Bài 3 - Tập trung phát triển hạ tầng
Bài 2 - Đầu tư lớn cho tam nông
Bài 1 - Tiền Giang không ngừng nỗ lực vươn lên
Một trong những nội dung quan trọng nằm trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được đề cập trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đó cũng là một trong những định hướng lớn mà Tiền Giang đang tập trung triển khai thực hiện và là một trong những khâu đột phá được đặt ra cho chặng đường mới 2020 - 2025.
KẾT NỐI VÙNG KINH TẾ
Một trong những dấu son của chặng đường đã qua là diện mạo kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của Tiền Giang đã thay đổi đáng kể. Hệ thống đường sá, cầu được tập trung đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển đô thị, Tiền Giang còn quan tâm đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng để tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội và gắn kết với các vùng kinh tế.
Ngày cầu Bình Xuân thông xe. |
Kết quả cụ thể cho thấy, theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải (GTVT), thời gian qua ngành GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ GTVT và bộ, ngành Trung ương cùng các sở, ngành, địa phương thực hiện đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TX. Cai Lậy, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức thông tuyến vào cuối năm 2020 và đưa vào sử dụng vào năm 2021, mở rộng song hành 4 cầu hẹp trên Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; mở mới tuyến đường tỉnh 878 kết nối Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước, đường dọc sông Tiền (từ thị trấn Cái Bè đến cầu Mỹ Thuận), đường tỉnh 871B kết nối vùng công nghiệp phía Đông, tuyến tránh đường tỉnh 868, tuyến tránh thị trấn Tân Tây... và các cầu lớn kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh như: Cầu Long Hưng, cầu Bình Xuân, cầu Ngũ Hiệp, cầu Vàm Trà Lọt…
Nhìn một cách tổng thể, trong 5 năm qua, ngành GTVT đã tổ chức xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, quan trọng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 8.785 tỷ đồng, qua đó góp phần phát triển tăng trưởng kinh tế của tỉnh, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa.
Dấu ấn đậm nét của ngành GTVT trong năm 2020 là thực hiện chủ trương của tỉnh đầu tư xây dựng 5 cây cầu kết nối các vùng kinh tế - đô thị trong tỉnh, gồm: Vàm Trà Lọt, Ngũ Hiệp, Kinh Xáng, Nguyễn Văn Tiếp, Bình Xuân. Những công trình này không chỉ tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, mà còn đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo người dân. Có thể nói, năm 2020 cũng là một trong những năm Tiền Giang đã tạo được nhiều đột phá trong hạ tầng giao thông.
Nói như Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân Huỳnh Hồng Huệ, Bình Xuân là xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn của TX. Gò Công, là căn cứ Tỉnh ủy Gò Công thời kỳ chống Mỹ cứu nước và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Xã có 9 ấp nhưng trước nay bị chia cắt làm 2 bởi sông Gò Công. Do đó, nhân dân khu Gò Công nói chung, xã Bình Xuân nói riêng mơ ước được Nhà nước xây dựng chiếc cầu đề gắn liền đôi bờ và hôm nay đã trở thành hiện thực.
“Đây là niềm vui, phấn khởi lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bình Xuân. Chiếc cầu góp phần giúp cho Bình Xuân gắn kết với các xã lân cận trong giao thương hàng hóa, tạo điều kiện để địa phương mời gọi đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân” - đồng chí Huỳnh Hồng Huệ cho biết.
GIAO THÔNG ĐI TRƯỚC
Một trong những khâu đột phá được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn. Để cụ thể hóa khâu đột phá này, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long...; trong đó ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven sông Tiền.
Cầu Bình Xuân nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH THÀNH |
Cụ thể hóa từng bước đi, theo đánh giá của Sở GTVT, bên cạnh những thành quả đạt được, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội những năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế của tỉnh. Chính vì vậy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của tỉnh, việc quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong thời gian tới luôn tiếp tục được xác định là sự cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh với tốc độ nhanh, hợp lý và bền vững. Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Văn Bon, với nhiệm vụ là ngành tiên phong đi trước, ngành GTVT đã định hướng nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại ở cả đô thị và nông thôn.
Xác định từng bước đi cụ thể, ngành GTVT cũng sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các dự án công trình giao thông liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng duyên hải phía Đông như: Tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2. Đồng thời, ngành GTVT Tiền Giang sẽ phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư dự án theo trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư các công trình liên kết các vùng của tỉnh, các công trình liên kết với các tỉnh lân cận; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thành các tuyến Bắc - Nam, Đông - Tây của tỉnh như: Đường tỉnh 864 từ Quốc lộ 30 đến biển Tân Thành kết nối với Quốc lộ 50, Quốc lộ 60, đường ven biển, đường vào Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với Trung tâm huyện Tân Phước, đường tỉnh 872, đường tỉnh 879... với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh tập trung phát triển giao thông đường bộ, ngành GTVT cũng tập trong phát triển giao thông thủy và logistics kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu khai thác tối đa lợi thế tiềm năng vận tải bằng đường thủy trên các tuyến sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp, kinh Chợ Gạo, kinh Tháp Mười số 2 (kinh Nguyễn Văn Tiếp), kinh 28, kinh Xáng Long Định (kinh Nguyễn Tấn Thành)...; chú trọng phát triển hệ thống cảng chuyên dùng, cảng biển tổng hợp và hệ thống bến thủy nội địa phục vụ phát triển vùng công nghiệp phía Đông; đồng thời, nâng cao năng lực vận tải hành khách bằng đường thủy; đầu tư hoàn thành và khai thác Dự án Cảng du thuyền Mỹ Tho…
T.T
(Còn tiếp)