Thủ tướng: Sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực cho các tỉnh miền Trung
Sáng 24-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vào Quảng Bình để trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Thủ tướng làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Không để người dân đói, rét, màn trời chiếu đất
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung vào 10 giờ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, thời gian qua, miền Trung liên tục gặp bão lũ, lũ chồng lũ, bão chồng bão, tai nạn nối tiếp tai nạn. Trận lũ lịch sử đã gây thiệt hại lớn. Đến nay, mưa lũ đã làm 119 người chết, 21 người mất tích.
Cho biết vừa đi thăm một trường mẫu giáo ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và thăm hỏi các hộ gia đình ở thôn Đồng Tứ, xã Hiền Ninh, Thủ tướng chia sẻ, “nhiều gia đình trắng tay, thiệt hại của bà con rất lớn”. Nhiều xã hiện nay còn bị ngập, nhiều người dân mất nhà cửa, đi lại gặp khó khăn. Nhiều trường học chưa thể mở cửa, môi trường bị đe dọa.
Gửi lời thăm hỏi của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Trung với tình cảm sâu đậm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã cử nhiều đoàn công tác đến miền Trung, thăm các địa điểm khó khăn nhất. Các bộ, ngành đã xử lý kịp thời vấn đề lương thực, thuốc men, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Các tỉnh đã nêu cao trách nhiệm phòng chống bão lũ.
Thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh đã gồng mình chống thiên tai với nhiều biện pháp sáng tạo; biểu dương tinh thần “tương thân, tương ái” của các đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm đã dành nguồn lực hỗ trợ nhân dân vùng bão lũ, “đi trên đường thấy cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị các đại biểu không tập trung quá nhiều vào tình hình, “phải rút ra được bài học nào trong phòng chống lũ lụt ở khu vực này”. Những việc nào cần làm ngay để bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân, xử lý vấn đề môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Nhấn mạnh tinh thần, không để người dân thiếu đói, rét, màn trời chiếu đất, Thủ tướng đề nghị đưa ra các giải pháp để bảo đảm điều này, “lực lượng nào tham gia”, làm sao để học sinh sớm trở lại trường học, giải quyết tốt hơn nữa vấn đề cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, không gây khó khăn cho các nhà hảo tâm.
Biến đổi khí hậu không nghiêm trọng bằng dao động ý chí, niềm tin
Thủ tướng nêu rõ, đợt lũ lần này ở miền Trung là lũ lịch sử, tuy nhiên chúng ta đã chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại (lũ năm 1999 làm 818 người chết, mất tích). “Như anh Võ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình có nói, nếu Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo mà không kịp di dời thì sẽ mất thêm 20 cán bộ, chiến sĩ nữa”, Thủ tướng chia sẻ. Mặc dù vậy, tổn thất do mưa lũ vẫn rất lớn.
Biểu dương tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng bày tỏ, qua lũ lụt, thiên tai, nhiều tổ chức, cá nhân với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đây là truyền thống quý báu của dân tộc ta, rất đáng trân trọng, tự hào.
Cần rút một số kinh nghiệm sau đợt mưa lũ này, Thủ tướng nêu rõ, trước hết cần tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân về trách nhiệm và tác động của biến đổi khí hậu là quan trọng nhất, “có ý thức từ khi đặt móng nhà cho đến chọn vị trí là rất quan trọng”.
Thứ hai, là phải cải thiện năng lực dự báo thiên tai và chủ động ứng phó, nhất là công nghệ dự báo trượt đất, hiện là một khâu yếu của chúng ta.
Kinh nghiệm nữa là Việt Nam đã lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển, thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030 bằng nguồn lực trong nước để có thể giảm tới 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của quốc tế. Đặc biệt, các thành phố lớn ở Việt Nam cần đi đầu, tiên phong cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, góp phần quyết định vào việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế đánh thuế phát thải để khuyến khích cắt giảm thải khí nhà kính, đồng thời qua đó giúp huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
“Chúng ta phải nhanh chóng để đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân các tỉnh miền Trung trong vùng lũ lụt”, Thủ tướng nói. Đi liền với đó, đảm bảo sinh kế cho người dân, “nhất là thời vụ cận kề, cấp sớm các loại giống, không chỉ lo trước mắt mà phải lo cả lâu dài, lo vụ sắp tới đây phải làm gì để người dân có thể sống được”.
Đồng thời cần tiếp tục vận động hệ thống chính trị và người dân, cán bộ, công nhân viên với tinh thần tự cường, tự cứu, huy động các đơn vị có chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, quân đội hỗ trợ người dân. “Bây giờ các đồng chí địa phương ở trong vùng lũ này cần bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu đơn vị có liên quan để hỗ trợ cho người dân”. Thủ tướng cho biết, lực lượng công an sẵn sàng điều động vài trung đoàn nữa cùng với Quân đội nhân dân để hỗ trợ các địa phương.
Các bộ, ngành trung ương có trách nhiệm cụ thể hỗ trợ cho vùng lũ, từ cây con giống đến cung cấp điện lực, bổ sung kinh phí, thuốc men, tăng cường lực lượng khám chữa bệnh… “Một tinh thần là không để người dân thiếu đói, dịch bệnh, màn trời chiếu đất”, Thủ tướng nêu rõ.
Kinh nghiệm nữa cần rút ra là phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ; tiếp tục trồng rừng mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn; ứng dụng công nghệ để thông tin đến người dân kịp thời hơn.
Các tỉnh miền Trung sẽ được tiếp tục bổ sung thêm nguồn lực, Thủ tướng nói. Trong kế hoạch 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ bố trí nguồn lực để hỗ trợ các tỉnh miền Trung cũng như các vùng thiên tai, hạn hán, biến đổi khí hậu nặng nề bằng cả nguồn ngân sách Nhà nước và ODA.
Tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất, nghiên cứu sửa Nghị định 63 và Nghị định 136 về một số điểm bất hợp lý để tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ, bảo đảm quản lý các nguồn tài trợ công khai, minh bạch, nhân văn.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần sẵn sàng các phương án phòng chống bão số 8, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải lắng nghe, tháo gỡ, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, “đừng để do lũ lụt mà đình trệ các công việc ở địa phương”, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2020.
“Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi các mô thức sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dân ở miền Trung cũng như Việt Nam cũng như tương lai con cháu chúng ta, song xét cho cùng nó không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”, Thủ tướng bày tỏ và nhấn mạnh: Nếu chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa của dân tộc, giữ được đất đai, rừng, biển thì chúng ta sẽ làm giàu được trên mảnh đất thiêng liêng mà cha ông chúng ta đã để lại - Miền Trung Việt Nam./.
Theo Chinhphu.vn