Thứ Bảy, 06/02/2021, 08:30 (GMT+7)
.

Báo chí Tiền Giang tuyên truyền xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn

Những năm qua, Tỉnh ủy Tiền Giang rất xem trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) ở nông thôn, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác chính trị tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đặc biệt là, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm chỉ đạo báo chí tập trung tuyên truyền có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân địa bàn nông thôn, đã tạo sự lan tỏa trong xã hội.

Đảng bộ tỉnh Tiền Giang hiện có 15 đảng bộ trực thuộc, với 49.735 đảng viên đang công tác, sinh hoạt ở 740 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, tổ chức đảng ở nông thôn chiếm gần 18% tổ chức cơ sở đảng của tỉnh; khu vực nông thôn của tỉnh gần 85% dân số và 79% lao động nông nghiệp đang sinh sống và sản xuất, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Từ nhận thức vị trí, vai trò của TCCSĐ ở nông thôn có ý nghĩa đặc biệt, việc xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn được các TCCSĐ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được nâng cao; kết cấu hạ tầng được cải thiện và kiên cố hóa; các công trình văn hóa, y tế, thông tin liên lạc, điện, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng và phục vụ người dân ngày càng tốt…

CHUYỂN TẢI BẰNG NHIỀU HÌNH THỨC, NỘI DUNG

Trước đây, các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng ít có nghị quyết nào đề cập đến việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng nhiều và rõ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhất là ở nông thôn. Đây là cơ sở cho cấp ủy triển khai thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng Đảng, TCCSĐ sát với nhiệm vụ chính trị; đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tuyên truyền, giám sát thực hiện, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện các Quy định của Đảng và Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ báo chí về công tác xây dựng Đảng, TCCSĐ ở nông thôn được quan tâm tích cực, mạnh mẽ, cơ quan báo chí của tỉnh đã chuyển tải bằng nhiều hình thức, nội dung như: Nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; tập trung tuyên truyền đấu tranh, phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Cùng với đó, chủ động cung cấp và định hướng thông tin, tuyên truyền những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong học tập và làm theo Bác…

Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Báo Ấp Bắc và Hội Nhà  báo  Việt Nam tỉnh Tiền Giang nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020).
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Báo Ấp Bắc và Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Tiền Giang nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020).

Qua số liệu khảo sát ở tỉnh Tiền Giang về công tác tuyên truyền của báo chí, kết quả: Báo Ấp Bắc: Cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc báo thường xuyên chiếm 31,8% (TP. Mỹ Tho chiếm 42%, huyện Cai Lậy chiếm 24%, huyện Cái Bè chiếm 26%...); xem thỉnh thoảng chiếm 49,8% (TP. Mỹ Tho chiếm 40,5%, huyện Cai Lậy chiếm 62%, huyện Cái Bè chiếm 50%...). Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang: Cán bộ, đảng viên và nhân dân xem thường xuyên chiếm 34,2% (TP. Mỹ Tho chiếm 48%, huyện Cai Lậy chiếm 22%, huyện Cái Bè chiếm 28%...); xem thỉnh thoảng chiếm 52% (TP. Mỹ Tho chiếm 46%, huyện Cai Lậy chiếm 62%, huyện Cái Bè chiếm 50%...). Cán bộ, đảng viên theo dõi thông tin trên báo chí về công tác xây dựng Đảng, TCCSĐ thường xuyên chiếm dưới 32%, nhưng số lượng cán bộ, đảng viên ở TP. Mỹ Tho xem thường xuyên đạt tỷ lệ khá cao - trên 42%, ở nông thôn gần 30%. Đây là bài toán nan giải cho cấp ủy làm sao nâng cao chất lượng thông tin đến với người dân ở nông thôn, để kịp thời tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với người dân kịp thời và hiệu quả hơn.

Với chuyên mục “Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh”, phản ánh kịp thời những nhiệm vụ của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nêu bật vai trò cấp ủy cấp xã và cán bộ, đảng viên; nêu điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước; phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua khảo sát năm 2018 và năm 2019, trên Báo Ấp Bắc đã đăng 216 kỳ, có 4.824 tin và 864 bài viết, trong đó 500 bài viết TCCSĐ ở cấp xã, chiếm 57,8%; riêng TCCSĐ ở nông thôn chiếm 40,5%. Năm 2019, Báo Ấp Bắc đã quan tâm tăng số lượng bài viết về TCCSĐ ở nông thôn, các bài viết tăng hơn 5%; các tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền những việc làm của các chi bộ, đảng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới...

NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN NHẤT ĐỊNH

Bên cạnh thuận lợi vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: Nội dung tuyên truyền, lượng thông tin phân bổ chưa phù hợp giữa khu vực nông thôn và thành thị. Về hình ảnh, Báo Ấp Bắc có tăng tỷ lệ ảnh trên báo, nhưng số lượng ảnh trên chuyên mục xây dựng Đảng vẫn còn ít, chủ yếu lấy ảnh tư liệu để minh họa; kết quả khảo sát có 19,4% ý kiến cho rằng hình ảnh minh họa còn ít. Cán bộ, đảng viên cho rằng, chuyên trang xây dựng Đảng rất bổ ích, thiết thực, gần gũi với nhân dân, nhưng chưa thật sự hấp dẫn công chúng, nhiều bài viết còn chung chung, khô khan, viết theo lối mòn, chưa thuyết phục người đọc, các tác phẩm báo chí nôm na giống nhau. Mặt khác, hầu hết các tác phẩm khen nhiều hơn chê, khảo sát chiếm 36,4% ý kiến cho rằng khen là chủ yếu, phê phán chỉ chiếm 19%. Như vậy báo chí tỉnh chưa mạnh dạn nêu và đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực ở TCCSĐ ở nông thôn.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Rút kinh nghiệm tuyên truyền xây dựng TCCSĐ ở nông thôn trong mấy năm qua, hiện nay báo chí Tiền Giang đang tập trung thực hiện một số giải pháp:

Bảo đảm tính định hướng trong hoạt động của báo chí đối với nội dung tuyên truyền qua các chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động đảm bảo tính thực tiễn. Đồng thời, Tỉnh ủy lãnh đạo báo chí cần theo định hướng và kế hoạch cụ thể, chi tiết trong công tác tuyên truyền xây dựng Đảng, TCCSĐ phải kịp thời, hiệu quả đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đối với cơ quan báo chí, phải có nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ công tác xây dựng TCCSĐ ở nông thôn như địa bàn chiến lược. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Xây dựng Đảng, TCCSĐ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người cán bộ, đảng viên được dân tin yêu, bảo đảm nguyên tắc giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và định hướng tuyên truyền của cấp ủy. Đồng thời, phải nắm vững phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, TCCSĐ ở nông thôn để chỉ đạo cho việc tuyên truyền bám sát địa bàn nông thôn.

Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức các tác phẩm báo chí viết về TCCSĐ ở nông thôn phù hợp với nhận thức, trình độ và đặc điểm công chúng nông thôn, nhất là vùng thuần nông, ven biển; cần xác định công chúng ở đây chủ yếu cán bộ, đảng viên và nhân dân ở nông thôn có trình độ dân trí chưa cao trong bối cảnh đời sống còn nhiều khó khăn, vì thế phóng viên, biên tập viên khi sáng tạo tác phẩm báo chí sao cho mỗi công chúng tiếp nhận một cách dễ dàng; coi trọng giải thích và giải đáp những vấn đề nông thôn đặt ra, thông qua đó tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm tính hấp dẫn của thông tin, đổi mới nội dung và bám sát những thông tin mà họ cần, chứ không phải cung cấp thông tin sẵn có. Đổi mới nội dung tuyên truyền TCCSĐ ở nông thôn trên báo chí không phải những sự kiện, chi tiết, tình huống giật gân, thời sự nóng hổi..., mà tập trung giải thích, giải đáp những vấn đề mà nông dân, nông thôn, nông nghiệp đang đặt ra.

Đối với phóng viên, biên tập viên, với tinh thần “chống lối mòn, luôn đổi mới”, lãnh đạo cơ quan báo chí và phóng viên nắm chắc tình hình và kịp thời “đột kích” những vấn đề thời sự nông thôn, từ đó đặt vấn đề công tác xây dựng TCCSĐ ở nông thôn. Cơ quan báo chí tạo điều kiện, khuyến khích những bài viết về xây dựng TCCSĐ nông thôn, tiếp cận vấn đề mới và nóng, có cách thể hiện sinh động; động viên mỗi người học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là viết về xây dựng TCCSĐ; khen thưởng kịp thời những tác phẩm báo chí có tính phát hiện nhân tố mới, những bài phân tích có chiều sâu, những phóng sự sinh động, hấp dẫn; đặc biệt chú trọng những tác phẩm có tính phản biện, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong công tác xây dựng Đảng, như bệnh hình thức, chiếu lệ, né tránh, nể nang…

Đối với cộng tác viên, thường xuyên trao đổi, tập huấn, được cung cấp thông tin và khuyến khích cộng tác viên kết nối với tòa soạn báo chí. Phóng viên, biên tập viên gợi ý đề tài, trao đổi, thảo luận về cách thức trình bày, bố cục bài viết. Hằng tháng, lãnh đạo cơ quan báo chí nên đặt hàng cho cộng tác viên những bài viết có trọng tâm, bài đinh của tờ báo sát với thực tế ở nông thôn. Lập nhóm kết nối trên mạng xã hội, thường xuyên trao đổi thông tin, động viên và nhắc nhở cộng tác viên dành ưu tiên viết bài; chế độ nhuận bút cần thỏa đáng; tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cộng tác viên.

TẤN QUÂN

 

.
.
Liên kết hữu ích
.