Cử tri tập trung phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề
(ABO) Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 19-11, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Võ Văn Bình, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hoàng Mai, Lê Quang Trí, Tạ Minh Tâm đã đến tiếp xúc với cử tri các huyện Gò Công Đông, Cái Bè, Châu Thành.
Đồng chí Võ Văn Bình phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè. |
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH thông tin về kết quả nội dung chương trình Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp với kết quả: Thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và một số báo cáo quan trọng khác…
Đoàn ĐBQH lắng nghe ý kiến cử tri. |
Tiếp đó, cử tri phản ánh, kiến nghị đến ĐBQH một số vấn đề quan tâm:
Bất cập đối với vấn đề tách thửa đất
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông phản ánh bất cập khi chuyển nhượng, tách thửa một phần đất cho con ruột trong gia đình nhưng diện tích đất không đủ hạn mức diện tích tách thửa theo quy định thì không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, cử tri mong muốn có phương hướng giải quyết bất cập trên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Cử tri xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. |
Trả lời vấn đề của cử tri, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn Phòng đất đai huyện Gò Công Đông Võ Hoàng Giang cho biết, về việc tách thửa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang áp dụng theo Quyết định 08 của UBND tỉnh Tiền Giang quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2020 (gọi tắt Quyết định 08).
Trước đây, Quyết định 20 của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 3-6-2015 quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Quyết định 20) và Quyết định 22 của UBND tỉnh Tiền Giang ban hành ngày 20-11-2018 quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Quyết định 22) có quy định về các đối tượng như: Cho đất con, vợ chồng cho đất nhau, cho đất cha đẻ, cho đất mẹ đẻ, anh chị em ruột cho đất lẫn nhau thì không cần phải áp dụng hạn mức diện tích tách thửa.
Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện Gò Công Đông Võ Hoàng Giang trả lời thắc mắc ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc. |
Nhưng khi Quyết định 08 có hiệu lực thì phải thông qua ý kiến của các sở, ngành có liên quan, các đối tượng như: Cho đất con, anh chị em, vợ chồng cho đất nhau vẫn phải áp dụng hạn mức diện tích tách thửa. Trong đó, hạn mức diện tích tách thửa đối với đất ở là đường tỉnh, đường huyện thì diện tích tối thiểu là 50 m2 và các đường còn lại thì diện tích tối thiểu đối với đất ở là 100 m2.
Riêng với đất nông nghiệp phân ra 2 nội dung chính: Thửa đất thuộc khu vực quy hoạch có đất phi nông nghiệp và thửa đất thuộc khu vực chỉ quy hoạch đất nông nghiệp. 2 khu vực này có diện tích tách thửa khác nhau và về khu vực quy hoạch là thuộc đất nông nghiệp hay đất phi nông nghiệp thì phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Từ đó, đối với thửa đất thuộc khu vực quy hoạch có đất phi nông nghiệp là đường tỉnh, đường huyện hạn mức diện tích tối thiểu là 150 m2 và các đường còn lại thì hạn mức diện tích tối thiểu là 300 m2. Thửa đất thuộc khu vực quy hoạch chỉ có đất nông nghiệp thì hạn mức tách thửa đối với đường tỉnh, đường huyện tối thiểu là 400 m2 và các đường còn lại thì hạn mức diện tích tối thiểu là 500 m2. Do các hạn mức tách thửa này cao hơn so với Quyết định 20 và Quyết định 22 gây khó khăn cho người dân khi có nhu cầu tách thửa như cử tri phản ánh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lưu Thị Hồng Anh cho biết thêm, khi Quyết định 08 có hiệu lực và đưa vào thực hiện đã phát sinh một số bất cập, trong đó có vấn đề chuyển nhượng, tách thửa cho con ruột trong gia đình nhưng diện tích đất không đủ hạn mức.
Vấn đề này, UBND tỉnh Tiền Giang cũng thấy rõ và đã ban hành Công văn 3352 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương, các sở, ngành chuyên môn, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê cụ thể từng trường hợp đối với người dân tách thửa cho con nhưng không đủ hạn mức diện tích tối thiểu, lập danh sách các trường hợp này gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp và xin ý kiến UBND tỉnh.
Cần quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy
Nhiều cử tri xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành bày tỏ lo ngại về hiệu quả phòng, chống ma túy hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, với lượng người tái nghiện ma túy vẫn còn cao, tội phạm ma túy ngày càng trẻ hóa. Cử tri kiến nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn những người vừa cai nghiện, phòng ngừa việc tái sử dụng ma túy.
Cử tri xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành phát biểu tại buổi tiếp xúc. |
Trả lời về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết, trong dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các ĐBQH đã thảo luận và đề ra nhiều biện pháp mới, đó là đối với người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu sẽ được quản lý ở cấp xã, được áp dụng ngay lần đầu khi phát hiện người đó sử dụng trái phép chất ma túy để ngăn chặn người đó tiếp tục sử dụng. Biện pháp này không phải là xử phạt hành chính mà là quản lý hành chính.
Theo đó, sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy, việc sử dụng chất ma túy của người đó trái luật và chưa xác định được tình trạng nghiện. Trường hợp này sẽ bị áp dụng hình thức quản lý 1 năm đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, 6 tháng đối với người dưới 18 tuổi. Trong thời gian quản lý, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
Đồng thời, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cũng quy định Chủ tịch UBND cấp xã giao Công an cấp xã chủ trì phối hợp cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục, động viên người sử dụng trái phép chất ma túy. Gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy cũng có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giáo dục, động viên người thân chấm dứt việc sử dụng ma túy. Khi phát hiện người thân sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với Công an cấp xã nơi cư trú.
Kiến nghị chế độ BHXH, BHYT đối với cán bộ không chuyên trách ấp
Cử tri xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè thắc mắc, trước đây nhà nước có hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp (cán bộ không chuyên trách ấp) nhưng từ đầu năm 2020 thì không còn hỗ trợ các chế độ này và để nghị cho biết nguyên nhân. Cử tri cũng kiến nghị xem xét hỗ trợ chế độ BHXH, BHYT cho cán bộ không chuyên trách ấp.
Cử tri xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. |
Trả lời cấn đề này, đại diện BHXH tỉnh Tiền Giang cho biết: Theo Luật BHXH, Luật BHYT quy định, cán bộ không chuyên trách ấp không nằm trong quy định đối tượng ngân sách nhà nước hỗ trợ chế độ BHXH, BHYT nhưng xét thấy công việc của cán bộ không chuyên trách cấp ấp vất vả nên từ năm 2011 đến năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ mua BHXH và BHYT cho cán bộ không chuyên trách cấp ấp.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, ngành BHXH Tiền Giang thực hiện theo Nghị quyết 21 ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định về việc Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, theo nghị quyết này thì UBND tỉnh Tiền Giang không tiếp tục cấp kinh phí hỗ trợ mua BHYT, BHXH cho cán bộ không chuyên trách ấp nữa và BHXH Tiền Giang thực hiện theo chủ trương của HĐND, UBND tỉnh. Ngành BHXH tỉnh Tiền Giang khuyến khích đối tượng là cán bộ không chuyên ấp nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Võ Văn Bình, Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang đánh giá cao ý kiến của các cử tri. Sự quan tâm, theo dõi và góp ý của cử tri sẽ góp phần giúp các cơ quan của Đảng, Nhà nước, nhất là lãnh đạo địa phương thấy được cái hay để phát huy và khắc phục những hạn chế, thiếu sót, yếu kém để lãnh đạo, quản lý, điều hành tốt hơn. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các cử tri thuộc trách nhiệm của ĐBQH, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang sẽ tổng hợp, phản ánh tại các diễn đàn của Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội tới...
HOÀI THU - NHƯ NGỌC - LÊ MINH