Chuyển dịch cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả (*)
Phát triển nông nghiệp là lĩnh vực luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong 5 năm qua, cơ cấu nội ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
CHUYỂN DỊCH ĐÚNG HƯỚNG
Trong thời gian qua, từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng và đóng góp vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,7%/năm; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, năm 2015 chiếm 45,8% thì năm 2020 là 37,1%.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, ngành Trồng trọt chiếm tỷ trọng cao nhất và có xu hướng giảm dần qua từng năm. Trong nội bộ ngành Trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích cây lúa, 5 năm qua đã chuyển đổi gần 18.000 ha đất lúa sang cây ăn trái và rau màu các loại. Hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích khá lớn như sầu riêng 13.000 ha, 15.000 ha khóm, thanh long 9.200 ha, bưởi gần 5.000 ha, vùng chuyên canh rau với diện tích gieo trồng 50.000 ha, vùng lúa chất lượng cao khoảng 35.000 ha, vùng lúa thơm đặc sản khoảng 20.000 ha...; đồng thời, tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Lợi nhuận trên 1 ha cây ăn trái cao gấp từ 2 đến 16 lần so với lúa, trên 1 ha rau luân canh cao gấp 2 đến 5 lần so với lúa, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngành Chăn nuôi chiếm tỷ trọng thấp nhất và 5 năm qua có xu hướng chuyển dịch tăng dần, cơ cấu nội bộ ngành đã chuyển dịch giảm dần đàn heo (nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường), tăng tổng đàn gia cầm bình quân 12,5%/năm, từ 8,9 triệu con năm 2015 đến nay khoảng 16 triệu con, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thứ 6 trên cả nước. Một số cơ sở chăn nuôi đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao như đầu tư hệ thống chuồng lạnh, tự động hóa hoàn toàn qua phần mềm vi tính…
Ngành Thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 24% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, xu hướng tăng nhẹ do diện tích mặt nước nuôi gia tăng không đáng kể; tuy nhiên có sự dịch chuyển tỷ trọng giữa 2 loại thủy vực nước ngọt và mặn, lợ. Năm 2015, tỷ trọng diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ chiếm 59% thì năm 2020 là 68%. Mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn đã dần thay thế cách nuôi truyền thống, năng suất cũng tăng lên 30 - 60 tấn/ha, cao hơn từ 8 - 10 lần so trước đây. Đối với lĩnh vực khai thác qua triển khai một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản đã gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian bám biển dài hơn, công suất tàu tăng trung bình 8,1%/năm.
Song hành cùng với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thì từ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn từ các dự án ODA, vốn ngân sách tỉnh.... đã tiến hành đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trước diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu (hạn, xâm nhập mặn) diễn ra trong những năm gần đây.
Nhìn chung, trong 5 năm qua khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là nền tảng cho công nghiệp dịch vụ phát triển; thông qua công tác quản lý ngành, công tác hướng dẫn, điều chỉnh sản xuất bằng cơ cấu mùa vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình mới, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được triển khai... đã đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.
Từ đời sống ổn định của người dân cùng với nguồn lực của Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã phát triển mạnh mẽ, có chất lượng, đã có 107 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 3 đô thị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, từ thực tiễn trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn những mặt hạn chế, khó khăn: Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, tỷ trọng chăn nuôi còn thấp; năng lực sản xuất mạnh về sản lượng nhưng yếu tố chất lượng còn bất cập; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất cao; kết cấu hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn dù đã tập trung đầu tư nhưng so với thực tế vẫn còn yếu; kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến, kho, bến bãi kém phát triển; hệ thống tổ chức sản xuất nông nghiệp các hợp tác xã chậm đổi mới, năng lực còn thiếu và yếu, chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất cũng như định hướng sản xuất lâu dài; liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ chưa bền vững.
HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong những năm tới, trước những dự báo tình hình cùng với những khó khăn, thách thức mà dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã nêu, để giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt khoảng 49.376 tỷ đồng (chiếm khoảng 29,7% tổng GRDP của tỉnh), tốc độ tăng bình quân trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là 3,5%/năm, một số vấn đề cần đặt ra trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả, giai đoạn 2021 - 2025 như sau:
Ngành Nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao. |
Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, cùng với các ngành, địa phương định hướng nhân dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân.
Thứ ba, duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai.
Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện: Rà soát, đề xuất tích hợp quy hoạch ngành vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 và triển khai thực hiện, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Tiền Giang phù hợp với quy hoạch thủy lợi phòng, chống thiên tai của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đảm bảo giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất; đồng thời, tiếp tục thực hiện theo lộ trình các đề án, dự án phát triển ngành đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua; tiếp tục hướng dẫn sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn... từng bước thích nghi và phát triển bền vững.
Phát triển vùng chuyên canh hàng hóa đã có, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, cấp mã số vùng trồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tổ chức lại sản xuất, nhân rộng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển liên kết ngang giữa các tác nhân (kinh tế hộ, nông trại, trang trại, hợp tác xã...) và liên kết dọc theo chuỗi giá trị (với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra) để đảm bảo sản xuất hàng hóa lớn đồng bộ trong cả chuỗi giá trị. Đảm bảo chia sẻ hợp lý thu nhập và rủi ro cho tất cả các tác nhân tham gia chuỗi giá trị.
Phối hợp nghiên cứu, khảo nghiệm lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện sinh thái từng vùng trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông; hệ thống điện... phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Trước mắt, để ứng phó mùa hạn, mặn năm 2021, ngành Nông nghiệp đang rà soát lại các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh, vừa để ngăn lũ, vừa phải đảm bảo ngăn mặn và trữ ngọt để có thể đủ nước cung cấp trong mùa hạn.
Để tiếp tục bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao hiệu lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đây cũng là sự chuyển động mạnh mẽ của ngành trong tình hình mới. Với định hướng, mục tiêu và giải pháp nêu trên cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI.
NGUYỄN VĂN MẪN
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt.