Thứ Tư, 06/01/2021, 15:31 (GMT+7)
.

Tự hào 75 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam

Ngày 6-1-1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.

MỐC SON CHÓI LỌI ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ NƯỚC TA

Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ cộng hòa dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.

Hà Nội cổ động cho bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.
Hà Nội cổ động cho bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NHỮNG CỘT MỐC ĐẦY TỰ HÀO CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM

Ngay sau khi ra đời, Quốc hội khóa I (1946 - 1960) đã đóng góp to lớn vào công cuộc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân; khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến trên con đường xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Một số kết quả của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên

* Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên  cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở Hà Nội, đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

* Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành sôi nổi trên khắp cả nước. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu. Trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà lão thành cách mạng, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

* Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

* Bà Nguyễn Thị Thập là 1 trong 10 nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam đầu tiên. Trong số hơn 300 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ, trong đó bà Nguyễn Thị Thập là đại biểu tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I, năm 1946 là các bà: Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Lê Phương (đại biểu Hải Dương), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu).

Trong 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác, đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng, nhất là trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại.

Giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1960  - 1975), Quốc hội các khóa II, III, IV và V hoạt động trong một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã triển khai thực hiện đường lối, nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Hiến pháp năm 1959, quyết định nhiều chính sách quan trọng của đất nước, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xứng đáng với lời biểu dương của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quốc hội ta hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”.

Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất trong cả nước (năm 1976), Quốc hội từ khóa VI đến khóa XIV hiện nay đã ngày càng phát huy, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình và uy tín được nâng cao. Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động; nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chú trọng, chủ động hơn trong hoạt động giám sát, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh, mở rộng hoạt động đối ngoại.

Trong giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh, đã tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.

Thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và để xây dựng chính quyền vững mạnh, ngày 6-1-1946, cùng với nhân dân cả nước, công dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công từ Vàm Láng (Gò Công) đến Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho) tự nguyện đi bỏ phiếu để bầu Quốc hội, lập chính phủ chính thức và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập.

Cuộc bầu cử tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều nơi trong tỉnh quần chúng đã đi bầu cử trước mũi súng kẻ thù. Với tinh thần yêu nước, tinh thần giác ngộ cách mạng, bất chấp mọi sự xuyên tạc, chống phá của kẻ địch, hầu hết công dân đến tuổi đi bầu đã bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã mang lại kết quả rất tốt đẹp. Tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang) có 8 đồng chí đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, tỉnh Gò Công có 2 đồng chí: Nguyễn Văn Côn và Trần Công Tường; tỉnh Mỹ Tho có 6 đồng chí: Nguyễn Thị Ngọc Tốt (Nguyễn Thị Thập), Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Phi Oanh, Huỳnh Tấn Phát và Diệp Ba.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.