Thứ Tư, 23/09/2020, 08:56 (GMT+7)
.

Đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phát động phong trào thi đua yêu nước, coi đây là một trong những phương thức lãnh đạo cách mạng, là nghệ thuật tổ chức và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, là phương pháp giáo dục tổng hợp sinh động và có hiệu quả lớn của Đảng.

Chính vì thế, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Ngày 7-4-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 34 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong đó nhấn mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng:

Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy”.

Trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng ở cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã có chuyển biến tích cực. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua. Công tác khen thưởng cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật, đã động viên, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn,...

Tuy nhiên, trong thực tế ở cơ sở còn thiếu vắng phong trào thi đua; phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị, chưa huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Ở một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đến công tác này. Nhiều nơi việc khen thưởng còn thiếu chính xác, chưa kịp thời; khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao,…

Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Tiền Giang lần thứ VI năm 2020 và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong các phong trào thi đua và công tác thi đua - khen thưởng; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng.

M.T

 

.
.
.