Cần có cơ chế bảo vệ các cán bộ "6 dám"
Trao đổi bên lề Đại hội XIII của Đảng, nhiều cán bộ cho rằng cơ chế bảo vệ cán bộ: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” là điểm nhấn rất quan trọng trong Văn kiện và được nhiều cán bộ tâm đắc.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. |
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm được nêu trong văn kiện trình Đại hội là vấn đề rất quan trọng. Đồng thời bày tỏ mong muốn, Trung ương sẽ sớm ban hành quy chế bảo vệ cán bộ “6 dám”. “Nếu hoàn thiện được cơ chế này, chúng ta sẽ khuyến khích và phát huy được sự đột phá, sáng tạo của cán bộ vì sự nghiệp chung”
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển, chúng ta thấy, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn để tìm ra phương thức mới để phát triển. Như vậy, chúng ta mới có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
“Trong trường hợp này, cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ. Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân” – đại biểu Lộc bày tỏ.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Trung Nhân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: “Trước đây chúng ta thường nghe “3 dám”. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách”, ông Nhân phân tích.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, “dám nói” ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt, là dám đương đầu, dám đột phá, đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như trong dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.
Theo đại biểu Trần Trung Nhân, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Chính vì vậy, trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đặt ra “6 dám” là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cũng bày tỏ tâm đắc với vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai Châu Ngọc Tuấn thì cho rằng, đây là một cơ chế rất tốt để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để hướng tới những sự phát triển mới. Theo ông Tuấn, trong quá trình thảo luận, một số đại biểu cũng đã nêu việc vừa qua chúng ta có xử lý kỷ luật một số cán bộ vi phạm. Do đó, có những cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai sót.
“Tuy nhiên, theo tinh thần của văn kiện, nếu như cán bộ làm đúng, cán bộ có bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng. Một bài học được rút ra đó là trong quá trình thực hiện nếu có điều gì vướng mắc thì cần phát huy dân chủ, xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai trao đổi.
(Theo dahoi13.vn)