Thứ Hai, 02/11/2020, 15:14 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội: Báo cáo KT-XH của Chính phủ rất thuyết phục

Quốc hội đã dành gần toàn bộ thời gian buổi sáng 2/11 để tiến hành thảo luận tổ về kinh tế-xã hội. Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Báo cáo kinh tế-xã hội được Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội rất sinh động, toàn diện, có minh chứng rõ ràng với những số liệu rất cụ thể và thuyết phục.

a
Tổ đại biểu số 8  (Thái Nguyên, Long An, Bình Thuận và Lâm Đồng) thảo luận về KT-XH. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, trong giai đoạn, 2016-2020, bên cạnh những thuận lợi, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có quá nhiều khó khăn, thách thức mà đất nước ta phải đối mặt và vượt qua, nhất là năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đã gây ra những khủng hoảng mang tính toàn cầu với những hệ lụy, tác động vô cùng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra gây tổn thất nặng nề về người và tài sản...

Song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, ấn tượng và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020.

“Những kết quả đạt được có sự đóng góp rất quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, sát sao, linh hoạt và nhạy bén. Qua đó, nước ta đã thực hiện được mục tiêu kép, vực dậy nền kinh tế, vực dậy các ngành, lĩnh vực trong những lúc khó khăn nhất”, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhận định và cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Quốc hội là rất đầy đủ, có số liệu, căn cứ, lập luận minh chứng rất rõ ràng.

Báo cáo không những chỉ ra sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà còn có những tổng kết, đánh giá rất cụ thể, rất chi tiết về sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, mặt trận, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chung.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, song công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai rất sâu rộng và hiệu quả, nhất là sự chi viện, hỗ trợ kịp thời tới người dân các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt vừa qua.

Còn đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) thì khẳng định, trước tình hình dịch bệnh, thiên tai liên tiếp xảy ra, những kết quả đạt được trong năm 2020 và cả giai đoạn 2015-2020 là một thành công rất lớn; thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Về nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2020-2025, ý kiến của các đại biểu cơ bản bày tỏ đồng tình với những nội dung mà Chính phủ đã đề ra. Đồng thời cho rằng, để đạt được các mục tiêu, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Đồng thời, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Tập trung huy động các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn, nhất là nhân dân bị ảnh hưởng bởi bão lụt ở miền Trung để sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều vấn đề cụ thể như đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị các cơ quan hữu quan cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề sách giáo khoa, việc đổi mới chương trình giảng dạy, bảo đảm giảm tải cho người học, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp cho sự phát triển toàn diện đối với học sinh, sinh viên.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề xuất, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, vấn đề về xử lý rác thải cũng phải cần đặc biệt lưu ý. “Rác thải, xử lý rác thải là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong phát triển. Với rác thải y tế được kiểm soát chặt chẽ như vậy nhưng vẫn còn tình trạng găng tay, đồ bảo hộ y tế sử một lần mang ra trao đổi, tái sử dụng thì với các loại rác thải khác sẽ là như thế nào”, đại biểu Hiển nêu vấn đề.

Đại biểu Lê Công Đỉnh cho rằng, trong công tác lập, thẩm định quy hoạch cần hết sức lưu ý đến tính khả thi của các dự án. Vì trên thực tế, có nhiều dự án quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực, đất đai để hoang hóa, quyền lợi của người dân không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân, đây cũng là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện kéo dài.

Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu phát triển. Dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác giảm nghèo, tránh nguy cơ tái nghèo. Chú trọng hơn nữa đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động...

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.