Xem công tác phòng, chống hạn, mặn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021
Ngày 28-1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Công văn 178 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các Ban đảng, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; cấp ủy huyện (tương đương) tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức về phòng, chống hạn và xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân chủ động trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và sử dung nước tiết kiệm, không để thất thoát gây lãng phí nước; thường xuyên theo dõi cập nhật, thông tin hằng ngày về tình hình hạn, xâm nhập mặn.
Triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ); tổ chức đắp đập, gia cố các tuyến đê bao thấp, nạo vét lòng kinh và các tuyến kinh nội đồng; huy động phương tiện để chủ động bơm trữ nước trong điều kiện mặn cho phép.
2. Theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến xâm nhập mặn; tổ chức quan trắc độ mặn, lấy nước ngọt vào nội đồng để trữ nước phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mặn; thời điểm lấy (bơm) nước ngọt vào ao hồ, đồng ruộng; chủ động khuyến cáo điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất cho phù hợp để tránh thiếu nước ngọt ở cuối vụ.
3. Chủ động triển khai việc bơm và trữ nước ở những nơi khó khăn để tích trữ nguồn nước ngọt tối đa. Đối với vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, không xuống giống vụ đông xuân 2021 và tuân thủ lịch khuyến cáo của ngành Nông nghiệp; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án, nơi nào chủ quan, lơ là, để xảy ra việc xuống giống không theo lịch khuyến cáo, gây thiệt hại cho người dân phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.
4. Thường xuyên phối hợp kiểm tra lại hệ thống đê bao, bờ bao, cống đập để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp đột xuất nhằm bảo vệ tốt cho sản xuất. tăng cường vận động các nguồn lực đầu tư hệ thống kinh mương, cống đập, đê bao để bảo vệ sản xuất, trước mắt cần tận dụng tối đa nguồn lực hiện có tại địa phương; trong đó sử dung nguồn vốn dự phòng phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định.
5. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các huyện, thành, thị cùng với cấp ủy địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích cực công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; thường xuyên bám sát địa bàn, kiểm tra thực tế, không để bị động, bất ngờ trước diễn biến của hạn, xâm nhập mặn, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021.
6. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai khoan, khai thác giếng ngầm dự phòng, tiếp tục đầu tư đường ống đấu nối sử dung nước từ Nhà máy BOO Đồng Tâm và các trạm nước hiện hữu tại các địa phương, khi vực bị hạn, mặn nghiêm trọng (như huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và TX. Gò Công) đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân; vận hành tốt các thuyền bơm trong Dự án Hệ thống thủy lợi trạm bơm để phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra tình hình hạn, xâm nhập mặn tại một số vùng có nguy cơ cao để kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp.
7. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương; UBND tỉnh, cấp ủy huyện (tương đương) thường xuyên bám sát tình hình hạn, xâm nhập mặn, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo.
M.T