Khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam (*)
Trong không khí vui tươi, phấn khởi trước thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục thi đua thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 17-11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức họp mặt ôn lại truyền thống 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin được chào mừng và trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc qua các thời kỳ, quý đại biểu và các đồng chí lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Trong niềm vui của buổi họp mặt hôm nay, chúng ta xúc động tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu của dân tộc với lòng biết ơn vô hạn. Người đã kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng - sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam. Bác là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức vĩ đại đã sáng lập và cũng là linh hồn của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh tặng hoa chúc mừng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG MAI |
Chân lý “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết, Thành công - thành công - đại thành công” do Người tổng kết thực sự đã trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là dịp để chúng ta cùng ôn lại chặng đường vẻ vang quá trình hình thành và phát triển của Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng ta đã có chủ trương đoàn kết mọi lực lượng của các dân tộc anh em để chiến đấu chống kẻ thù. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam, trong đó xác định: Cách mạng Việt Nam phải được tiến hành bằng lực lượng cách mạng rộng lớn của toàn dân, lấy công nhân - nông dân làm động lực chính do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Ngoài lực lượng công nhân - nông dân, Đảng phải đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp yêu nước. Tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yêu cầu, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đảm bảo thực hiện thắng lợi của cách mạng nước ta. Chính vì vậy, chỉ chưa đầy 10 tháng kể từ khi Đảng ra đời, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng minh - là hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tổ chức thành lực lượng cách mạng to lớn, lật đổ ách thống trị của thực dân, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Từ thực tiễn lịch sử cách mạng 90 năm qua cho thấy, ở mỗi thời kỳ khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam có những hình thức, tên gọi khác nhau để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, như Hội Phản đế Đồng minh, Hội Phản đế Liên minh, Mặt trận Thống nhất nhân dân Phản đế Đông Dương, Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Dân tộc thống nhất Phản đế, Mặt trận Việt Minh, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Song, trong bất kỳ giai đoạn nào, dưới bất kỳ hình thức, tên gọi nào, Mặt trận luôn phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội để thực hiện mục tiêu chính trị, đó là: Vì độc lập cho nước nhà, tự do cho dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào việc củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; chăm lo đời sống nhân dân; tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy dân chủ, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, mở rộng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc ngày càng phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; thực sự là tổ chức liên minh chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; vừa tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, giúp người dân nhận thức đúng, đồng thuận, chấp hành và hưởng ứng tham gia; vừa tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, đóng góp với Đảng, Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, hoạch định các chủ trương, chính sách sát hợp với yêu cầu thực tiễn của đất nước và của mỗi địa phương.
Chúng ta khẳng định, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương sáng suốt của Ðảng; là bài học quý báu cho sự thành công của cách mạng nước ta; tài sản vô giá do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo lập trong quá trình hoạt động chính là đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một sức mạnh to lớn của cách mạng Việt Nam.
Sức mạnh ấy không chỉ tập hợp được một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn thể hiện việc đề ra và vận dụng sáng tạo, linh hoạt những sách lược mềm dẻo nhằm tranh thủ các lực lượng xã hội trong và ngoài nước; đồng thời, thông qua công tác Mặt trận, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc; nâng cao niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước; góp phần xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ngay từ khi mới thành lập, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết, nhân dân một lòng đi theo Đảng. Trong các cuộc kháng chiến, hàng vạn người con Tiền Giang đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tham gia chiến đấu, ra sức thi đua giết giặc lập công, lập nên nhiều chiến công vẻ vang; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh để giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi nước nhà độc lập, ở miền Nam, trong đó có Tiền Giang, Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết nhân dân chung sức, đồng lòng, vượt mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, từng bước đổi mới và hội nhập.
Trong những năm qua, cùng với hệ thống Mặt trận cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, những người tiêu biểu của các giai tầng trong xã hội vào tổ chức đoàn, hội; phối hợp thực hiện đạt hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phòng, chống và khắc phục hậu quả do tác động của hạn, mặn; dịch bệnh Covid-19…
Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kịp thời vận động cứu trợ đồng bào trong và ngoài tỉnh mỗi khi có thiên tai, lũ, lụt xảy ra, nhằm giúp người dân ở các địa phương vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc còn triển khai và giám sát khá tốt việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hằng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11 đã trở thành ngày hội truyền thống ở các khu dân cư trong tỉnh, nhiều nơi đã tổ chức được cả phần lễ và phần hội; biểu dương người tốt - việc tốt, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu; bổ sung hương ước, quy ước và ký kết giao ước thi đua. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc không chỉ sâu sát, gắn bó với nhân dân, mà còn lắng nghe dân nói, giải thích cho dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; qua đó đã có những kiến nghị rất chính đáng liên quan đến quyền lợi, đời sống của người dân ở các địa phương; tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết ở khu dân cư.
Tổ chức bộ máy của Mặt trận các cấp luôn được củng cố, kiện toàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng từng bước trưởng thành; tỷ lệ cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên.
Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã động viên, phát huy tính sáng tạo của đoàn viên, hội viên, phát huy sức mạnh nội lực từ cộng đồng, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp, truyền thống của người dân ở các địa phương để xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa truyền thống, khuyến học, khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Thực tế đã cho thấy, Mặt trận Tổ quốc các cấp thực sự trở thành ngôi nhà chung để mọi tầng lớp nhân dân, tôn giáo, mọi lứa tuổi và kiều bào Tiền Giang ở nước ngoài phát huy lòng yêu nước, chung sức xây dựng quê hương, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân tỉnh nhà.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chúc mừng, biểu dương và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh, các tổ chức thành viên vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác mặt trận có nơi chưa được tập trung, phối hợp thiếu đồng bộ; việc nắm bắt tư tưởng, tâm trạng dư luận xã hội của các tầng lớp nhân dân có lúc chưa kịp thời, chưa có giải pháp để giải quyết những bức xúc của người dân ngay tại cơ sở; công tác giám sát và phản biện xã hội ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, vai trò của Ban công tác Mặt trận, tổ hòa giải cơ sở có nơi còn mờ nhạt; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chưa có sức thuyết phục, chưa sát cơ sở; công tác giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả chưa cao; các cuộc vận động, các phong trào thi đua có lúc, có nơi còn hình thức, vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân chưa được phát huy.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Trong cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Đảng ta luôn xem đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là sức mạnh chủ yếu và là nhân tố, yếu tố có ý nghĩa quyết định, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11-2-1951, Bác Hồ kính yêu đã chỉ rõ: “Phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng”: Không có quần chúng thì không có lực lượng. Không có Đảng thì không có người lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đường. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. Trong thời gian tới, tình hình an ninh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động trực tiếp đến nước ta, trong đó có Tiền Giang, làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội.
Các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu luôn tìm mọi cách thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều âm mưu để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chống phá Đảng và Nhà nước. Ở tỉnh ta, tình hình dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 tuy được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ có thể xảy ra; tình hình kinh tế đã dần phục hồi, phát triển, nhưng chưa bền vững; các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn còn một số bất cập; đời sống một bộ người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông có lúc, có nơi vẫn còn xảy ra nghiêm trọng. Trước những thời cơ và thách thức đan xen, để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền các cấp trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập của tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Trước nhất, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cần làm cho các giai tầng trong xã hội, tôn giáo, nhân sĩ, trí thức đều phải thấm nhuần quan điểm đoàn kết và thật sự đoàn kết thành một khối vững chắc của Mặt trận Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt phong trào Đền ơn đáp nghĩa và các chính sách an sinh xã hội, xóa khó giảm nghèo, các hoạt động công ích, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người già, tàn tật, neo đơn và các gia đình đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị. Thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động, tuyên truyền để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Các hoạt động, phong trào cần thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, tránh phô trương hình thức, lãng phí, chạy theo thành tích. Bác Hồ thường nói: “Muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự”. Do đó cần tăng cường, củng cố, phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân trong giám sát tốt việc thực thi pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; “Ngày Vì người nghèo”; gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xóa bỏ những thói quen, tập tục lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tình làng nghĩa xóm, bảo vệ thuần phong mỹ tục, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, những hành vi phi văn hóa, mê tín, dị đoan. Cần xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sao cho phù hợp, thiết thực, hiệu quả; bởi lẽ, ngày này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng, khu dân cư, là dịp để đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt làm được, chưa được qua một năm phấn đấu thực hiện giao ước thi đua giữa các khu dân cư, tổ nhân dân tự quản trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư tiên tiến. Phải đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và phản ảnh kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân ở cơ sở; giáo dục cho người dân thông, hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp người dân an tâm sản xuất - kinh doanh, không vi phạm pháp luật, luôn nêu cao tinh thần yêu nước.
Thứ tư, tiếp tục mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Tiền Giang, những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh với các địa phương trong nước và khu vực. Tăng cường, củng cố, nâng chất hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo hướng tập hợp thêm các thành phần tiêu biểu trong giới trí thức, kinh doanh, tôn giáo và các tổ chức xã hội, để thực sự là tổ chức liên minh chính trị vững chắc, liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể, các giai tầng xã hội, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, năm 2021 sẽ tiến hành Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc cần chủ động, thực hiện đồng bộ các nội dung tham gia cuộc bầu cử đúng quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trọng tâm là công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức và hoàn thành tốt cuộc bầu cử quan trọng này, nhằm bầu chọn những người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Kính thưa các đồng chí và quý đại biểu,
Phát huy truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc 90 năm qua, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, là cơ sở chính trị của chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị tỉnh nhà ngày càng vững mạnh. Trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn còn căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta,… các đoàn thể, nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận cần phải đoàn kết chặt chẽ, thân ái giúp đỡ lẫn nhau, thật thà học tập những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm của nhau để cùng nhau tiến bộ”. Bác tin rằng “... khối đại đoàn kết thân ái ấy sẽ phát triển và củng cố khắp toàn dân; đoàn kết càng rộng rãi, càng chặt chẽ thì thắng lợi càng lớn, thành công càng to...”.
Chúng ta tin tưởng, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các tổ chức thành viên sẽ có nhiều khởi sắc hơn, phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng hơn vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, vững bước tiến lên trong đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang)
(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt