Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:43 (GMT+7)
.

Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc từ thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách đây 103 năm, ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi, làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và số phận của hàng triệu con người ở Nga từ kiếp làm thuê thành người làm chủ, đưa giai cấp công nhân Nga non trẻ bước lên vũ đài chính trị, trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng và tổ chức xây dựng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Để có được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917, những người Bolshevik Nga đã có một quá trình lâu dài chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tổ chức, chính trị, quân sự, tư tưởng. Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư và sự chỉ đạo của V.I.Lênin, những người Bolshevik đã xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất là phải lôi cuốn đông đảo nhân dân lao động về phía cách mạng, thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị.

Đảng Bolshevik và V.I.Lênin đã linh hoạt, sáng tạo trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, đó là xây dựng khối liên minh công - nông - binh vững chắc. Sự sáng tạo, độc đáo ở chỗ Đảng Bolshevik và V.I.Lênin đã tập hợp được đông đảo quần chúng và binh sĩ, làm cho họ trở thành lực lượng to lớn của cách mạng, trong đó quân đội giữ vai trò nòng cốt...

Lãnh tụ V.I.Lênin thuyết trình trước đông đảo quần chúng nhân dân lao động tại Petrograd. Ảnh tư liệu
Lãnh tụ V.I.Lênin thuyết trình trước đông đảo quần chúng nhân dân lao động tại Petrograd. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã "làm rung chuyển thế giới", phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động đã đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình để xây dựng một xã hội hoàn toàn mới. Một nhà nước kiểu mới dưới hình thức các Xô viết đã hình thành và được V.I.Lênin đánh giá là "chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân... một chế độ dân chủ kiểu mới" (1).

Giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như những quan điểm của V.I.Lênin về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, của liên minh công-nông-binh là cơ sở lý luận trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng vào xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (2). Trong sức mạnh toàn dân đó, khối liên minh công-nông-trí vẫn là gốc của cách mạng. Người còn viết: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo được cách mạng đến thắng lợi”(3).

Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chú trọng và xây dựng được khối liên minh công nhân-nông dân-trí thức vững mạnh, trở thành lực lượng quan trọng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hội nhập quốc tế. Một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là phải làm thế nào để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về tình hình trong nước và thế giới, về dân tộc và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học đoàn kết của Cách mạng Tháng Mười, Đại hội XII của Đảng ta đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (4). Do đó, phải: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo” (5).

Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiều năm qua, các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xã hội sâu rộng, như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”... đã thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện rõ qua việc nhân dân Việt Nam chung sức, đồng lòng với Đảng và Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Ông Philip Fernandez, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada - Việt Nam, nhận định rằng, đất nước và nhân dân Việt Nam ngày nay đã thu hút được sự chú ý của thế giới khi đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Theo quan điểm của ông Philip Fernandez, nhân tố có tính quyết định đối với những thành tựu của Việt Nam trong những năm qua chính là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân với Đảng...

Thời gian đã lùi xa 103 năm, nhưng những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga, trong đó có bài học về xây dựng, củng cố, tăng cường liên minh công-nông-trí vẫn còn nguyên giá trị đối với cách mạng Việt Nam. Ngày nay, huy động được mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân, trong đó có công nhân, nông dân và trí thức có ý nghĩa quyết định để chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.