Thứ Tư, 09/12/2020, 21:31 (GMT+7)
.
PHIÊN THẢO LUẬN TỔ KỲ HỌP THỨ 14 HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA IX

Đại biểu thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

(ABO) Trong ngày làm việc thứ 2 (9-12) của Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang khóa IX, nhiều vấn đề gây bức xúc thời gian qua đã được các đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tổ. Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến các tờ trình kèm theo dự thảo nghị quyết; thẳng thắn trao đổi, thảo luận nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021.

“ĐIỆP KHÚC” THIẾU GIÁO VIÊN MẦM NON

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lý Hoàng Chiêu cho rằng, qua tiếp xúc cử tri cho thấy tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn còn là nỗi lo lắng của nhân dân. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu HĐND tỉnh đặt ra qua nhiều kỳ họp. Tuy nhiên, đến nay tình trạng giáo viên mầm non xin nghỉ vẫn diễn ra, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn không tuyển được giáo viên mầm non. Đại biểu cho rằng, tỉnh cần có chính sách khuyến khích thu hút giáo viên mầm non hiệu quả hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng thừa nhận, trong kỳ họp HĐND lần trước vấn đề này đã được đặt ra thảo luận, ngay sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp ngành Giáo dục khảo sát lại hiện trạng, chỉ tiêu giáo viên bậc mầm non trên địa bàn tỉnh để báo cáo Bộ Nội vụ xin chủ trương về chỉ tiêu biên chế đối với giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, xây dựng dự thảo Tờ trình Nghị quyết về xem xét hỗ trợ đối với giáo viên mầm non, dự kiến sẽ trình HĐND tại Kỳ họp thứ 14 này.

Đại biểu Lý Hoàng Chiêu
Đại biểu Lý Hoàng Chiêu phát biểu về vấn đề thiếu giáo viên mầm non tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, theo quy định, Tờ trình Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật phải được lấy ý kiến các đối tượng liên quan và quy trình lấy ý kiến phải diễn ra 30 ngày. Vì vậy, UBND tỉnh chưa kịp trình ra kỳ họp cuối năm này, hiện Sở GD&ĐT vẫn đang tiếp tục thực hiện các quy trình theo đúng quy định pháp luật. Mặt khác, UBND tỉnh cũng dự trù thêm phương án khi nghị quyết HĐND ban hành nhưng vẫn không tuyển được giáo viên mầm non do điều kiện vùng sâu vùng xa, khó thu hút giáo viên về công tác. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã tính toán sẽ có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ giảm bớt tiêu chí về trình độ giáo viên mầm non ở cơ sở để tháo gỡ khó khăn này trong thời gian tới…

Với những giải pháp mà UBND tỉnh đang cụ thể hóa mong rằng sẽ sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non trong những năm học tiếp theo, tạo điều kiện để cho đội ngũ giáo viên mầm non của tỉnh nhà có thể an tâm công tác… 

CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ CÁC ĐOÀN THỂ TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, các cơ quan chức năng phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, gây thiệt hại với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, truy tố, xử lý theo quy định đối với 10 vụ, 34 đối tượng của các năm trước chuyển sang, giảm 1 vụ do chuyển tội danh. Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý 5 vụ, 15 bị can.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đoàn Tấn Minh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ trong từng mục, nội dung theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Qua đó, đánh giá được sự nỗ lực của hệ thống chính trị và các cơ quan chuyên trách trong vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Đoàn Tấn Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Đoàn Tấn Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Tuy nhiên, để thể hiện rõ ràng, đầy đủ và toàn diện hơn, đại biểu Đoàn Tấn Minh cho rằng, trong báo cáo chỉ có số liệu năm 2020, UBND tỉnh cần bổ sung các số liệu, biểu đồ so sánh giữa Luật Phòng, chống tham nhũng cũ và Luật Phòng, chống tham nhũng mới (2018); thu hồi tài sản năm sau so với năm trước, qua đó thể hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng áp dụng có hiệu quả hay không. Trong năm 2020, tỉnh Tiền Giang làm rất tốt công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương nhưng chưa bóc tách được những nguyên nhân, những việc làm được và chưa được.

Trong Luật Phòng, chống tham nhũng quy định 4 chủ thể trách nhiệm xã hội đấu tranh phòng, chống tham nhũng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; báo chí; doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề; Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng). Tuy nhiên, trong báo cáo của UBND tỉnh chưa đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các chủ thể này trong công tác phòng, chống tham nhũng. UBND tỉnh cần đánh giá, tổng hợp và bổ sung các chủ thể vào báo cáo…

Luật Phòng, chống tham nhũng được áp dụng ngày 1-7-2019 và có nhiều điểm mới so với Luật cũ, sau hơn 1 năm áp dụng sẽ có nhiều vướng mắc, khó khăn, những điểm cần kiến nghị. Do vậy, đại biểu Đoàn Tấn Minh kiến nghị tỉnh cần tổ chức sơ kết Luật Phòng, chống tham nhũng để năm 2021 tỉnh áp dụng tốt hơn.

KHAI THÁC HIỆU QUẢ CƠ SỞ VẬT CHẤT SAU SÁP NHẬP

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng cho ý kiến liên quan đến hiệu quả của việc sáp nhập các Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường Trung cấp Nghề Giao thông Vận tải và Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật vào 1 trường có tên gọi là Trường Cao đẳng Tiền Giang, trực thuộc UBND tỉnh. Đại biểu đặt vấn đề cơ sở vật chất của các trường được xử lý như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, từ khi sáp nhập đến nay trường hoạt động tốt, đảm bảo giữ chân được giáo viên, đảm bảo giờ giảng cũng như các chế độ chính sách cho giáo viên nên không có biến động về nhân sự, đây là điều đáng mừng.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Đại biểu đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021.

Về cơ sở vật chất, UBND tỉnh cũng chỉ đạo tránh tình trạng dồn về trụ sở chính và cho rằng trụ sở phụ không đáp ứng chương trình đào tạo. Điển hình như Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại cơ sở vật chất vẫn còn sử dụng tốt cho việc đào tạo một số ngành nghề thì tiếp tục sử dụng, đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở vật chất. Về việc đầu tư cơ sở vật chất thiết bị giảng dạy cho trường, trong vốn chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm đều có vốn của Trung ương. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cân đối ngân sách tỉnh để chi hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo các ngành trọng điểm của tỉnh khi trường có nhu cầu.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2.

Tuy nhiên, ngân sách UBND tỉnh không thể đầu tư cho tất cả các ngành, vì vậy chủ trương của UBND tỉnh là đẩy mạnh chính sách xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, có thể doanh nghiệp đầu tư thiết bị đào tạo cho trường và trường sẽ cung cấp lại nguồn lao động cho doanh nghiệp. Đây cũng là một giải pháp giúp cho các trường dần đi đến tự chủ tài chính. UBND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho trường nhằm khai thác hiệu quả cơ sở vật chất gắn với nâng cao chất lượng đào tạo sau sáp nhập.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

 

 

.
.
.