.
Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Cần khẩn trương hoàn thành các quy hoạch

Cập nhật: 10:12, 11/11/2020 (GMT+7)

VỀ GIẢI PHÁP CHO NÔNG NGHIỆP

Dự thảo Báo cáo ghi: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Chuyển đổi đất trồng lúa sang cây khác có hiệu quả cao hơn”, tôi rất đồng tình.

Tôi muốn góp ý, không phải chỉ khuyến khích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, mà còn các loại đất khác như đất trồng cao su đã hết thời kỳ kinh doanh sang trồng các cây khác như cây ăn quả, cây ngô sinh khối, hay trồng cỏ cho chăn nuôi bò sữa.

Một số nông dân ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh); ở Trảng  Bàng (tỉnh Tây Ninh)..., đã chuyển đổi đất vườn tạp ở quanh nhà sang nuôi bò sữa, hay nông dân trồng lúa cho hiệu quả thấp ở Cai Lậy đã chuyển sang trồng sầu riêng, mít. Ở huyện Chợ Gạo, hay ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), đất lúa cũng đã được chuyển sang trồng thanh long cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa...

PGS. TS. Nguyễn Minh Châu giới thiệu với khách nước ngoài về giống thanh long ruột đỏ.  Ảnh: NGỌC LAN
PGS. TS. Nguyễn Minh Châu giới thiệu với khách nước ngoài về giống thanh long ruột đỏ. Ảnh: NGỌC LAN

Tôi cũng góp ý tiềm năng phát triển của  cây ăn quả, cây rau, cây thức ăn cho chăn nuôi... còn rất lớn ở Tây nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ..., nên được xem xét, khai thác để làm giàu cho nông dân và thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn ở các nơi này.

VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG  THÔN

Đánh giá hạn chế yếu kém, dự thảo Báo cáo ghi: “Phát triển nông thôn vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm, đa số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả chưa cao, việc sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp hiệu quả thấp.

Kết quả xây dựng nông thôn mới ở các vùng, miền khá lớn. Nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thật sự bền vững, nhất là về kinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Thật vậy, số lượng hợp tác xã nông nghiệp và số lượng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới rất nhiều, nhưng chưa vững chắc khi đem so với hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp và sự phát triển của nông thôn ở Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở  những nước này, hợp tác xã rất mạnh, hỗ trợ đắc lực cho nhà vườn. Nhờ họ được Nhà nước hỗ trợ rất cụ thể như: Kinh phí xây văn phòng làm việc, giúp xây nhà đóng gói, cho phép hợp tác xã mở thêm các dịch vụ khác phục vụ xã viên như: Tín dụng nội bộ, cửa hàng bán lẻ nhu yếu phẩm...

Nhờ vậy, hợp tác xã nông nghiệp của họ thật sự hiệu quả, xã viên chỉ lo sản xuất theo hướng dẫn của hợp tác xã, còn việc tiêu thụ sản phẩm làm ra đã có hợp tác xã lo liệu, nông dân không lo lắng việc tiêu thụ sản phẩm làm ra như nông dân mình.

Nhờ vậy, nông thôn ở Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản là nông thôn mới: Đường nhựa xe hơi tới nhà, tới vườn, có cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng thuộc hợp tác xã rất gần nhà, sản phẩm có thương hiệu. Đời sống người dân nông thôn ở các nơi đó giống như đời sống của dân thành thị.

THỐNG NHẤT CẦN: “KHẨN TRƯƠNG HOÀN THÀNH CÁC QUY HOẠCH”

Vì quy hoạch là định hướng, là bước đi của công việc sắp đến, gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch quốc gia để đưa ra lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên và bước đi để đến năm 2025 đạt được thu nhập bình quân đầu nguời từ 4.700 - 5.000 USD, so với mức hiện nay là 3.490 USD.

Quy hoạch ngành để ngành đưa ra các hoạt động cho những lĩnh vực nào, những cây, con nào cần tập trung sản xuất hàng hóa, những vùng nào sẽ được ưu tiên hỗ trợ xây dựng nông thôn mới...

Quy hoạch vùng cũng vậy, tiếp cận cách này để vùng đưa ra những việc cần ưu tiên cho vùng, mà vùng khác không cần ưu tiên như: Giao thông, mặn xâm nhập ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề phá rừng, thiếu đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên và đừng quên cây ăn quả ở Tây nguyên, ở Duyên hải Nam Trung bộ như giai đoạn 2015 - 2020.

Quy hoạch, kế hoạch là việc định hướng lâu dài, nên tôi nhất trí cao với dự thảo báo cáo đánh giá đã dùng chữ: “Khẩn trương quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh”. Vì chỉ có quy hoạch một cách cẩn thận thì tiềm năng mới được khai thác triệt để.

VẤN ĐỀ TỰ CHỦ, TỰ TRANG TRẢI  Ở CÁC VIỆN NGHIÊN CỨU

Vấn đề này, dự thảo Báo cáo đánh giá: “Chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Các viện nghiên cứu nông nghiệp về nguyên tắc là nơi tạo ra các giống mới, các biện pháp kỹ thuật mới ứng phó với biến đổi khí hậu, phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ họ bảo quản sản phẩm tốt hơn, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh với các nước. Hiện nay, tất cả các viện đã được cơ quan chủ quản phê duyệt được tự chủ.

Nhưng thực tế, các viện nghiên cứu đang phải tự... cứu mình, vì lương quá thấp so với các ngành khác. Muốn giảm biên chế để tăng lương cũng không được vì vướng Bộ luật Lao động. Muốn tự chủ trong chi tiêu cũng không được vì vướng Luật Ngân sách nhà nước hay các vấn đề sâu bệnh mới phát sinh trong sản xuất cần được nghiên cứu ngay cũng phải chờ được cấp chủ quản phê duyệt cho làm.

Hiện trạng như vậy, làm sao các viện tự chủ, tự trang trải được? Muốn tự trang trải được, tôi nghĩ Chính phủ phải cho chuyển các viện nghiên cứu nông nghiệp hiện nay thành các công ty trách nhiệm hữu hạn một  thành viên thì mới tự chủ, tự trang trải được, như mô hình của Viện Plant & Food ở  New Zealand rất hiệu quả.

Họ thuê giám đốc điều hành viện (CEO), tự quyết định việc tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng nhân sự; tự quyết các vấn đề sẽ nghiên cứu, mà không cần phải chờ được cấp trên phê duyệt cho phép làm và cả về mức lương cho nhà khoa học mà không cần phải tuân theo ngạch bậc.

PGS.TS. NGUYỄN MINH CHÂU

 

.
.
.