Thứ Bảy, 19/09/2020, 06:25 (GMT+7)
.

Nữ cựu tù kiên trung thời chiến, gương mẫu thời bình

Vừa qua tuổi 16, cô Mai Thị Nga (Bảy Nga) đã tham gia giao liên ở xã Tân Bình (nay thuộc TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), rồi làm Hội trưởng Phụ nữ xã, đi xây dựng phong trào, được kết nạp vào Đảng tháng 5-1962... Bị địch bắt, tù đày, chịu nhiều đòn roi tra tấn dã man, cô vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, bảo vệ an toàn tổ chức cơ sở đảng. Hiện nay, dù ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, với vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) TX. Cai Lậy, cô vẫn luôn là tấm gương mẫu mực, cống hiến hết mình, chăm lo đời sống những NCT, hộ nghèo neo đơn trên địa bàn phụ trách.

Đồng chí Mai Thị Nga (bìa phải) nhận Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy tặng Hội NCT huyện  nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam và tổng kết phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” huyện Cai Lậy lần thứ II - năm 2015 .
Đồng chí Mai Thị Nga (bìa phải) nhận Bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy tặng Hội NCT huyện nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam và tổng kết phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” huyện Cai Lậy lần thứ II - năm 2015 .

KIÊN TRUNG THỜI CHIẾN

Cô Bảy nhớ lại: “Khoảng cuối năm 1960 đầu năm 1961, cô được chú Chín Thi, khi đó là Bí thư Chi bộ xã Tân Bình giao làm giao liên, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ra ám hiệu cho các cô chú mỗi lần hội họp; sau đó cô được giao làm Hội phó rồi Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Tân Bình. Đến ngày 19-5-1962, cô được kết nạp vào Đảng khi vừa qua tuổi 18…”. Với nhiệt huyết, tinh thần quả cảm, cô Bảy Nga tích cực tham gia xây dựng phong trào ở cơ sở, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Chiều ngày 20-12-1962, trên đường trở về sau khi dự hội nghị ở xã Mỹ Hạnh Trung, cô bị giặc bắt tại khu vực chùa Khánh Quới ngày nay, chúng giải cô về Chi khu Cai Lậy tra khảo bằng hình thức đổ xà phòng vào miệng suốt 2 ngày đêm. Với suy nghĩ “thà xấu mặt mình để bảo vệ tổ chức, cô đã nói dối, tự nhận mình có yêu đương lén lút và đã có mang”. Bọn giặc vẫn nghi ngờ, tiếp tục chuyển cô về Khám lớn Mỹ Tho, rồi Trại giam Thủ Đức.

Tại đây, cô Bảy Nga cùng cô Trương Mỹ Hoa (nguyên Phó Chủ tịch nước) vận động chị em không khai báo, không chào cờ, tuyệt thực, không thực hiện các nội quy nhà giam.... Trước những đòn tra khảo của kẻ thù, cô khéo léo trả lời các câu hỏi của giặc, vừa tránh cho bản thân, vừa giữ được bí mật của tổ chức cách mạng trong nhà giam. Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và ứng xử thông minh của cô đã có tác dụng rất lớn trong việc khích lệ, động viên những người tù chính trị trong trại giam. Cuối cùng, chúng buộc phải thả cô Bảy Nga ra khỏi nhà tù (vào đầu năm 1965).

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở cương vị, công việc nào, cô Mai Thị Nga vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc, gần gũi với đồng chí, với anh em, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những ai đã từng công tác với cô. Không những thế, nhiều người còn thừa nhận, dù vợ chồng cô và những người con đều giữ những trọng trách quan trọng, nhưng mọi người vẫn luôn sống chan hòa với hàng xóm…

Được thả tự do, chí khí cách mạng càng thêm hun đúc, cô sớm bắt liên lạc trở lại với tổ chức cách mạng. Thời gian này cô được tổ chức làm lễ thành hôn cùng chú Châu Thế Bình (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) - người đồng chí kiên nhẫn chờ đợi cô suốt bao năm tại căn cứ cách mạng.

Năm 1969, trên cương vị là Huyện ủy viên, cô được tổ chức phân công phụ trách 2 xã Tân Phong và Hiệp Đức, với nhiệm vụ gây dựng lại chi bộ. Gửi lại đứa con thân yêu của mình cho người thân, cô Bảy Nga đến nhiều nơi, khéo léo liên lạc với những gia đình có nhân thân tốt để tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh. Với vỏ bọc là thợ may, cô tranh thủ tuyên truyền những chính sách của Đảng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh… cho mọi người nghe.

Hơn 1 năm sau, khi chi bộ 2 nơi này đã ổn định, cấp trên rút cô về huyện Cai Lậy Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đến năm 1972, cô được Đảng ủy Cai Lậy Bắc cử đến Trường Đảng Trần Phú (lúc này tạm đóng ở Campuchia) báo cáo điển hình về kinh nghiệm xây dựng chi bộ trong vùng tạm chiếm mà cô đã thực hiện ở 2 xã Tân Phong và Hiệp Đức. Bài tham luận của cô được các đại biểu đánh giá cao và được chấm giải Nhất.

GƯƠNG MẪU THỜI BÌNH

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, cô Bảy Nga được tổ chức điều động làm Phó Ban Thương nghiệp - Vật giá tỉnh Tiền Giang. Đến năm 1982, cô được tổ chức giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy. Trên cương vị mới, cô luôn nhận thức được trách nhiệm quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền giao, luôn tiên phong, gương mẫu trong công tác, được nhiều người nể phục, yêu mến.

Cô nhớ lại, khi đó, Đội Bóng đá của huyện đang có nguy cơ tan rã. Cô suy nghĩ: Bóng đá huyện Cai Lậy nổi tiếng một thời, bây giờ không giữ được thì thật là đáng tiếc, không thể thế được. Vì lẽ đó, cô tự thân đi thuyết phục từng cầu thủ và vận động các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ đội bóng.

Chẳng bao lâu, Đội Bóng đá huyện Cai Lậy “đá đâu thắng đó”, vinh dự được đại diện tỉnh Tiền Giang tranh giải khu vực. Niềm vui chưa kịp lắng xuống thì khó khăn ập đến: Lấy kinh phí từ đâu để đi dự giải? Cô Bảy đã trực tiếp đến gặp đồng chí Chín Hiếu (Võ Quốc Hiếu), Phó Chủ tịch UBND tỉnh thuyết phục.

Với những lý lẽ chính đáng của cô, không chỉ đồng chí Chín Hiếu, mà nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh cũng đã đồng tình, duyệt cấp kinh phí cho Đội Bóng đá huyện Cai Lậy tham dự giải. Không những thế, Đội Văn nghệ quần chúng huyện Cai Lậy giai đoạn 1982 - 1984 cũng đã tạo tiếng vang lớn...

Từ năm 1984, cô Bảy Nga được phân công làm Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy. Đứng đầu 2 cơ quan, cô có lợi thế là nắm được đầu mối công việc, chia sẻ, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm một cách hợp lý, từ đó triển khai kịp thời, có hiệu quả các công việc được giao.

Trước mỗi công việc, cô suy nghĩ rất kỹ những mặt thuận lợi, khó khăn, từ đó tìm giải pháp phù hợp. Vì lẽ đó, hàng trăm ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được xây tặng cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở; quan tâm giúp đỡ nhiều gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng quà nhân các dịp lễ, tết…

Năm 2000, vừa nghỉ hưu theo chế độ thì cô nhận nhiệm vụ tại Hội NCT huyện Cai Lậy. Qua 20 năm công tác với vai trò Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội NCT TX. Cai Lậy hiện nay, cô đã đưa hoạt động chăm lo cho NCT trên địa bàn huyện ngày càng đi vào nền nếp, chiều sâu, hội viên tích cực tham gia các chương trình, phong trào, cuộc vận động như: Chương trình “Mắt sáng cho NCT”, NCT chung sức bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Đặc biệt là Cuộc vận động “Nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe cho NCT”…  Cô còn trực tiếp đến các xã vận động thành lập đội thể dục dưỡng sinh, thu hút đông đảo NCT tích cực tập luyện. Rồi cô bày ra trước mặt tôi tập album dày cộm ảnh lưu niệm những lần tham gia các giải thể thao, cho xem nhiều chiếc cúp trong các cuộc thi thể dục dưỡng sinh, các đợt tập huấn hay thi đấu thể thao…

HOÀNG DANH

.
.
.