gắn thực hiện các chỉ tiêu về CTGĐ với thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời gian tới.
HOÀI THU