Những ngày tháng Chín lịch sử 75 năm trước ở Mỹ Tho và Gò Công
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Chương 1, Điều 13, Mục 4 khẳng định: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày mùng 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Các lực lượng quân đội diễu hành qua sân lễ tại Lễ kỷ niệm 33 năm Quốc khánh 2-9-1978. Ảnh: NGUYỄN THIỂU |
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của hàng vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh tham gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân dân trên thế giới, từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới.
Tuyên ngôn cũng khẳng định đanh thép: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”.
Không khí hào hùng của mùa thu ấy lan tỏa toàn quốc. Ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) cũng với không khí ấy, nhưng rất tiếc, do thông tin về thời gian khai mạc Lễ Độc lập bị trục trặc, nên ngay từ mờ sáng mùng 2-9, nhân dân 2 tỉnh đã có mặt tại địa điểm mít tinh chờ nghe trực tiếp truyền thanh buổi lễ.
Chờ mãi đến trưa vẫn chưa có tín hiệu, Ban Tổ chức mừng Lễ Độc lập của 2 tỉnh quyết định biến cuộc mít tinh thành cuộc thị uy sức mạnh nhân dân “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh” và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”… khắp đường phố TX. Mỹ Tho, TX. Gò Công. Sau đó, từng đoàn kéo về các quận kêu gọi nhân dân ra sức xây dựng chính quyền, gia nhập lực lượng cách mạng để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám mà nhân dân ta mới giành được.
Để giữ lời thề độc lập cùng dân tộc, Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công xác định nhiệm vụ lúc này là phải giữ vững chính quyền cách mạng, cải thiện đời sống nhân dân và bài trừ nội phản. Đảng bộ 2 tỉnh đề ra chủ trương:
Về chính trị: Tăng cường khối đoàn kết toàn dân, thu hút, quy tụ mọi thành phần vào Mặt trận Việt Minh thực hiện nhiệm vụ chung của dân tộc là kháng chiến và kiến quốc. Phát động nhân dân đóng góp vào Quỹ Độc lập và hưởng ứng Tuần lễ Vàng theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Chính phủ. Về quân sự: Nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã và đẩy mạnh công tác trừ gian, bảo mật.
Về kinh tế: Thực hiện giảm tức 8%, giảm tô 25%, lập các Hội đồng Hòa giải để định lại mức tô ở những nơi đã lấy tô cao. Về văn hóa, giáo dục: Mở bình dân học vụ xóa nạn mù chữ; thực hiện nếp sống mới, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán; cấm nạn cờ bạc; dẹp cầu tiêu trên sông rạch, làm cầu tiêu kiểu mẫu, tổ chức đội cứu thương chữa bệnh...
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, chính quyền cách mạng 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công khẩn trương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia với tinh thần tích cực, tự nguyện vào các phong trào cách mạng.
Các quận Châu Thành, Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho) thành lập Tổng bộ Việt Minh; các quận khác thành lập các đoàn thể cứu quốc: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Các đoàn thể phát triển nhanh chóng, thu hút đoàn viên, hội viên ngày càng đông, hoạt động sôi nổi, sống trong không khí độc lập nên rất phấn khởi, sẵn sàng phục vụ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược, đồng thời hỗ trợ xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ thành quả của cách mạng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công, hầu hết các xã thành lập tổ chức Đội Dân quân cách mạng bảo vệ thành quả cách mạng. Hàng trăm thanh niên là học sinh, sinh viên ở TX. Mỹ Tho tham gia Liên đoàn Học sinh. Ngày 9-9-1945, lực lượng Cộng hòa Tự vệ tỉnh Gò Công được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh Gò Công.
Sau khi thành lập, đơn vị vinh dự mang tên Bộ đội Trương Công Định và qua đợt đầu tuyển 200 chiến sĩ, hình thành 4 trung đội, là lực lượng có thành phần cơ bản, chủ yếu là nông dân có ý chí căm thù giặc, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích nhân dân. Các xã ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công thành lập Đội Dân quân tự vệ canh gác, bảo vệ xóm làng.
Bộ máy chính quyền bổ sung cán bộ là đảng viên và nhân sĩ trí thức nổi tiếng. Chấn chỉnh và kiện toàn bộ máy hành chính các cấp được tiến hành khẩn trương. Ủy ban Nhân dân cải tổ thành Ủy ban Hành chính. Khối đại đoàn kết dân tộc tăng cường. Mặt trận Việt Minh mở rộng.
Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh được củng cố. Một số tổ chức quần chúng thành lập như: Liên hiệp Công đoàn ở tỉnh Mỹ Tho, Liên đoàn Công chức ở tỉnh Gò Công. Tất cả đều hoạt động sôi nổi và phát triển.
Nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ Vàng” và đóng góp Quỹ Độc lập do Chính phủ phát động. Riêng ở tỉnh Gò Công, Mặt trận Việt Minh quyên góp 500.000 đồng tiền Đông Dương và rất nhiều nữ trang. Số tiền và vàng do nhân dân đóng góp đã góp phần vào việc giải quyết khó khăn về tài chính của chính quyền cách mạng.
Về kinh tế, chính quyền thực hiện giảm tức giảm tô, lập Hội đồng Hòa giải định lại mức tô ở nơi lấy tô cao, cấp công điền, công thổ cho nông dân nghèo canh tác.
Về văn hóa - xã hội, phong trào xóa nạn mù chữ triển khai rầm rộ trên địa bàn toàn tỉnh; lớp bình dân học vụ mở ở khắp nơi; nhiều đội cứu thương, khám, chữa bệnh được thành lập; Cuộc vận động thực hiện nếp sống mới được đẩy mạnh, các tệ nạn xã hội, như mê tín dị đoan, đồng bóng, bói toán, cờ bạc, rượu chè… đều bị bài trừ.
Ngoài ra, nhân dân 2 tỉnh còn chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống quân Pháp xâm lược. Trong tháng 9-1945, Ủy ban Kháng chiến các cấp được thành lập. Nhân dân ở các thị xã, thị trấn tản cư về vùng nông thôn thực hiện phương châm “vườn không nhà trống”.
Thanh niên nô nức tòng quân. Ở TX. Mỹ Tho có 2 Chi đội Phan Đình Lân và Phan Lương Trực. Ở TX. Gò Công có lực lượng Cộng hòa Tự vệ và Cộng hòa Vệ binh. Tất cả các xã trong tỉnh đều có lực lượng Tự vệ, trong đó có nhiều xã có 3 trung đội. Phong trào luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi.
Các phòng tuyến ngăn chặn địch thiết lập ở nhiều nơi: Trên đường Sài Gòn - Gò Công có phòng tuyến Cầu Nổi; trên đường Sài Gòn - Mỹ Tho nhân dân dựng lên nhiều chướng ngại vật; trên sông Cửa Tiểu có phòng tuyến Pháo Đài, vàm Gò Công, Vàm Giồng; trên sông Tiền, kinh Bảo Định, rạch Ba Rài… nhân dân đắp cản hàn sông.
Công tác “tiêu thổ kháng chiến” thực hiện ráo riết; nhân dân đốn cây, hạ cột điện, phá cầu đường, trụ sở, nhà đèn, bến cảng, kho tàng để địch không lợi dụng những thứ đó phục vụ cuộc xâm chiếm. Căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười được xây dựng. Các binh công xưởng ra đời, sản xuất vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang.
Với sự quyết tâm cao độ, nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công đã sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống quân Pháp xâm lược với tinh thần quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc.
LÊ VĂN TÝ