Những ý kiến tâm huyết của đại biểu đoàn Đảng bộ tỉnh Tiền Giang
(ABO) Trong giờ giải lao phiên làm việc ngày 29 -1 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đại biểu của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang có dành cho phóng viên tỉnh nhà cuộc trao đổi nhanh về những vấn đề tâm đắc, cùng những ý kiến tại buổi thào luận tổ, góp phần cho sự thành công của Đại hội.
* Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang: Tâm đắc bài học “Dân là gốc”
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trầm. Ảnh: DS |
Ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi nhận thấy các văn kiện được chuẩn bị chu đáo, khoa học, là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Tôi tâm đắc trong văn kiện nhiệm kỳ này có bài học “Dân là gốc”, trong đó nhấn mạnh đến việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cả dân thụ hưởng nữa; điều này khẳng định mục tiêu của Đảng ta là vì con người, phản ánh sự ưu việt của chế độ ta.
Về công tác xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ qua, cũng được Đảng ta rất chú trọng, với góc độ là người làm công tác kiểm tra, tôi thấy trong nhiệm kỳ qua nhiều chủ trương về kiểm tra trong Đảng được quan tâm thực hiện; công tác phòng chống tham nhũng cũng được Đảng triển khai quyết liệt, nhiều vụ án kinh tế lớn đã được xử lý nghiêm minh; thể hiện rõ tinh thần là kiểm tra không có vùng cấm, không có ngoại lê.
* Đồng chí Nguyễn Thành Diệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông: Sớm triển khai quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của dân tộc, đất nước; với niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, tôi tin Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp, mở ra kỷ nguyên phát triển cho đất nước. Ở lần Đại hội này, trước yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Đảng đã đề ra 3 khâu đột phá mà tôi rất tâm đắc.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu. |
Thứ nhất, là tiếp tục hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế phát triển, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế theo định hướng XHCN, đổi mới quản trị đất nước theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả; điều này gắn với việc giải quyết các mối quan hệ mà Đại hội đề ra, đó là quan hệ giữa đổi mới - ổn định và phát triển; quan hệ giữa phát triển kinh tế và đổi mới chính trị; là quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và xã hội; quan hệ giữa phát huy nội lực - tự chủ, độc lập và không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế; và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội; làm sao cho mọi người dân đều được hạnh phúc thịnh vượng, đất nước hùng cường.
Thứ hai, là xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó ưu tiên đội ngũ nhân lực quản lý Nhà nước, nhân lực quản trị, và nhân lực ở các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia.
Từ đó triển khai các giải pháp thực hiện với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, triển khai giải pháp thực hiện quyết liệt, đổi mới thực hiện nhiệm vụ chính trị ờ các ngành, các cấp. Đồng thời khơi dậy nguồn lực đội ngũ trí thức, nguồn lực trong nhân dân, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng cho đất nước trong nhân dân.
Thứ ba, là xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên các công trình trọng điểm quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng các công trình hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, từng bước hướng tới nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Về những ý kiến đóng góp cho Đại hội, đồng chí Nguyễn Thành Diệu chia sẻ:
Với tư cách là một đại biểu vinh dự tham gia sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, tại các phiên thảo luận tổ tôi cũng có vài ý kiến nhỏ với hy vọng giúp việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng hiệu quả hơn.
Thứ nhất là vấn đề phát triển vùng, như chúng ta biết Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế phát triển từ nông nghiệp, cho nên tôi kiến nghị sớm triển khai quy hoạch phát triển vùng nhanh hơn, đồng bộ, hiệu quả hơn, cần chủ động quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực theo chuỗi hàng hóa giá trị để tạo động lực phát triển cả vùng kinh tế còn nhiều tiềm năng này.
Thứ hai, cần có cơ chế liên kết nội vùng và liên vùng hiệu quả hơn; bởi Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, thời gian qua cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển của vùng; nhưng Tiền Giang cũng được Chính phủ quyết định tham gia vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cho nên trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang vừa qua cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá đó là phát triển kinh tế, xã hội Tiền Giang gắn với phát triển kinh tế và là thành viên có trách nhiệm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vấn đề thứ hai là gắn xây dựng nông thôn mới của vùng ĐBSCL với phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nhằm cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Vấn đề thứ ba là phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL, kiến nghị sớm đầu tư tuyến đường ven biển từ TP Hồ Chí Minh qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; nhằm tạo điều kiện phát triển vùng gắn với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng, an ninh trên biển.
DUY SƠN (thực hiện)