Dân chủ, trách nhiệm, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm
(ABO) Ngày 10-12, Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX bước vào ngày làm việc thứ 3 với phiên chất vấn, giải trình và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn, giải trình và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đặt ra cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành về những vấn đề bức xúc trong thời gian qua. Đây cũng là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.
NHIỀU BIỆN PHÁP KÉO GIẢM TAI NẠN GIAO THÔNG
Tại phiên chất vấn và giải trình chất vấn, các đại biểu cho rằng, báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 cho thấy, tai nạn giao thông (TNGT) tăng cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, gây lo lắng đối với cử tri tỉnh nhà. Đại biểu đề nghị Công an tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao và giải pháp để kéo giảm TNGT trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt báo cáo giải trình ý kiến đại biểu về tình hình TNGT. |
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đánh giá, TNGT trong những năm qua trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm giảm, nhưng không bền vững, còn ở mức cao. Nguyên nhân TNGT tăng là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao trong khi đó người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, không chấp hành các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống cầu, đường trên địa bàn tỉnh tuy đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng được lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, nhất là trên tuyến Quốc lộ 1, trong thời điểm mưa bão mặt đường bị đọng nước, bong tróc, tạo thành ổ gà, ổ voi chậm được khắc phục, nâng cấp... đã gây ra nhiều vụ TNGT...
Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra nồng độ cồn. |
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt đưa ra một số biện pháp kiềm giảm TNGT như: Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhận thức rõ sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của TNGT. Tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng thường xuyên quan tâm hoàn thiện hệ thông hạ tầng giao thông, khắc phục các bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các “điểm đen” về TNGT, nhằm quyết tâm kiềm giảm TNGT trong thời gian tới.
Lực lượng phối hợp liên ngành kiểm tra hành chính xe đưa, rước công nhân. |
Cùng với đó, tập trung xử lý các hành vi có nguy cơ cao gây TNGT, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ TNGT và đề nghị với các cơ quan chức năng kịp thời truy tố, đưa ra xét xử lưu động những án điểm về TNGT để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung...
Cảnh sát giao thông Tiền Giang ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ. |
Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và các tuyến đường đô thị, cơ quan chức năng sẽ bố trí nhiều tổ tuần tra kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tụ tập đua kéo xe, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm; vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng; phương tiện (xe ô tô) hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định... nhằm làm giảm TNGT theo mục tiêu đề ra.
CỤ THỂ HÓA GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN, MẶN
Liên quan đến vấn đề phòng, chống hạn, mặn trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, đợt hạn, mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã giải trình và đề xuất nhiều giải pháp khôi phục sản xuất, cũng như các giải pháp ứng phó hạn, mặn. Tuy nhiên, hiện nay nông dân chưa nhận được sự định hướng sát thực của ngành Nông nghiệp. Đại biểu đề nghị ngành NN&PTNT cho biết giải pháp trong thời gian tới?
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn giải trình tại hội trường. |
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn đưa ra các giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong thời gian tới, như: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi, hệ thống giao thông; hệ thống điện... phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo dự báo, xâm nhập mặn vùng cửa sông Tiền có khả năng sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt và nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Để ứng phó mùa hạn, mặn trong những năm tới, đối với các huyện phía Đông cần theo dõi diễn biến mặn để vận hành công trình hợp lý; nạo vét kinh, rạch để trữ nước; đầu tư 4 điểm bơm chuyền. Đồng thời, tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 và kinh cấp 2; thường xuyên tổ chức trục vớt, trục đẩy lục bình, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng kiểm tra việc vận chuyển nước ngọt bằng sà lan về Nhà máy nước BOO Đồng Tâm. Ảnh: MINH THÀNH |
Các huyện phía Tây đắp đập tại các đầu kinh, rạch thông với sông Tiền (12 đập); riêng đập Nguyễn Tấn Thành sẽ tiến hành đắp khi độ mặn tại Mỹ Tho vượt ngưỡng 1 g/l. Đối với cù lao Tân Phong và cù lao Ngũ Hiệp, triển khai thực hiện khoan giếng dự phòng để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh (dự kiến khoan 14 giếng); đồng thời, đang nghiên cứu phương án đắp đập tại 2 cù lao này.
Đối với khu vực nội đồng là vận động nhân dân nạo vét kinh, mương, tích cực trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước.
Về lâu dài sẽ tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư, xây dựng các cống, đập kiên cố ngăn mặn, trữ ngọt, tạo nguồn để đảm bảo tính chủ động đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất.
SỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA TĂNG CAO
Tại phiên chất vấn và giải trình, các đại biểu cũng đặt vấn đề liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh năm 2020. Theo báo cáo trình tại kỳ họp, năm 2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 2.057 vụ án hình sự/1.554 bị can; trong đó tạm đình chỉ điều tra 729 vụ/29 bị can (chiếm tỷ lệ 35,4%), tăng 320 vụ so với năm 2019. Đại biểu đề nghị Công an tỉnh cho biết nguyên nhân số vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra tăng cao và giải pháp để kéo giảm tỷ lệ tạm đình chỉ điều tra án hình sự trong thời gian tới?
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt giải trình các ý kiến thắc mắc của đại biểu tại hội trường |
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang giải trình: Nguyên nhân số vụ án hình sự tạm đình chỉ điều tra tăng cao phần lớn thuộc loại tội phạm xâm phạm sở hữu (nhất là trộm cắp tài sản), khi người bị hại phát hiện tài sản bị mất cắp thì họ tự tìm kiếm sau đó mới trình báo cơ quan chức năng (chậm trễ trong việc báo tin), từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác khám nghiệm hiện trường của vụ việc. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, luôn tìm cách đối phó với lực lượng chức năng; đồng thời, nhiều trường hợp các đối tượng là người từ nơi khác đến và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động nên khó khăn trong công tác điều tra khám phá.
Đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc bị can bỏ trốn sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị can có dấu hiệu tâm thần nên trưng cầu giám định và do phải chờ kết quả giám định tâm thần nên thời hạn điều tra hết dẫn đến việc tạm đình chỉ điều tra. Bị can hoặc bị hại có khiếu nại về kết luận giám định, định giá tài sản nên phải trưng cầu giám định lại và chờ kết quả mà thời hạn điều tra đã hết dẫn đến việc phải tạm đình chỉ điều tra...
Đại biểu Giảng Thị Mộng Huyền phát biểu ý kiến tại phiên chất vấn, giải trình và trả lời chất vấn. |
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt cũng nêu ra các giải pháp trong thời gian tới, như: Công an tỉnh, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý khi có vi phạm cũng như khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích. Củng cố hệ thống trực ban hình sự ở địa bàn xã, phường, thị trấn; Công an cấp huyện bố trí lực lượng ứng trực là những điều tra viên, trinh sát viên có kinh nghiệm... để phục vụ yêu cầu đột xuất được nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả, nhất là trong việc tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.
NHÓM PHÓNG VIÊN